Thì ra ma nó khoái đè con người lắm. Nó đè người ta khắp nơi trên thế giới, không ngán “thằng Tây” nào cả. Người thì gọi là “ma đè”, người thì gọi là “bóng đè”, còn khoa học gọi là “sleep paralysis”, tức là “chứng liệt khi ngủ”.
Dù là “ma Tây” hay “ma ta”, thì nó cũng đè theo đúng một kiểu. “Con ma” nó thường đè lúc mình sắp thức giấc, hay vừa mới ngủ khoảng 90 phút. Người bị đè không thể cử động tay chân, có cảm giác nghẹt thở từ vài giây đến vài phút. Điều rùng rợn là bạn thấy hết mọi thứ xung quanh, bạn cố gắng la hét cầu cứu, nhưng thực tế miệng không phát ra được âm thanh gì. Một số người thì thậm chí thấy bóng một người lạ đè lên người mình.
Con ma này từ đâu mà ra?
Nói sơ về giấc ngủ một chút, ngủ là leo lên giường rồi ngáy khò khò. Ấy vậy mà giấc ngủ được chia thành nhiều chu kỳ, mỗi chu kỳ gồm 2 giai đoạn:
- Giai đoạn ngủ Non-REM: Cơ thể chuyển dần từ ngủ mơ màng sang ngủ sâu. Cơ thể từ từ đi vào trạng thái thư giãn hoàn toàn, thân nhiệt giảm, nhịp tim giảm, nhịp thở giảm, các cơ bắp bị “tắt điện”. Trạng thái này kéo dài khoảng 90 phút, rồi chuyển sang giai đoạn ngủ REM.
- Giai đoạn ngủ REM: REM là viết tắt của Rapid Eye Movement. Mắt vẫn nhắm nhưng liếc tới liếc lui, nhịp tim, nhịp thở tăng lên. Não bộ hoạt động mạnh, nhưng tín hiệu từ não không truyền tới cơ bắp, vì cơ bắp vẫn đang “tắt nguồn”. Nếu mệnh lệnh từ não mà truyền được tới cơ trong lúc này, thì sẽ gây ra các hiện tượng phiền toái như mộng du, nói mớ hay biến giấc mơ “đi tiểu” thành… sự thật. Giai đoạn này kéo dài từ 10 - 60 phút, rồi quay lại trạng thái ngủ sâu Non-REM.
“Ma đè” là một trục trặc nhỏ xuất hiện trong giai đoạn ngủ REM. Ảo giác xuất hiện lúc não và mắt đã thức dậy, nhưng tay chân còn ngủ. Hơn nữa, ảo giác được “biên kịch” theo những gì có sẵn trong tiềm thức của mỗi người, nên nó rất ư là logic. Người bị “ma đè” có thể thấy hình người lạ đột nhập vào phòng, thấy người đã mất, nghe người đó nói, và cảm giác người đó đang đè lên ngực mình.
Nguyên nhân của hiện tượng này là do stress hay những lo lắng, sợ hãi mà người đó đang đối diện. Những người mắc chứng mất ngủ cũng rất dễ bị bóng đè.
Làm gì khi bị đè?
Theo phản xạ, chúng ta sẽ cố gắng chống cự để ngồi dậy. Tuy nhiên, điều này làm tăng thêm sự sợ hãi, và làm cơ thể mệt rã rời. Tốt nhất, hãy khẳng định đây chỉ là ảo giác, đừng chống cự lại “cái bóng” đang đè mình, mà hãy hít thở nhẹ nhàng. Hãy thử co duỗi các ngón tay, ngón chân, điều khiển các cơ trên khuôn mặt, chớp mắt, liếc mắt nhìn xung quanh phòng. Ngoài ra, chủ động ho cũng là một cách đánh thức cơ thể.
Cách điều trị chứng bóng đè?
Điều ngạc nhiên là những người sau khi được “thầy” cho bùa phép, thì sau đó không còn bị “ma đè” nữa. Thực tế, khi nghĩ chúng ta đã được bảo vệ, thần kinh chúng ta bớt lo lắng hơn, và những ảo giác đó sẽ giảm bớt. Bóng đè hoàn toàn là một sự rối loạn giấc ngủ liên quan đến thần kinh. Trị bóng đè bằng cách giảm stress, giảm lo lắng, chơi thể thao, sống tích cực, thực hiện các chiến lược giúp ngủ ngon, tránh uống chất kích thích như rượu, cà phê vào ban đêm.
Tuy nhiên, nếu những cố gắng trên không cải thiện được tình hình, hoặc bạn bị ngủ gà ngủ gật ban ngày, thì bạn cần khám chuyên khoa nội thần kinh. Các bác sĩ sẽ “vẽ bùa” trên toa thuốc, để kê cho bạn các thuốc an thần. Các thuốc chống trầm cảm sẽ làm giảm độ sâu của giai đoạn ngủ REM, làm dịu thần kinh, nên có hiệu quả trong điều trị chứng “bóng đè” và chứng ngủ gật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận