07/05/2022 11:16 GMT+7

Bí mật 300 năm ngọc cốt Lý Sơn

TRƯỜNG TRUNG
TRƯỜNG TRUNG

TTO - Sau gần 300 năm gìn giữ, hai bộ xương cá voi (cá ông) tại di tích lăng Tân ở đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, đã được phục dựng xong.

Bí mật 300 năm ngọc cốt Lý Sơn - Ảnh 1.

Hai bộ ngọc cốt cá voi khổng lồ có niên đại gần 300 năm được phục dựng

Bí ẩn phía sau hai bộ ngọc cốt - xương cá voi khổng lồ này là câu chuyện dài tâm linh của bao đời người treo hồn trên cột buồm...

Đây là niềm vui với người dân đảo tiền tiêu vì việc phục dựng hai bộ ngọc cốt cá ông lớn nhất khu vực Đông Nam Á là biểu tượng thiêng liêng trong đời sống tinh thần người dân quê hương Hải đội Hoàng Sa.

"Ông vào làng như vàng vào tủ"

"Từ một lần "kêu cứu" đến nay di tích lăng Tân không những bề thế mà sắp tới ai cũng có thể thấy cá ông", cụ Phạm Thoại Tuyền, 79 tuổi, đã vui mừng báo tin như thế sau nhiều lần lỗi hẹn đi xem ngọc cốt cá ông. 

Đó là thời điểm tỉnh Quảng Ngãi vừa quyết định chi tiền phục dựng hai bộ xương cá voi lớn nhất Đông Nam Á. Là người kể chuyện quê hương Hải đội Hoàng Sa, cụ Tuyền rất vui, vì bao năm nay cụ thường trăn trở việc giới thiệu chưa được "chỉn chu" hai bộ ngọc cốt linh thiêng với người đi biển này.

Tục thờ và nghinh cá ông, dân xứ biển nơi nào cũng có nhưng hiếm đâu có nhiều cá ông vào "lụy" như ở Lý Sơn. Cụ Tuyền nói do tâm linh, có lẽ nơi nào ngư dân càng cung kính thì cá ông chọn vào nằm. 

"Lúc còn nhỏ tôi đã được bà nội truyền kể rằng "thấy ông vào làng như vàng vào tủ". Vì với ngư dân xứ biển, cá ông mang nhiều ơn nghĩa cứu người lúc phong ba bão tố, đắm chìm ngoài khơi, nên ở đây ai cũng xem việc ông lụy và trôi dạt vào làng nào thì làng đó được ấm no, tai qua nạn khỏi", cụ Tuyền nói.

Và có lẽ cũng chính vì vậy mà những vị trí đẹp nhất hướng ra biển có san sát lăng thờ cá ông. Trên bờ biển dọc dài chừng 4 cây số hướng cầu cảng này có tới 7 lăng thờ. Trong đó mỗi lăng có hàng chục bộ ngọc cốt. 

So về mật độ cũng như số lượng thì có lẽ đây là nơi thờ nhiều ngọc cốt nhất trên cả nước. Trong đó hai bộ ngọc cốt ở lăng Tân có lịch sử lâu đời nhất trên đảo được thờ từ cách đây 250 - 300 năm được người dân cung kính gọi tước Đồng Đình Đại Vương và Đức Ngư nhị vị tôn thần.

Có lẽ vì thế mà ngoài việc "ông đi tu" (chết dạt vào bờ biển) thì người trên đảo hễ ai đi biển thấy cá ông lụy (chết) đều cung kính đưa vào bờ. Người thấy ông lụy đầu tiên là Trưởng tử đứng đầu lễ chôn cất cho ông. Sau khi ở bờ biển từ 5 - 7 năm, ngọc cốt cá ông được cải táng đưa vào lăng thờ. 

Cũng như chúng tôi, nhiều người dân trên đảo đến thắp hương ở lăng Tân nhưng chưa có dịp được thấy ngọc cốt vì lăng Tân chỉ mở cửa mỗi năm một lần vào dịp 20 tháng chạp. Chính vì thế, ai cũng mong muốn được nhìn thấy bộ ngọc cốt dài nhất Việt Nam một lần.

Theo phong tục người dân Lý Sơn, người giữ tay hòm chìa khóa tất cả các lăng thờ cá ông là ông chủ Vạn. Chủ Vạn được dân biển bầu mỗi 3 năm một lần, ở đảo Lý Sơn lúc này là ông Lê Văn Thiệu. 

Dù ông Thiệu là cháu gọi cụ Tuyền là cậu, nhưng theo nếp, ông Tuyền vẫn chở tôi tới nhà ông Thiệu để xin lễ được vào tận thấy bộ ngọc cốt. Đó cũng là lần đầu tiên nhiều người được nhìn thấy cả hai phiên bản gồm nguyên bản và phục chế của hai bộ ngọc cốt của Đồng Đình Đại Vương, Đức Ngư nhị vị tôn thần.

Bí mật 300 năm ngọc cốt Lý Sơn - Ảnh 2.

Cụ Phạm Thoại Tuyền bên một bộ phận ngọc cốt cá voi đã được thờ cúng bao đời

Địa chỉ mới ở quê hương Hải đội Hoàng Sa

Dẫn chúng tôi vào khu vực phía sau lăng Tân, ông Phạm Văn Trai, thổ tự ở đây, cho biết đây là những ngọc cốt cá ông tiếp tục được thờ cúng do không thể phục dựng vì hư hại quá nhiều. Có vô số ngọc cốt được chứa trong các hòm. Thắp nén hương thành kính, ông nói dù đã được người dân trên đảo bảo quản và thờ cúng nhưng vẫn không thể tránh khỏi hư hại của thời gian.

Trong số những phần ngọc cốt không thể được phục dựng, chúng tôi nhìn thấy có những phần xương dài tới hơn 3m. Ông Trai nói đây chưa là gì so với phần xương ngà bên nhà trưng bày.

Hai bộ ngọc cốt được dựng trong nhà trưng bày có vòm cao bên cạnh lăng Tân. Đặt trên khung sắt, ngọc cốt cá ông được mô phỏng thế đang nẩy mình bơi lượn giữa đại dương. 

Lần lượt ngọc cốt dài 22m của Đức Ngư nhị vị tôn thần và ngọc cốt 28m của Đồng Đình Đại Vương được phục dựng cao gần 4m mang tới cho người đến tham quan cảm giác mình nhỏ bé. Mỗi bộ có tới hơn 50 đốt xương sống, đường kính đốt sống trên 40cm; 28 xương sườn, mỗi xương sườn dài gần 10m; xương đầu dài 4m; xương ngà dài 4,7m.

Để phục dựng cả hai bộ ngọc cốt cá ông này, hơn chục kỹ thuật viên đã cùng ông Trai và chủ Vạn bám trụ lăng Tân hơn 2 tháng để cùng thi công khung đỡ, xử lý xương mục, sơn phủ bóng phần xương. 

Làm việc với các chuyên gia, ông Trai càng tự hào hơn khi được khẳng định bộ ngọc cốt của Đồng Đình Đại Vương thuộc hàng lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Theo bà Phạm Thị Hương - chủ tịch UBND huyện Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), người dân xứ đảo đều quan niệm cá ông là vị thần trên biển. Bởi trong những câu chuyện truyền miệng của bà con, cá ông từng nhiều lần giúp đỡ ngư dân Lý Sơn trên biển trong những lúc dông bão. Chính vì thế, khi công trình phục dựng được thực hiện ai cũng vui mừng.

"Chúng tôi có kế hoạch biến khu trưng bày ngọc cốt ở lăng Tân trở thành một điểm tham quan cho du khách khi đến đảo. Khi đến với Lý Sơn, du khách sẽ được tìm hiểu rõ nét về tục thờ cá ông bởi đây là tập tục truyền thống của người dân đảo Lý Sơn và có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của cư dân quê hương Hải đội Hoàng Sa", bà Hương tâm sự.

Bí mật 300 năm ngọc cốt Lý Sơn - Ảnh 3.

Những bộ phận xương cá voi to hơn cả người - Ảnh: TR.TRUNG

Có ơn nên được tôn thờ

Vì là bộ ngọc cốt cá ông lâu đời và lớn nhất trên đảo nên hầu như mọi người dân Lý Sơn đều biết chuyện truyền đời kể việc đưa ngọc cốt Đồng Đình Đại Vương từ biển lên bãi cát.

Ngày ấy, những người con của Hải đội Hoàng Sa trên đường ra biển phát hiện cá ông lụy nên đưa về đảo. Lúc bấy giờ chưa có phương tiện máy móc như nay, trong khi xác cá ông lại quá lớn nên việc đưa từ dưới nước lên bãi cát rất khó. Cả trăm trai tráng hợp sức kéo ông lên bãi nhưng bất thành.

Lúc bấy giờ, người cao niên trong làng mới thắp hương hướng mặt ra biển cầu khấn xin thần Nam Hải Đại Vương, tức thì có một đợt sóng nổi lên cùng hợp sức với người dân đưa ông vào sâu trên bãi cát.

"Với dân đảo, người hay vật có ơn thì đều được tôn thờ. Huống gì cá ông muôn đời là linh vật của Biển Đông, đã cứu giúp bao người đi mưu sinh hồn treo cột buồm", ông Tuyền kể thêm hàng trăm năm người Việt khai khẩn đảo Lý Sơn từng ghi nhận nhiều lần được cá ông cứu nạn trên biển.

Từng là hai cá voi khổng lồ

Trước khi hai bộ ngọc cốt được phục chế, hồ sơ di tích cho biết hai cá ông này có chiều dài khoảng từ 30 - 35m.

Theo ông Đặng Trung Hiếu, chuyên gia chế tác mẫu vật Đồng Đình Đại Vương và Đức Ngư nhị vị tôn thần, trong quá trình phục dựng, có nhiều đoạn bị hư hỏng do độ ẩm và nhiệt độ cao ở đảo. Để phục dựng lại, họ phải dùng phương pháp nhựa hóa một số phần xương mục.

Phục dựng bộ xương cá voi ở đảo Lý Sơn Phục dựng bộ xương cá voi ở đảo Lý Sơn

TT- Phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Hoàng Linh cho biết: UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa đồng ý cho UBND huyện đảo Lý Sơn phối hợp với Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi phục dựng bộ xương cá voi tại lăng Tân, xã An Vĩnh.

TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên