11/06/2024 10:12 GMT+7

Bí mật trong thế giới cầm đồ - Kỳ cuối: Bẫy tín dụng đen của 'liên minh' cầm đồ

Làm ăn thua lỗ, anh Nguyễn Văn Ri (ngụ phường 11, quận Bình Thạnh, TP.HCM) đem tiệm cầm đồ cầm chiếc xe hơi trả khoản nợ vay mua đất trước đó. Hết trả lãi nổi, anh bị xiết xe.

Chủ tiệm kiểm tra kỹ tránh “hàng gài”, lừa lại chính người nhận cầm đồ  - Ảnh: YẾN TRINH

Chủ tiệm kiểm tra kỹ tránh “hàng gài”, lừa lại chính người nhận cầm đồ - Ảnh: YẾN TRINH

Chủ tiệm gợi ý nếu cần vay tín chấp sẽ giới thiệu mối quen, lãi ưu đãi, không cần tài sản thế chấp. Do cần tiền gấp, anh đành vay 150 triệu đồng, lãi 4,5%/tháng từ mối quen mà tiệm "vẽ" ra nhưng thực chất là một chỗ.

Vỗ béo con mồi

Bức bách tài chính, nhiều người cầm cố tài sản mà không còn sự lựa chọn nào khác. Họ bị áp đặt mọi thứ từ lãi suất, tiền được vay, hạn thanh lý…

Chẳng bao lâu họ rơi vào vòng xoáy lãi suất và bẫy thanh lý tài sản vô cùng nghiệt ngã. Đến khi không còn khả năng trả gốc và lãi, nhiều người ngậm ngùi nhìn tài sản của mình bị bán tháo với giá bèo bọt.

Sau khi bị róc tận xương bằng lãi suất cắt cổ, nhiều người tiếp tục sa vào bẫy tín dụng đen của "liên minh" cầm đồ và cho vay lãi nặng.

Bằng mồi nhử thủ tục đơn giản, không cần tài sản thế chấp, các dịch vụ cho vay tín chấp câu lủ khủ cá lớn, cá bé.

Thời gian đầu lãi đóng đều, đóng đủ là "anh vui". Đến khi con nợ hụt hơi, lãi chồng lãi, lãi mẹ đẻ lãi… cháu cũng là lúc đằng ấy hiện nguyên hình là đại ca đường dây tín dụng đen.

Cuối cùng là màn đòi nợ nhuốm màu "xã hội đen".

Đóng lãi hai tháng, anh Ri buông xuôi. Chủ nợ liên tục nhắn gọi khủng bố anh và người thân. "Chưa hết, họ còn dọa đưa hình ảnh, thông tin tôi nợ tiền lên mạng.

Gần đây xuất hiện hai thanh niên xăm trổ sáng sáng kéo ghế bắn thuốc lào nhả khói mù mịt. Chịu không thấu, tôi đành chạy vạy hai bên nội ngoại trả đủ gốc lãi mới yên thân", anh nói như mếu.

Nhiều tiệm cầm đồ rất mát tay trong việc chiều chuộng, vỗ béo khách. Khách cần thêm tiền, chủ vui vẻ đáp ứng. Khi con mồi suy nhược, cùng kiệt, họ ra điều kiện chuộc hàng hay chấp nhận bị thanh lý.

Khách nào đang "lấy hơi lên" ngáp ngáp thì cho đồ "ra đi thanh thản". Khách muốn chuộc thì tiếp tục "bơm oxy" (vay nóng) chờ tỉnh tỉnh rồi tiễn luôn một thể, tức là xiết đồ.

Đề phòng bẫy tín dụng đen

Những thuật ngữ như "tín dụng đen", "lãi suất cắt cổ", "đòi nợ kiểu xã hội đen" vốn được xem là gắn với ngành cầm đồ. Và nhắc đến cầm đồ, ấn tượng của đa phần người dân là lĩnh vực khá nhạy cảm.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia pháp lý, hoạt động cầm đồ thực chất là dịch vụ cho vay tiền. Người vay phải có tài sản hợp pháp để cầm cố, lãi suất không vượt quá quy định. Hoạt động tín dụng đen xuất hiện khi lãi suất cho vay cao ngất trên quy định, có khi vượt ngưỡng 1.000%/năm.

Một số đường dây tín dụng đen, cho vay lãi nặng núp bóng tiệm cầm đồ. Sau khi lột sạch tài sản cầm cố của khách, họ nhẹ nhàng đưa nạn nhân vào bẫy tín dụng đen bằng thủ tục vay đơn giản, không cần tài sản thế chấp…

Theo luật sư Trương Xuân Tám (chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), nhiều người chấp nhận mọi điều kiện của tín dụng đen đưa ra mà không nhận thức được những hệ lụy và mối nguy hại lâu dài.

Khi dính bẫy tín dụng đen, nạn nhân và cả người thân, bạn bè ráo riết bị hăm dọa, khủng bố tinh thần. Cũng từ hoạt động cho vay lãi nặng phát sinh nhiều loại tội phạm khác: giết người, cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, cờ bạc…

"Để tránh trở thành nạn nhân của tín dụng đen, người dân phải cảnh giác, sáng suốt hơn khi vay mượn tiền. Trong trường hợp bị các đối tượng này đe dọa và có những hành động bạo lực, đòi nợ thì cần trình báo kịp thời cho cơ quan chức năng, tránh hậu quả đáng tiếc", luật sư Tám đưa ra lời khuyên.

Công an làm thủ tục khởi tố nhóm núp bóng cầm đồ cho vay lãi nặng -  Ảnh: Công an cung cấp

Công an làm thủ tục khởi tố nhóm núp bóng cầm đồ cho vay lãi nặng - Ảnh: Công an cung cấp

Gài khách cầm đồ, khách gài lại

Ở những bài viết trước của chúng tôi, chủ tiệm luôn có những chiêu thức thu lợi về mình. Nhưng những tiệm này cũng là đích ngắm của dân chuyên đánh hàng gài.

Tối muộn là thời điểm dân cầm đồ ớn nhất vì không có điều kiện kiểm tra món hàng khách đem tới, đối chiếu qua các kênh đăng ký xe, kiểm định…

Đặc biệt, các thợ săn chuyên nghiệp luôn nhắm những tiệm mới mở. Cường, chủ tiệm cầm đồ trên đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7), trong tháng đầu tiên khai trương ôm 43 căn cước và cà vẹt giả. "Họ hoạt động có băng nhóm, nơi nào dễ xơi là họ chỉ điểm cho nhau. Chỉ cần ham hố, lơ đễnh là tiêu", Cường nói.

Khó đỡ nhất là gặp khách giở chiêu đại bàng gắp trứng. Có vị khách lỡ độ banh đến cầm con điện thoại xịn sò. Tiền vừa trao, chàng thỏ thẻ cho em mượn lại điện thoại chuyển tiền qua app. Cầm bấm bấm, xong chàng liền đi bài "tẩu quyền" đáp qua bên kia đường, nơi có chiến hữu cưỡi ngựa sắt đợi sẵn.

Trân, chủ tiệm cầm đồ ở huyện Nhà Bè, thì bị khách "gắp" laptop cũng với bổn cũ soạn lại. Cô kể: "Lấy lý do mượn máy chuyển mớ tài liệu qua mail, chú em dễ thương ẵm hàng phóng qua dòng người xe xuôi ngược hệt như cảm tử". Có khách thì "cho em mượn khóa mở cốp lấy đồ", rồi vặn ga cuốn theo chiều gió trong nháy mắt.

Thi thoảng, dân làm cầm đồ còn dính cả giấy tờ giả. Kim Hòa, chủ một tiệm cầm đồ, kể mình từng bị như vậy khi cầm chiếc Toyota mà khách khẳng định chính chủ. Hôm khách đến, Hòa gọi điện mấy mối quen nhờ kiểm tra nhưng đều hẹn hôm sau. Thấy xe mới, giấy tờ đầy đủ, Hòa chuyển tiền cái rẹt cho khách.

"Khi có đủ thông tin tôi mới biết xe đã thế chấp ngân hàng trên 600 triệu đồng, bỏ đóng lãi hơn một năm trước.

Cà vẹt xe thì mua trên mạng, 500.000 đồng/cái. Xe còn dính 5 biên bản phạt nguội. Tưởng kèo thơm vô một khúc ai ngờ ôm một mớ lòng thòng", Hòa nói.

Một chủ tiệm cầm đồ trên đường Nguyễn Duy Trinh (TP Thủ Đức) thì kể trường hợp mới đây: Có hai khách quen vốn là bạn làm ăn chung.

Người đứng tên chiếc Toyota thường giao xe cho bạn đi cầm. Lần này cũng vậy. Tháng sau chủ xe phát đơn tố cáo ông bạn vàng tự tiện cầm xe. Tình ngay lý gian. Xe đã bán sang tay cho người khác. Chủ tiệm phải bỏ tiền chuộc mang về cho khổ chủ.

Cũng có khách cấu kết bãi tuồn xe đã cầm ra ngoài. Có trường hợp tiệm nhận cầm hai xe đầu kéo. Khách năn nỉ lấy xe về chạy kiếm tiền đóng lãi.

Tiệm đồng ý với điều kiện phải gắn định vị, bãi xe do tiệm chỉ định. Tháng đầu khách đóng lãi ngon lành. Sang tháng thứ hai không thấy tiền vào. Gọi điện không nghe. Đến bãi không thấy xe, nhân viên thì mất dạng ...

Ngành công an thường xuyên tổ chức tập huấn định kỳ cho các chủ tiệm cầm đồ về việc thực hiện quy định pháp luật về phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự và những điều không được làm trong kinh doanh. Từ đó lồng ghép, cập nhật phương thức và thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo, biện pháp phòng tránh rủi ro…

Núp bóng cầm đồ cho vay lãi nặng, bị khởi tố

Tháng 5-2023, Công an TP.HCM khởi tố 9 người là quản lý của ba công ty tín dụng đen về hành vi cho vay lãi nặng với hơn 2 triệu lượt vay, thu lợi 4.123 tỉ đồng.

Ba công ty này núp bóng dịch vụ cầm đồ, tư vấn tài chính để hoạt động cho vay lãi nặng thông qua trang web từ tháng 4-2019 đến tháng 4-2023.

Lãi suất các công ty này cho vay thấp nhất là 153%, cao nhất là 1.289% - gấp từ 7 đến 64 lần mức lãi suất cao nhất quy định tại Bộ luật Dân sự.

Bí mật trong thế giới cầm đồ - Kỳ 5: Dụ khách sụp bẫy thanh lý, chạy đâu cho thoátBí mật trong thế giới cầm đồ - Kỳ 5: Dụ khách sụp bẫy thanh lý, chạy đâu cho thoát

Các tiệm cầm đồ luôn biết cách đưa khách vào bẫy thanh lý. Từ đó, tài sản được "hóa kiếp" rồi tuồn ra thị trường qua những đường dây khép kín.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên