06/03/2010 05:00 GMT+7

Bí mật xác ướp hoàng thân vua Gia Long

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - Bí mật xác ướp này được bắt đầu giải mã từ năm 1994. Nhà khảo cổ học Đỗ Đình Truật lúc đó đang thực địa vùng Cù Lao Phố, Đồng Nai thì được gọi về chuẩn bị khai quật mộ cổ ở khu vực Xóm Cải, quận 5, TP.HCM.

bSNXRoln.jpgPhóng to
Xác ướp bà Nguyễn Thị Hiệu - Ảnh tư liệu

Kỳ 1: Bí ẩn ngôi mộ cổ Vân Cát Kỳ 2: Giải mã xác ướp Kỳ 3: Sự trở lại của đức vua Kỳ 4: Thách thức cát bụi

Ông Truật nhớ cảm giác hồi hộp, xúc động khi được tận tay làm việc này. Cả đời nghiên cứu sử nước nhà và khảo cổ, ông Truật hiểu đất Sài Gòn - Gia Định trải 300 năm đang chứa đựng biết bao ẩn khuất từ thời cha ông đi mở cõi mà chính sử chưa thể minh định đầy đủ. Bí ẩn dưới những ngôi mộ cổ có thể sẽ góp phần soi rọi bao trầm tích lịch sử vùng đất mới đầy tiềm năng và biến động này của nước Việt.

Ngôi mộ cổ đặc biệt

Khảo sát kỹ thực địa, ông Truật và đồng nghiệp rất ngỡ ngàng khi thấy khu vực Xóm Cải đang chuẩn bị xây dựng nhà ở này có cả một bãi tha ma cổ. Trong đó riêng phần mộ của bà Nguyễn Thị Hiệu được xây dựng kiên cố, rất lớn chẳng thua kém mấy lăng tẩm của các vị tiên đế ở miền Trung, miền Bắc.

Khu mộ được xây như một nhà mồ có cổng ra vào bằng trụ đá và tường rào bao quanh. Đặc biệt, trong phần mộ này còn có hai nấm mộ song táng giống y nhau. Tuy nhiên, các cụ già địa phương đã truyền miệng lời đồn đại từ xa xưa chỉ có một mộ thật, còn lại là mộ giả để bảo vệ thi hài của một nhân vật đặc biệt nào đó trong vương triều nhà Nguyễn.

Ông Truật đục thử khảo sát quách hợp chất bên ngoài và thấy còn cứng hơn cả nhiều quách hợp chất ở miền Bắc. Chưa rõ danh phận người nằm dưới lòng đất, nhưng ông biết tiền nhân đã chủ ý bảo vệ kiên cố ngôi mộ này bằng cách nung vỏ sò biển thay vôi, dùng mật ong để thay mật đường mía và thêm than gỗ tốt trong hợp chất vôi, cát, mật xây quách.

15 thanh niên lực lưỡng đã được thuê dùng đục sắt tay để phá vỡ lớp quách này. Những chiếc đục phải thay liên tục vì bị cùn, mẻ hết. Tay họ bị rộp rồi toạc da, chảy máu vẫn chưa đục đến được quan tài. Càng cố đục, họ càng thấy quách mộ như hun hút sâu thêm dưới lòng đất. Chính điều này làm các nhà khảo cổ thêm tò mò. Chủ nhân mộ cổ là ai mà lại chôn quá sâu và được lớp quách kiên cố như tường thành bảo vệ?

Ròng rã 40 ngày, 15 thanh niên mới đục đến được đáy quách sâu gần 8m. Các nhà khảo cổ lập bàn hương tế người nằm dưới để chuẩn bị phạm đến quan tài. Mọi người sững sờ nhìn chiếc quan tài gỗ quý như còn mới nguyên với lớp sơn ta màu đen sậm bên ngoài. Nó có kích thước lớn hơn bình thường với chiều dài 2,2m, cao khoảng 0,8m, được ghép bằng hai lớp gỗ dày khoảng 0,8cm vẫn còn rất chắc chắn để nước không thể thấm làm hư hỏng bên trong.

Hồi tưởng buổi sáng đặc biệt cách đây 16 năm, nhà khảo cổ già Đỗ Đình Truật kể thật kỳ lạ là dưới nắp quan tài người ta lại đắp hai lớp chiếu cói thường. Phải chăng đây là một táng thức của cư dân vùng đất mới, hay là lớp “ngụy trang” cuối cùng để kẻ trộm mộ có xâm phạm thì cũng nghĩ dưới manh chiếu cói này là thường dân nghèo nàn. Nhưng ở kỹ thuật ướp xác, cói khô có tác dụng hút ẩm khá tốt để bảo vệ thi hài người nằm dưới. Ngoài ra, ngay dưới chiếu còn tiếp tục được phủ nhiều lớp giấy bản hút ẩm mà độ dày lên đến hơn 5cm.

Bóc gỡ dần, ông Truật xúc động tìm thấy phướn minh tinh bằng lụa có ghi dòng chữ “Hoàng gia...” và một số chữ đã mờ. Một góc bức màn bí ẩn của vương triều đang hé lộ. Đặc biệt, ông còn tìm thấy một tấm pháp danh nhà Phật trong một túi áo thi hài ghi rõ dòng chữ “Minh Trường, chùa Lâm Tế, đời thứ 23” với hai ấn son. Nó chứng tỏ người nằm trong mộ đã quy y nhà Phật. Mở tiếp chín lớp áo vải, lụa, gấm quý, nhà khảo cổ bắt đầu chạm tay vào xác ướp. Bà nằm trong một lớp nước màu đỏ, bốc mùi nồng thơm như dầu thông ...

Nguyên vẹn giấc ngủ ngàn thu

“Nhiều người đã tò mò cố nhìn xem người yên nghỉ trong quan tài, nhưng khi tôi mở lớp che mặt thì họ lại sợ hãi, lùi ra ngoài...” - ông Truật nhớ mãi chính mình cũng bàng hoàng khi lần đầu nhìn thấy gương mặt như đang yên giấc ngủ của bà Nguyễn Thị Hiệu. Đó là một phụ nữ trạc 60 tuổi với nét mặt thanh thoát, tóc cắt ngắn chớm vai chưa có mấy sợi bạc. Da bà vẫn còn mịn màng và hơi có màu đỏ sạm do đã nằm ngâm hàng trăm năm trong dầu thông.

Ông Truật cùng bác sĩ Phan Bảo Khánh cẩn thận kiểm tra kỹ lưỡng thi hài. Họ rất ngạc nhiên khi thấy các khớp xương vẫn còn co duỗi rất tốt, da thịt mềm mại, chưa bộ phận nào có dấu hiệu bị phân hủy rõ rệt ngoài cơ teo chút ít do tuổi già và đã ngâm lâu trong dầu thông.

“Nhìn bàn tay, bàn chân nhỏ nhắn, mềm mại của xác ướp, tôi biết lúc sinh thời bà sống cảnh quyền quý, an nhàn, chứ không phải người lao động”- nhà khảo cổ Đỗ Đình Truật kể ông đã chắp nối các vật tùy táng, giấy tờ, mà đặc biệt là tấm phướn minh tinh có dòng chữ “Hoàng gia...” và nhiều chữ phai mờ khác để tìm thân phận bà. Rồi lần giở lại sử triều Nguyễn, ông Truật phát hiện “bà có thể chính là một nhân vật thuộc hoàng thân quốc thích vua Gia Long”.

Qua đời cách đây hàng trăm năm, giai đoạn vị vua từng trải hưng vong này đã giành lại vương triều, nên bà được hoàng gia trang trọng tiễn về với tiên tổ. Theo ông Truật, đây chính là xác ướp hiếm hoi ở VN có chôn theo nhiều đồ vàng bạc, kể cả đôi giày cũng bằng vàng. Trường hợp này khác hẳn với hầu hết xác ướp khác, thậm chí cả vua Lê Dụ Tông, thường chỉ về thế giới bên kia với đồ tùy táng quần áo, vật dụng thông thường. Có lẽ đó chính là một trong những lý do để tiền nhân bảo vệ giấc ngàn thu cho bà bằng một khu mộ hợp chất đặc biệt kiên cố.

Khai quật xong, xác ướp bà Nguyễn Thị Hiệu được đưa về Đại học Y dược TP.HCM để nghiên cứu. Dung dịch màu đỏ nâu ướp xác bà trong quan tài được đem phân tích ở phòng thí nghiệm của giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn. Kết quả tạm cho biết có chất nhựa thông trong đó. Về sau, bà yên nghỉ ở Bảo tàng Lịch sử TP.HCM cho hậu thế chiêm ngưỡng tiền nhân.

Cứ khoảng ba tháng một lần, chuyên gia Đại học Y dược lại sang kiểm tra tình trạng và lau thuốc chống nấm mốc, bảo vệ mô xác ướp. Phòng bà nằm cũng được gắn máy hút ẩm, máy thông gió hoạt động liên tục để gìn giữ xác ướp.

Tâm sự chuyện xưa, bác sĩ Phan Bảo Khánh, người từng nghiên cứu nhiều xác ướp ở miền Trung và niềm Nam, rất thán phục nghệ thuật bảo quản thi hài tiền nhân. “Đó là cách ướp xác rất nhân văn, không cần dao kéo xâm hại đến thi thể để lấy đi não, nội tạng” - bác sĩ Khánh tiếc nuối có lẽ nghệ thuật bảo quản ướp xác độc đáo của tiền nhân đã thất truyền. Thời nay, người ta có thể bỏ ra hàng tỉ đồng xây lăng mộ, nhưng chẳng còn mấy ai biết áp dụng nghệ thuật gìn giữ giấc ngủ ngàn thu xưa...

-----------------------------------------

Bí ẩn những ngôi mộ cổ với bao lời đồn đại thực hư về danh phận xác ướp cùng châu báu, cổ vật mang theo về thế giới bên kia luôn gợi lòng tham của những kẻ trộm mộ...

Kỳ tới: Những kẻ trộm mộ

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên