10/06/2024 11:37 GMT+7

Bí mật trong thế giới cầm đồ - Kỳ 5: Dụ khách sụp bẫy thanh lý, chạy đâu cho thoát

Các tiệm cầm đồ luôn biết cách đưa khách vào bẫy thanh lý. Từ đó, tài sản được "hóa kiếp" rồi tuồn ra thị trường qua những đường dây khép kín.

Một chiếc ô tô được bán thanh lý sang tay - Ảnh: YẾN TRINH

Một chiếc ô tô được bán thanh lý sang tay - Ảnh: YẾN TRINH

Đủ cách o ép để thanh lý

Trí, chủ tiệm cầm đồ ở quận Bình Thạnh (TP.HCM), nhận cầm cho khách chiếc Mazda CX5 (đời 2022) 450 triệu đồng, lãi 6%/tháng. Hợp đồng chính chủ. Khách vi phạm hợp đồng, lãi cộng dồn 80 triệu đồng, chưa đóng đồng nào. Xe bị thanh lý, lái trả 560 triệu đồng nhưng Trí lắc đầu chưa bán.

"Bán sang tay lời ít vì còn phải trừ tiền lãi, tiền bãi... Tôi đang thương lượng khách ra công chứng ký giấy thì lời thêm một khúc mà lại yên tâm", Trí tính toán và đang đánh tiếng đưa thêm cho khách 20 triệu đồng.

Tài sản đem đi cầm cố thượng vàng hạ cám. Từ những món hàng giá trị như ô tô, nhà đất, trang sức đắt tiền cho đến xe máy, laptop... Thậm chí có khách mang cả bằng tốt nghiệp, thẻ ngành, thẻ sinh viên, căn cước công dân đi cầm. Hết thời hạn hợp đồng, khách không đóng lãi hoặc không chuộc thì tài sản bị thanh lý.

Thông thường, khách cầm những món hàng giá trị phải công chứng. Lấy lý do làm tin, bên cầm đồ yêu cầu khách ký hợp đồng chuyển nhượng tài sản, hợp đồng ủy quyền thay vì ký hợp đồng cầm cố tài sản. Tiệm giao kèo khi người cầm cố hoàn trả đủ số nợ thì hai bên sẽ hủy hợp đồng.

Do cả tin và tâm lý cần tiền gấp, khách đành nhắm mắt đưa chân. Sau khi có bửu bối trong tay, phía nhận cầm cố có quyền bán thanh lý hoặc sang tên cho người khác.

Hàng bán thanh lý có nhiều dạng. Trí giải thích: "Tài sản không có hợp đồng công chứng thì bán sang tay thu hồi vốn.

Có nơi thỏa thuận với khách ký công chứng mua bán kèm theo khoản bù đắp đủ đẹp lòng đôi bên". Thường khách chấp nhận vì thêm chữ ký chẳng mất gì lại được tiền. Còn chủ tiệm có hợp đồng công chứng, bán được giá hơn.

Chủ tiệm luôn đưa ra mốc thời gian thanh lý rất ngắn với các loại tài sản ít giá trị hơn như xe máy cũ, điện thoại... Hàng không chính chủ càng bị ép.

Ở một tiệm cầm đồ trên đường Linh Trung (TP Thủ Đức), một khách nam cầm chiếc xe không chính chủ 20 triệu đồng. Nữ chủ tiệm cho thời hạn một tháng không trả gốc và lãi thì cửa hàng thanh lý.

"Chỗ em là du di lắm rồi, mấy chỗ khác quá 10 - 15 ngày là không cho chuộc nữa", cô nói. Còn ở tiệm T.T. trên đường Lê Văn Việt, thời gian thanh lý cho con SH không chính chủ rút ngắn còn "5 ngày thôi chứ chậm quá không được".

Xe bị xiết nợ bán thanh lý - Ảnh: YẾN TRINH

Xe bị xiết nợ bán thanh lý - Ảnh: YẾN TRINH

Đường đi của hàng thanh lý

Nghỉ việc, anh Tâm Kỳ (ngụ Tân Bình) định mua chiếc "xe cùi" chạy dịch vụ. Cò chào chiếc Civic 100 triệu đồng. Xe này khách bỏ đóng lãi cả năm nay, tiệm cầm đồ bán sang tay, tức là không công chứng.

Lần theo định vị cò gửi, anh Kỳ tìm đến bãi xe nằm sâu trong con hẻm gần cầu vượt Linh Xuân (TP Thủ Đức). Chạy thử một vòng, anh nói phải làm lại hộp số, giặm vá vài chỗ cũng mất mớ tiền. Hỏi tình trạng pháp lý, chủ tiệm nói có hợp đồng, giấy tờ xe đầy đủ, có tranh chấp thì "đây đứng ra dàn xếp". Căng nữa thì trả lại tiền.

Hàng thanh lý của mỗi cửa hàng đều có vài lái ruột thu mua. Điện thoại, laptop, xe máy, đồng hồ... vài tháng gom rổ một lần. Ai muốn bán giá cao hơn thì rao trên mạng. Ô tô đời mới thường có đường dây riêng.

Xe không chính chủ sẽ về đâu? Tín, chủ tiệm cầm đồ ở TP Thủ Đức, cho biết loại xe này hoặc xe đứng tên "chị ngân" (ngân hàng), các lái gom đưa ra phía Bắc hoặc sang Campuchia tiêu thụ. Xe chính chủ, có giấy tờ thì giá cao hơn xe "chị ngân" hoặc không rõ nguồn gốc. Mặt hàng này mua đứt bán đoạn, xong vẫy tay chúng ta không thuộc về nhau.

Mua xe không mảnh giấy lấy gì đi kiểm định? "Bùa được hết. Với xe thế chấp thì đem scan cà vẹt photo của ngân hàng cấp cho chủ xe.

Ở mục xác nhận thời hạn sử dụng, chỉ cần sửa lại ngày tháng, in màu y như thật. Cầm cái này đi kiểm định ngon lành. Miễn sao đừng làm giả giấy tờ, râu ông này cắm cằm bà kia, xe chồng xác, mẹ bồng con... là được", Tín rỉ tai.

Với xe không giấy tờ, kể cả giấy tờ photo do ngân hàng cấp, các tiệm cầm đồ bán rẻ cho lái. Tín tiết lộ: "Mà không bán tháo để thu hồi vốn thì lái nó cũng không mua hoặc bị ép sát ván. Giữ lại thì tốn tiền bãi, có khi phiền phức thêm. Loại xe này bán cho người thân, người quen đi. Mình bao khâu kiểm định. Đến hạn kiểm định mình giới thiệu dịch vụ cho người ta".

Bán xe không chính chủ nguy cơ "tèo"

Nguyễn Tòng (40 tuổi, quê Sầm Sơn, Thanh Hóa) có gần chục năm trong nghề. Đang ăn nên làm ra, đùng cái Tòng treo bảng sang tiệm.

Hỏi lý do, Tòng huỵch toẹt: "Quy định cấm cầm xe không chính chủ nhưng trước giờ vẫn làm liều. Khi khách bỏ, buộc phải bán để thu hồi vốn. Cầm loại xe ấy đã sai, bán càng nặng tội hơn. Tôi thấy nguy hiểm quá nên nghỉ".

Theo Tòng, xe thế chấp ngân hàng sau đó mang đi cầm là xác định khách bỏ. Phải tính toán chủ thế chấp bao nhiêu, đã trả lãi nhiêu rồi mới cân đối xuống tiền. Nếu khách đã trả nhiều thì mức giá cầm kha khá. Ngược lại mới trả chút ít hoặc bỏ lãi thì ép sát đáy.

Ví dụ, chiếc xe trị giá 1,2 tỉ đồng đã thế chấp ngân hàng 500 triệu đồng, tiệm chỉ cầm 100 - 150 triệu đồng. Khách không còn khả năng đóng lãi cho cả hai khoản vay nên buông. Tiệm bán cho lái 200 - 250 triệu đồng, coi như lời. Lái hô biến đi các nơi để "bùa" giấy tờ hoặc rã bán phụ tùng. Mặt hàng này mua bán dứt dạt, mất tích chớp mắt không để lại dấu vết.

Dân trong nghề biết rõ cầm xe, bán xe người khác đứng tên là sai, nhưng vẫn nhắm mắt làm liều. "Nhẹ thì bị thu hồi xe, phạt nặng. Khách bỏ trốn hoặc liên quan đến vụ án lừa đảo thì rầy rà lắm", Tín thừa nhận.

Rầy rà đến đâu thì... hồi sau sẽ rõ. Theo phân tích của luật sư Trương Xuân Tám (chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), nếu ai đó nhận cầm cố tài sản do người khác trộm cắp, lừa đảo, chiếm đoạt hoặc do người khác phạm tội mà có nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng, bị tước giấy phép kinh doanh, tịch thu xe tang vật.

Theo luật sư Tám, nếu chủ tiệm cầm đồ biết rõ tài sản trên có được từ hành vi phạm tội nhưng vẫn nhận cầm cố, sau đó bán cho người khác thì sẽ bị cơ quan chức năng xem xét, xử lý về hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

"Tương tự, người mua loại tài sản này cũng sẽ bị xử lý cùng tội danh trên nếu họ biết tài sản đó có nguồn gốc do người khác phạm tội mà có", ông cảnh báo.

Đường đi của hàng thanh lý xem ra quá nhiều rủi ro, "có trăm lần vui, có vạn lần buồn". Mong rằng người cầm, kẻ nhận cầm và cả người mua cân nhắc cái lợi trước mắt chớ làm liều, kẻo tiền mất tật mang thì đã quá muộn.

Tùy... thái độ khách

Hàng thanh lý nhanh chậm không chỉ căn cứ vào thời gian ghi trong hợp đồng mà tùy vào thái độ khách. Quen thì nới nới chút. Khách lạ thì đóng sổ, "bay màu" ngay và luôn. Gặp khách rắn mặt thì có lỡ bán cũng phải tìm mua lại có khi với giá cao hơn để trả về cho khổ chủ.

Khách nào có khả năng chuộc lại hàng thì gim lại chờ hoặc bán cho những lái thân quen, đưa người nhà sử dụng... Khách đến chuộc còn có cửa lôi về.

******************

Sau khi bị róc tận xương bằng lãi suất cắt cổ, nhiều người tiếp tục sa vào bẫy tín dụng đen của "liên minh" cầm đồ và cho vay lãi nặng. Bằng mồi nhử thủ tục đơn giản, không cần tài sản thế chấp, các dịch vụ cho vay tín chấp câu lủ khủ cá lớn, cá bé.

>> Kỳ tới: Bẫy tín dụng đen của "liên minh" cầm đồ

Bí mật trong thế giới cầm đồ - Kỳ 1: Bí mật trong thế giới cầm đồ - Kỳ 1: 'Bùa' trọn gói mở tiệm cầm đồ

Được coi là nghề hợp pháp, dịch vụ cầm đồ đáp ứng nhu cầu có thật trong xã hội, nhưng có không ít biến tướng và mặt trái.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên