Phóng to |
PV Lan Anh |
Từ khi vụ án bị khởi tố, đã có nhiều người lên tiếng, phân tích và dù nhân danh bất cứ lợi ích nào, cũng chưa thể chấp nhận các lý lẽ căn bản để một vụ án như vậy được tượng hình.
Một công ty "đầu nậu" thuốc tây ngoại nhập, khống chế hoàn toàn giá thuốc trị bệnh, gây ảnh hưởng nặng nề trong xã hội bởi nó ảnh hưởng đến sức khỏe, tới an nguy của cả cộng đồng, đã bị công luận đưa ra và sẽ phải bị xử lý về mặt pháp luật. Bộ chủ quản sau khi xem xét cẩn trọng đã đi tới quyết định cho thanh tra toàn diện công ty này.
Chủ trương của lãnh đạo Bộ đã được công bố tại một cuộc họp báo. Các nhà báo chuyên viên y tế đã phản ánh điều đó, nghĩa là hưởng ứng thái độ kiên quyết của Bộ Y tế và chính phủ trước nạn tiêu cực, tham nhũng; thái độ đó được các nhiệm kỳ Thủ tướng Chính phủ tuyên bố trước Quốc Hội và trước cử tri cả nước nhiều lần, nhiều cấp độ.
Vì vậy, trước hết, việc đưa thông tin này lên mặt báo - một thông tin không bị sai lệch và rất hợp lòng dân.
Theo luật sư Trần Văn Tạo, người đã trải qua nhiều năm công tác ở cương vị cao trong ngành công an, từng là Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Thành ủy TP.HCM, người vừa nhận bào chữa vụ này, thì việc truy tố không chỉ là vấn đề của riêng một tờ báo, mà sẽ ảnh hưởng tới tác nghiệp của giới báo chí nói chung.
Phản ánh các vụ việc tiêu cực là một mảng lớn trong sứ mạng của đội ngũ cầm bút, được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, và vì vậy tác nghiệp của anh em phải được pháp luật bảo vệ.
|
Đưa tin về chủ trương của lãnh đạo Bộ Y tế thanh tra một đơn vị tiêu cực trong ngành dược, phóng viên bị khởi tố vì xâm phạm tới "bí mật" của Bộ Y tế, chỉ có hai cách để hiểu logic của điều "bí mật" ấy.
Một là, trong lãnh đạo Bộ còn chưa thống nhất trong cách xử lý.
Hai là, còn gì đó đằng sau quan hệ giữa một số cán bộ Bộ Y tế với công ty "đầu nậu"?
Trong cả hai trường hợp, khởi tố hành vi tác nghiệp của báo chí có thể hiểu là một kiểu thức "bao che" cho tiêu cực trước công luận, cho dù về kỹ thuật chấp pháp, cơ quan điều tra có thể tìm ra nhiều lý lẽ chi li để cột hành vi này vào một điều khoản nào đó của tội hình sự; bởi vì kể cả trong trường hợp đó, cơ quan điều tra và cơ quan yêu cầu điều tra cũng chưa minh chứng rõ động cơ của cuộc điều tra.
Nhân đây, xin nhắc lại một vụ án được khởi tố cách đây vài năm, cũng là một vụ liên quan tới bí mật Nhà nước. Báo đăng tin:sau khi có kết luận thanh tra, Thủ tướng đồng ý chuyển sang cơ quan điều tra làm rõ hành vi của một tên lừa đảo nhiều ngân hàng ở Hà Nội. Tờ báo lập tức bị khởi tố cũng vì xâm phạm tới "bí mật" của các văn bản tại Văn phòng chính phủ. Còn tên lừa đảo dính líu tới nhiều quan chức thành phố Hà Nội thời ấy thì cho tới nay chẳng biết có bị xử lý hình sự theo yêu cầu của Thủ tướng không?!
Ai bảo vệ pháp luật, bảo vệ thể chế trong trường hợp này?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận