Nhiều thực khách tìm đến phở Hòa nhưng quán đã thông báo tạm nghỉ sáng 1-8 - Ảnh: MINH HÒA
Thế nhưng hành vi vi phạm này đa phần lại chỉ bị xử phạt hành chính thì liệu có đủ sức răn đe hay không? Hành vi này có xử lý hình sự được không?
Trên thực tế, những việc ném chất bẩn, đe dọa công dân còn ẩn chứa nhiều dấu hiệu của tội phạm, như tội cho vay lãi nặng. Đối với sự việc này, các cơ quan chức năng cần quyết liệt vào cuộc hơn nữa nhằm kịp thời trấn áp tội phạm.
Luật sư ĐẶNG XUÂN CƯỜNG
Điêu đứng vì… chất bẩn
Những ngày qua, gia đình chị N.T.T.N. (ngụ phường Tân Định, quận 1, TP.HCM) sống trong cảnh lo sợ khi nhà chị liên tục bị kẻ lạ tạt sơn, chất bẩn vào nhà. Không những thế, kẻ lạ mặt còn "khủng bố" gia đình chị bằng cách ném mắm tôm trộn phân và sơn đỏ vào nhà.
Cơ quan chức năng cùng gia đình chị N. xem lại camera thì thấy 2 thanh niên bịt mặt đi xe máy ném chất bẩn vào nhà chị rồi bỏ chạy.
Tương tự, trong một tháng ông L. - chủ quán phở Hòa (đường Pasteur, phường 8, quận 3, TP.HCM) - liên tục bị người lạ "khủng bố" bằng sơn, mắm tôm, lòng heo thối đến 8 lần khiến cả gia đình sống trong nỗi bất an. Việc kinh doanh cũng vì thế mà chậm trễ.
Nguyên nhân được cho là người em rể của ông L. nợ nần nhưng chủ nợ lại tìm đến ông. Không còn cách nào khác, ông L. đành đến Công an quận 3 trình báo vụ việc với mong muốn được yên ổn làm ăn.
Gia đình ông L. cho biết sau mỗi lần sự việc xảy ra, gia đình đều báo Công an phường 8, quận 3 đến ghi nhận vụ việc. Tuy nhiên sau đó, quán phở vẫn tiếp tục bị tạt sơn, mắm tôm và chất bẩn. Sáng 1-8, khi chúng tôi quay lại quán phở Hòa thì quán này đã đóng cửa.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Công an quận 3, TP.HCM cho biết hiện nay cơ quan này đã chuyển hồ sơ vụ việc của gia đình ông L. cho đội cảnh sát hình sự Công an quận 3 thụ lý giải quyết. Cơ quan này vẫn đang tiếp tục làm rõ những vấn đề liên quan đến hành vi của các đối tượng.
Những vụ việc bị ném chất bẩn vào nhà nêu trên đã không còn là chuyện cá biệt. Có những vụ việc hết sức nghiêm trọng, gây mất an ninh trật tự khiến người dân hoang mang.
Luật sư Đặng Xuân Cường (trưởng ban hình sự TAT Law firm, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết trên thực tế, những việc ném chất bẩn, đe dọa công dân như nêu trên còn ẩn chứa nhiều dấu hiệu của tội phạm, như tội cho vay lãi nặng (điều 201 Bộ luật hình sự). Sau đó, các đối tượng dùng phương thức đòi nợ theo kiểu tín dụng đen là sử dụng các hành vi trái pháp luật, uy hiếp về tinh thần để đòi nợ.
"Đối với sự việc này, các cơ quan chức năng cần quyết liệt vào cuộc hơn nữa nhằm kịp thời trấn áp tội phạm. Tránh việc người dân hiểu lầm cơ quan chức năng né tránh giải quyết vụ việc, bởi theo thông tin phản ảnh thì sau mỗi lần bị ném sơn, chất bẩn… chủ nhà đều trình báo sự việc với cơ quan công an nhưng sau mỗi lần trình báo thì tình hình vẫn không có gì thay đổi" - luật sư Cường cho biết.
Một số đối tượng ngang nhiên ném chất bẩn vào quán phở Hòa sáng 31-7 - Ảnh: cắt từ clip
Dễ xử phạt hành chính nhưng khó xử lý hình sự
Luật sư Hoàng Cao Sang (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết với hành vi tạt sơn, tạt chất bẩn vào nhà người khác như nêu trên thì tùy tính chất, mức độ của hành vi có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự.
Cụ thể, nghị định 167 năm 2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội… đã quy định: phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với các hành vi: ném gạch, đất, đá, cát hoặc bất cứ vật gì khác vào nhà, vào phương tiện giao thông, vào người, đồ vật, tài sản của người khác (điểm d, khoản 2, điều 5 nghị định 163).
Ngoài ra, nếu bị hư hỏng tài sản, đồ đạc thì chủ nhà có quyền yêu cầu người ném chất bẩn vào nhà phải bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra.
Nghiêm trọng hơn, hành vi ném chất bẩn vào nhà người khác có thể bị xử lý hình sự. "Nếu hành vi đó gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội thì có thể bị khởi tố về tội gây rối trật tự công cộng.
Tuy nhiên, để xử lý hình sự về hành vi này rất khó bởi phải chứng minh được các tình tiết như tổ chức chặt chẽ, tạt nhiều chất bẩn hoặc hành vi vi phạm gây kẹt xe, gây mất trật tự…" - luật sư Hoàng Cao Sang cho biết.
Mục đích khác nhau, có thể xử lý tội danh khác nhau
TS Đinh Thế Hưng (trưởng phòng pháp luật hình sự Viện Nhà nước và pháp luật, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho biết: Tùy từng trường hợp cụ thể, tùy tính chất, mức độ hành vi mà cơ quan chức năng sẽ có cách xử lý khác nhau.
Về lý thuyết, nếu đối tượng tạt sơn, chất bẩn vào nhà người khác với mục đích đe dọa để đòi nợ hoặc chiếm đoạt tài sản thì người vi phạm có dấu hiệu của tội cưỡng đoạt tài sản. Nếu vì mâu thuẫn cá nhân mà cố tình ném chất bẩn vào nhà gây thiệt hại tài sản của người khác thì có thể bị xử lý về tội hủy hoại tài sản.
Nếu việc ném chất bẩn vào nhà nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ, hoang mang trong công chúng thì có dấu hiệu của tội khủng bố. Tuy nhiên, do hành vi mới có dấu hiệu mà chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm nên rất khó xử lý trên thực tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận