05/01/2024 12:28 GMT+7

Bí mật những cuộc chiến đẫm máu - Kỳ 6: Trò 'mèo vờn chuột' nguy hiểm vùng biên Mỹ - Mexico

Trung tuần tháng 8-2023, cảnh sát El Segundo Barrio, thành phố El Paso (Texas, Mỹ) nhìn thấy một số người đang leo ra khỏi đường cống thoát nước mưa cạnh quốc lộ biên giới Mỹ - Mexico.

Đường hầm vận chuyển ma túy thô sơ chỉ vừa thân người chui qua - Ảnh: Getty Images

Đường hầm vận chuyển ma túy thô sơ chỉ vừa thân người chui qua - Ảnh: Getty Images

Nhận tin báo, lực lượng tuần tra biên giới điều động đội vào không gian chật hẹp (CSET) làm nhiệm vụ, bắt giữ 11 người từ Guatemala, Mexico và El Salvador vượt biên vào Mỹ qua đường cống.

Đường hầm ma túy được đào thế nào?

Trong nhiều thập niên, bọn buôn người làm việc cho các băng nhóm tội phạm xuyên biên giới giữa El Paso (Mỹ) và Juárez (Mexico) đã tận dụng mạng lưới đường cống thoát nước ở El Paso làm cửa ngõ đưa người nhập cư trái phép vào Mỹ.

El Paso có hơn 480km đường cống thoát nước mưa rộng từ gần 0,5m đến hơn 2,7m đưa nước mưa từ trên núi chảy xuống kênh rạch và sông Rio Grande. Người vượt biên có thể bị lạc, mắc kẹt, chết đuối trong hệ thống cống phức tạp ẩn chứa nhiều nguy cơ như hóa chất, khí độc hại, côn trùng và động vật có nọc độc. Song bất chấp tất cả, nạn luồn đường cống vượt biên vẫn tái diễn.

Ngoài buôn người, hàng chục năm nay các băng nhóm buôn ma túy Mexico đã đào đường hầm xuyên biên giới để vận chuyển ma túy. Theo tạp chí The New Yorker (Mỹ), đường hầm buôn lậu đã từng được bọn cướp ngân hàng, bọn buôn lậu rượu mạnh và các toán du kích sử dụng từ nhiều thập niên trước ở Mexico. Tuy nhiên, tập đoàn ma túy Sinaloa là băng nhóm đầu tiên đào đường hầm buôn ma túy xuyên biên giới năm 1989.

Đường hầm vận chuyển ma túy rất đa dạng, có thể là đường hầm thô sơ hay "siêu đường hầm". Nhiều đường hầm như cái hang nhỏ vừa đủ rộng một người bò qua. Bọn buôn người từng sử dụng đường hầm làm bằng ống nhựa PVC cỡ lớn chôn dưới đất, chỉ đủ rộng để một người chật vật chui qua. Các băng nhóm ma túy đã đào nhiều đường hầm thô sơ từ Mexico nối vào hệ thống thoát nước mưa của Nogales (Arizona, Mỹ).

Đường hầm chạy qua biên giới có thể dài chừng vài mét hay dài tới 1,5km. Hàng lậu từ một số đường hầm được dỡ xuống cánh đồng hoặc trên mảnh đất công nào đó. Cửa ra nhiều đường hầm khác dẫn vào nhà kho hoặc nhà người dân dọc biên giới. Đối với đường hầm phức tạp, các băng nhóm ma túy sẵn sàng thuê kỹ sư và thợ mỏ xây dựng đường hầm, đồng thời cử người phụ trách tài chính hoặc lập ra một tổ riêng điều hành công việc xây đường hầm và thường xuyên báo cáo với ông trùm.

Nhân công đào đường hầm là những thanh niên tìm việc làm bị bọn buôn ma túy giăng bẫy đưa vào tròng. Nếu không làm theo, họ và gia đình có thể bị thủ tiêu. Nhân công chia làm hai ca đào đường hầm cả ngày lẫn đêm. Họ ăn ngủ tại chỗ, có người mang thức ăn đến và không được rời đi.

Họ sử dụng cuốc, xẻng điện đến búa, khoan để đào.Trần đường hầm hơi cong nhằm phân phối áp lực để ngăn hầm sụp. Thợ mỏ sử dụng la bàn định hướng vì thiết bị GPS không hoạt động dưới lòng đất hoặc dùng máy phát tia laser màu đỏ giúp đào đúng hướng. Một ống nhựa màu đen được bố trí ở đầu đường hầm để thông gió.

Nhân công sử dụng xe đẩy thợ mỏ chạy trên hai thanh ray kim loại để vận chuyển đất đá đến vận thang ròng rọc điện rồi chuyển lên mặt đất phi tang. Sau này đường ray được dùng để vận chuyển ma túy.

Trung bình mỗi ngày họ đào được chừng 5m. Bọn đầu gấu giám sát và hăm dọa sẽ cho ăn đòn nếu họ đào chậm. Rủi ro lớn nhất là nước ngầm, bởi vậy họ sẽ đào hướng dốc lên để nếu gặp nước ngầm thì nước sẽ chảy xuống đến đầu đường hầm và được bơm ra ngoài.

Lực lượng tuần tra biên giới Mỹ kiểm tra đường cống thoát nước mưa ở El Paso - Ảnh: kfoxtv.com

Lực lượng tuần tra biên giới Mỹ kiểm tra đường cống thoát nước mưa ở El Paso - Ảnh: kfoxtv.com

Cải tiến công nghệ đấu với bọn buôn lậu

Các băng nhóm ma túy Mexico sử dụng đường hầm để buôn lậu ma túy, súng ống và đưa người vượt biên vào Mỹ. Hầu hết các đường hầm được cơ quan tình báo hoặc cơ quan tuần tra biên giới Mexico và Mỹ phát hiện, hay do người đưa tin mật báo. Hiện nay, các chuyên gia nhận định biên giới Mỹ - Mexico vẫn tiếp tục đặt ra nhiều thách thức về an ninh.

Trước đây Bộ An ninh nội địa Mỹ hy vọng radar xuyên đất sử dụng trên máy bay hoặc máy bay không người lái (UAV) bay tầm thấp có thể phát hiện đường hầm. Trên thực tế loại radar này chỉ hoạt động tốt ở vùng đất khô và không hiệu quả nếu gặp tầng nước ngầm hoặc đất sét ẩm ướt.

Một giải pháp khác là sử dụng thiết bị thăm dò từ trường dòng điện dưới lòng đất vì bọn buôn lậu chắc chắn sử dụng điện để vận hành thiết bị đào hầm, đèn và xe goòng. Song nguồn phát từ trường dưới đất có thể bị các hệ thống dẫn điện khác như đường dây điện ngầm hoặc đường ống dẫn khí đốt che lấp.

Trong trò "mèo vờn chuột" giữa Cơ quan Hải quan và bảo vệ biên giới Mỹ (CBP) với bọn buôn người và ma túy, Hiệp hội quốc tế Điện tử và truyền thông quân đội (AFCEA) ở Mỹ nhận xét các tập đoàn ma túy sẵn sàng sử dụng chiến tranh điện tử tương tự bọn khủng bố.

Chúng đã gây nhiễu UAV của CBP và sử dụng UAV riêng hướng dẫn bọn buôn người và buôn ma túy. Thậm chí chúng còn sử dụng UAV trang bị camera nặng 250 gram (kích thước bằng chiếc điện thoại di động thông thường) làm nhiệm vụ trinh sát nên nắm rõ tình hình biên giới Mỹ và tìm con đường buôn lậu tốt nhất.

Để đối phó, CBP đã áp dụng nhiều công nghệ mới, trong đó sáng kiến độc đáo mới áp dụng gần đây là lắp đặt 390 tháp giám sát tự động di động (ARST) dọc biên giới với Mexico. ARST do Công ty Elbit Systems of America sản xuất. UAV Vapor của Công ty AeroVironment có thể chở tới 9kg hàng cũng đã được triển khai theo dõi các hoạt động bất hợp pháp và cung cấp vật tư cho nhân viên thực thi pháp luật ở biên giới.

Khi triển khai các công nghệ mới ở biên giới Mexico, CBP đã vận dụng hai nguồn kinh nghiệm chính từ công nghệ dành riêng cho quân đội và công nghệ từng được áp dụng tại biên giới Israel và Dải Gaza. Trong năm 2023, Chính phủ Mỹ đã phân bổ 15,3 tỉ USD cho CBP và 8,1 tỉ USD cho các cơ quan thực thi luật nhập cư, trong đó có 309 triệu USD chi cho các công nghệ an ninh biên giới.

Tháp giám sát tự động di động (ARST) ở Nam California dọc biên giới Mỹ - Mexico - Ảnh: CBP

Tháp giám sát tự động di động (ARST) ở Nam California dọc biên giới Mỹ - Mexico - Ảnh: CBP

Băng nhóm ma túy Sinaloa chú trọng xây dựng "siêu đường hầm" trang bị đầy đủ đèn điện, hệ thống thông gió, thang máy và đường ray tự động điều khiển xe goòng. Đường hầm có thể sâu hơn 21m và đủ cao để đi bộ hoặc cưỡi ngựa. Ước tính kinh phí xây dựng lên đến 2-3 triệu USD.

"Siêu đường hầm" đầu tiên của băng Sinaloa khởi đầu từ một căn nhà ở thị trấn biên giới Agua Prieta (Mexico) và kết thúc tại một nhà kho ở Douglas (bang Arizona, Mỹ). Cách vào đường hầm duy nhất là bật vòi nước ngoài trời để kích hoạt hệ thống thủy lực nâng bàn bi-a trong phòng chơi ở tầng trệt để lộ thang dẫn xuống đường hầm.

-------------------------------

Kỳ tới: Chuẩn bị tác chiến dưới lòng đất

Những năm gần đây, quân đội các nước đã quan tâm nhiều hơn đến chiến đấu dưới lòng đất. Ngoài huấn luyện, nhiều công nghệ mới đã được nghiên cứu.

Bí mật những cuộc chiến đẫm máu - Kỳ 5: Biệt kích Israel đối mặt chiến binh Hamas trong hầm tốiBí mật những cuộc chiến đẫm máu - Kỳ 5: Biệt kích Israel đối mặt chiến binh Hamas trong hầm tối

TS Daphné Richemond-Barak - nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Lieber về pháp luật và chiến tranh thuộc Học viện Quân sự West Pont (Mỹ) - từng nhận xét đường hầm Hamas là một trong những hệ thống đường hầm tinh vi nhất lịch sử chiến tranh.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên