16/04/2020 12:18 GMT+7

Bị nêu 'chưa làm nghiêm', Bộ Công thương muốn công khai việc mở tờ khai xuất khẩu gạo

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Bộ Công thương đề nghị công khai các doanh nghiệp đã mở tờ khai hải quan xuất khẩu gạo, số liệu xuất khẩu, cũng như làm rõ vai trò của gạo nếp trong đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Bị nêu chưa làm nghiêm, Bộ Công thương muốn công khai việc mở tờ khai xuất khẩu gạo - Ảnh 1.

Việc điều hành xuất khẩu gạo đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và nông dân - Ảnh: CHÂU ANH

Bộ Công thương vừa có công văn hỏa tốc đề nghị Bộ Tài chính công bố danh sách các thương nhân đã đăng ký tờ khai hải quan xuất khẩu gạo tháng 4-2020 theo hạn ngạch 400.000 tấn. 

Cụ thể là đề nghị cung cấp rõ tên, số lượng, thị trường xuất khẩu, cảng/cửa khẩu xuất khẩu… đến thời điểm hiện nay.

Bởi theo Bộ Công thương, trong những ngày qua đã nhận được nhiều văn bản của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phản ánh việc đăng ký tờ khai hải quan đã xuất hiện một số bất cập như: thương nhân không được thông báo về thời gian bắt đầu tiếp nhận tờ khai xuất khẩu nên không đăng ký kịp thời hoặc không tiếp cận được hệ thống báo lỗi, cá biệt có trường hợp đã đăng ký được nhưng sau đó lại bị mất tờ khai trên hệ thống…

Trong một diễn biến khác, ngày 15-4, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu hai bộ Công thương và Tài chính phải báo cáo Thủ tướng về việc triển khai xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong hạn ngạch tháng 4 này.

Đồng thời, văn bản số 2953 của Văn phòng Chính phủ trực tiếp gửi Bộ Công thương nhắc lại đề nghị của UBND tỉnh Long An, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang gửi Thủ tướng về việc xuất khẩu gạo.

Theo đó, cơ quan này đề nghị Bộ Công thương nghiên cứu, tổng hợp kiến nghị của các địa phương, báo cáo về tình hình xuất khẩu gạo tháng 4 và đề xuất phương án điều hành xuất khẩu gạo tháng 5.

Trước đó, Long An kiến nghị cho cơ chế xuất khẩu lại gạo nếp không giới hạn sản lượng. Bởi hiện nay tỉnh này có khoảng 65.000ha diện tích trồng gạo nếp, mà với hạn ngạch xuất khẩu 400.000 tấn gạo vừa qua, không nhắc đến việc xuất khẩu gạo nếp, gây khó khăn cho doanh nghiệp trên địa bàn. 

Trong văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ngày 15-4, Bộ Công thương đề nghị bộ này làm rõ việc gạo nếp có tính trong lượng gạo dự trữ phục vụ an ninh lương thực quốc gia hay không? Tác động và ảnh hưởng của gạo nếp được trồng tại tỉnh Long An và An Giang đối với an ninh lương thực quốc gia.

Yêu cầu Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thông tin về diện tích gieo trồng, sản lượng dự kiến của gạo nếp tại hai tỉnh này theo từng vụ. Trên cơ sở đó đề xuất, kiến nghị đối với việc xuất khẩu gạo nếp trong thời gian tới.

Bộ Tài chính cảnh báo về việc doanh nghiệp sẽ rất bị động khi xuất khẩu, cho rằng Bộ Công thương họp nửa ngày là "chưa nghiêm túc"

Trong văn bản của Bộ Tài chính gửi Bộ Công thương ngày 10-4 về tham gia ý kiến đối với dự thảo báo cáo Thủ tướng về phương án điều hành xuất khẩu gạo, bộ này cho rằng mặc dù việc thành lập đoàn kiểm tra liên ngành theo chỉ đạo của Thủ tướng để làm việc với các địa phương và doanh nghiệp xuất khẩu gạo, trong đó Bộ Tài chính là thành viên, nhưng trên thực tế Bộ Công thương đã chủ trì thực hiện một cuộc họp nửa ngày. "Thực chất chưa phải thực hiện nghêm túc chỉ đạo của Thủ tướng" - Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Đối với việc mua gạo vào Tổng cục Dự trữ nhà nước, hiện đã đấu thầu với số lượng trúng thầu là 178.000 tấn gạo, song đến nay nhiều doanh nghiệp đã được phê duyệt kết quả trúng thầu nhưng lại có văn bản từ chối hợp đồng và không đến ký hợp đồng theo quy định. Bộ Tài chính đề nghị không được ký hợp đồng xuất khẩu gạo tẻ thường mới, tạm dừng xuất khẩu gạo tẻ thường đến hết ngày 15-6 để đảm bảo mua đủ gạo dự trữ quốc gia. Tuy nhiên, cần tiếp tục cho xuất khẩu gạo nếp, gạo đồ, gạo hữu cơ, gạo thơm.

Đặc biệt, Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương chủ trì xây dựng lộ trình hợp lý để thực hiện xuất khẩu gạo của những hợp đồng đã ký từ tháng 6-2020 đến tháng 12-2020 phù hợp với diễn biến dịch ở Việt Nam và thế giới, phù hợp với an ninh lương thực trong bối cảnh khả năng diễn ra khủng hoảng kinh tế sau đại dịch.

Bộ này đề xuất trên cơ sở Chính phủ chỉ quyết định số lượng được xuất khẩu, định hướng tiến độ xuất khẩu, thì có thể có các phương án như: giao Hiệp hội Lương thực Việt Nam phân bổ chỉ tiêu xuất khẩu giữa các doanh nghiệp có sự giám sát của Bộ Công thương hoặc Bộ Công thương giao phân bổ hạn ngạch xuất khẩu và có văn bản giao số lượng được xuất để Tổng cục Hải quan căn cứ trừ lùi.

Hai bộ Công thương, Tài chính phải báo cáo Thủ tướng việc xuất khẩu gạo Hai bộ Công thương, Tài chính phải báo cáo Thủ tướng việc xuất khẩu gạo

TTO - Ngày 15-4, Văn phòng Chính phủ truyền đạt chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu hai bộ Công thương và Tài chính phải báo cáo Thủ tướng về việc triển khai xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong hạn ngạch tháng 4 này.


NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên