Trẻ em nhập cư đi qua chốt gác ở biên giới Macedonia - Hi Lạp - Ảnh: AFP |
Hôm 26-2, chính quyền Berlin đã phải công bố một số liệu đáng buồn: các cơ quan có liên quan đã thống kê và không biết được 13% số người xin nhập cư tại Đức trong năm 2015 đang ở đâu vì họ không đến trình diện tại những khu nhà tạm trú mà họ được giới thiệu đến.
Chính quyền tắc tị
“Chỉ có thể đoán là họ trở về lại quê nhà hoặc đang trên đường đến một nước khác để xin tị nạn hoặc cũng có thể họ chọn lối sống bất hợp pháp”.
Đó là câu trả lời từ phía chính quyền Thủ tướng Angela Merkel trong thư trả lời chất vấn của các nghị sĩ Đảng cánh tả Die Linke. Cũng có khả năng những người “mất tích” đã tìm đến người thân của mình đang sinh sống tại Đức.
Tuy nhiên, cũng có một giả thiết khác được nêu ra là có thể có nhầm lẫn “trùng lắp” trong hệ thống đăng ký EASY (mỉa mai thay khi tên gọi đó có nghĩa “dễ dàng” nhưng lại không hiệu quả cho lắm!) khi ghi nhận số liệu và danh tính người nhập cư muốn xin tị nạn ở các khu vực biên giới lúc họ chuẩn bị đặt chân vào lãnh thổ Đức.
Hệ thống này đã ghi nhận hồ sơ 1,09 triệu người nhập cư trong năm 2015. Đây là con số kỷ lục ở Đức từ trước đến nay và cũng là kỷ lục của châu Âu.
Vụ việc này khiến nhớ đến thông báo của Tổ chức cảnh sát châu Âu (Europol) hôm 31-1 vừa qua: 10.000 trẻ em nhập cư không có người lớn đi kèm đã “biến mất” khi vào lãnh thổ châu Âu trong vòng 18-24 tháng vừa qua.
Ông Brian Donald, một lãnh đạo của Europol, chỉ ra rằng 5.000 trẻ em đã mất dấu từ lãnh thổ Ý, khoảng 1.000 em không tìm thấy khi vào đất Thụy Điển.
Bà Leslie Goldlust, thuộc tổ chức Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), cho biết nhiều trẻ em đã thiệt mạng trên đường đến miền đất hứa châu Âu (có đến 30% số người di cư thiệt mạng ở biển Địa Trung Hải là trẻ em) và cũng có nhiều trẻ em bị lạc người thân trong hành trình di chuyển trên lãnh thổ châu Âu.
Europol lo ngại số trẻ này trở thành mồi ngon cho các tổ chức tội phạm nay đang tập trung săn lùng người tị nạn đang gặp khó khăn, đặc biệt là trẻ em. Tất nhiên số liệu là có nhưng số phận thật sự của các em ra sao thì cơ quan chức năng của các nước đang bó tay.
Thực thi giải pháp cứng rắn
Bà Leslie Goldlust thừa nhận khó biết được liệu các em đó có bị bóc lột, lạm dụng hay không: “Đó là kiểu luật im lặng của mafia.
Chẳng hạn như những người nhập cư ở Calais (Pháp) không bao giờ muốn tố cáo chuyện bị lạm dụng để được yên chuyện với cơ quan chức năng và để đạt được mục đích đi sang Anh”.
Bà Mariyana Berket, thuộc Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE), đưa ra một giải thích cũng đáng tin cậy về khả năng “mất tích” của những đứa trẻ:
“Những đứa trẻ nhập cư đi một mình như thế thường được chính gia đình đưa sang châu Âu trước rồi cha mẹ, người thân của các em sẽ đến sau, hoặc cũng có khi các em trốn đi cùng những thành viên khác của gia đình đã có mặt ở châu Âu”.
Số liệu của UNICEF cho biết vào hồi đầu của cuộc khủng hoảng tị nạn trên đất châu Âu, số trẻ em chiếm khoảng 10% số người cập bờ, nay tỉ lệ đó đã lên gần 30%.
Thật ra từ cuối năm 2015 và đến hiện nay, các chính quyền địa phương Đức đã thực thi một loạt biện pháp để tăng tốc việc kiểm tra hồ sơ xin tị nạn để xem xét cho phép hay trục xuất.
Các biện pháp kiểm soát danh tính người tị nạn cũng được thông qua nhanh chóng để đi vào thực thi, như mỗi người nhập cư giờ đây phải được ghi nhận danh tính và được cấp giấy tùy thân tạm thời; người nhập cư nào không chịu trình diện đúng hẹn ở nhà tạm trú mà họ được phân bổ về đó sẽ không thể nhận được hỗ trợ xã hội...
Ông Johannes Dimroth, người phát ngôn Bộ Nội vụ Đức, trong một cuộc họp báo tuyên bố rằng họ đã thực thi các biện pháp cứng rắn cho thấy những người vào Đức và mở rộng ra là châu Âu từ những địa điểm không bị cho là đe dọa sẽ khó có cơ hội xin được giấy phép tị nạn.
Phía Đức dù cho rằng “còn quá sớm để đánh giá hiệu quả các biện pháp mới” nhưng vẫn kỳ vọng chúng có thể giúp ngăn chặn dòng người nhập cư đổ vào châu Âu.
Hợp tác đưa người tị nạn hồi hương Đức và Thụy Điển muốn hợp tác trong việc thực hiện các chuyến bay đưa người Afghanistan xin tị nạn bị bác đơn về nước. Ngày 26-2, Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maizière và Bộ trưởng phụ trách di cư Thụy Điển Morgan Johansson cho biết hai nước muốn thực hiện các chuyến bay chung để hồi hương người tị nạn Afghanistan. Tính từ đầu năm tới nay, Đức đã đưa trở lại Áo khoảng 7.300 người tị nạn. Theo báo SZ của Đức, đó là các trường hợp không có giấy tờ hợp lệ hoặc không đăng ký xin tị nạn, kể cả các trường hợp chỉ muốn qua Đức để tới nước khác tị nạn. |
“Chúng tôi không biết họ đi đâu. Chúng tôi không có khả năng ngăn cản họ rời đi Bà Agneta Sjölund (thị trưởng thành phố Trelleborg ở Thụy Điển, nơi tiếp nhận 1.900 trẻ dưới 18 tuổi hồi tháng 9 năm ngoái và có đến 1.000 em trong số này biến mất) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận