21/03/2018 09:00 GMT+7

Bị lòa vẫn làm hiệu trưởng trường đại học

CÔNG NHẬT thực hiện
CÔNG NHẬT thực hiện

TTO - Là người gặp vấn đề về thị lực bẩm sinh, Rod Carr vẫn nỗ lực vươn lên từ một thái độ sống tích cực. Ông trở thành chân dung thành công ở New Zealand, hiện là hiệu trưởng ĐH Canterbury.

Bị lòa vẫn làm hiệu trưởng trường đại học - Ảnh 1.

Giáo sư Rod Carr trò chuyện với Tuổi Trẻ - Ảnh: CÔNG NHẬT

Giáo sư cùng lãnh đạo Trường ĐH Canterbury vừa đến TP.HCM và Hà Nội để hợp tác chương trình phát triển năng lực sư phạm cho giáo viên với một trường ở Hà Nội. Và ông ngồi lại đối thoại cùng Tuổi Trẻ về hành trình "không đầu hàng" của mình.

* Dẫu là người khuyết tật, ông vẫn trở thành một tên tuổi vang danh trong giới giáo dục ở New Zealand. Ông đã làm điều đó như thế nào?

- Tôi bị "mù dở" bẩm sinh (legally blind là thuật ngữ chỉ tình trạng mắt quá kém, hầu như không thấy được gì với thị lực thấp hơn mức 20/200. Với trường hợp của Rod, ông có thể thấy nếu để vật sát mắt và dùng kèm kính lúp). Vì vậy, cuộc sống giai đoạn đầu dĩ nhiên mọi thứ đều không dễ dàng, nhưng tôi tin khi chúng ta nỗ lực làm hết sức thì mọi thứ đều sẽ dần tốt đẹp.

Khi tôi 5 tuổi, tôi được mẹ đưa tới một trường bình thường. Mặc dù gặp không ít khó khăn, nhưng cuối cùng tôi cũng thích nghi dần, dĩ nhiên với sự hỗ trợ từ thầy cô, gia đình, bạn bè và... kính lúp. 

Trước đó, một số người khuyên mẹ nên đưa tôi đến trường dành cho trẻ em mù, nhưng mẹ tôi đã không làm như vậy. Tôi thầm biết ơn mẹ vì nếu bà không tin tưởng tôi, có lẽ tôi đã không vượt qua được những rào cản để có ngày hôm nay.

* Vậy mà ông còn say mê chơi thể thao...

- Dù có vấn đề về thị lực, nhưng tôi vẫn quyết định chơi thể thao do sức khỏe là điều vô cùng quan trọng. Tôi chọn môn bơi lội vì với tôi, đó là môn thể thao an toàn với điều kiện bản thân. 

Gần đây, tôi có thử sức với môn chạy bộ. Tôi cũng từng tham gia tranh tài ở một số cuộc thi marathon và thú vị là bởi ở marathon bạn sẽ luôn chạy với một đám đông, vì thế khó mà bị lạc đường.

Dĩ nhiên cũng có nhiều điều đáng mơ ước nhưng tôi không làm được như không thể tự chạy xe, lái máy bay... Tôi tin ngay cả những người bình thường cũng sẽ luôn có những điều họ giỏi và dở, họ có lợi thế hơn và không có chút lợi thế nào.

* Có rất nhiều người cảm thấy tuyệt vọng, mất niềm tin sống và vươn lên khi họ có khuyết tật bẩm sinh hoặc vì một lý do nào đó. Ông nghĩ sao?

- Dĩ nhiên là việc người khuyết tật sẽ giới hạn nhiều điều, như tôi không thể tự lái xe, lái máy bay... 

Nhưng việc gì phải sống khổ sở khi chúng ta không thể thay đổi thực tế? Tại sao không nghĩ về những điều chúng ta có thể làm được thay vì những điều chúng ta không thể làm được? Chẳng hạn như trở thành một người tử tế, chăm chỉ... đâu cần phải có một cơ thể lành lặn để làm được? 

Như bản thân tôi chưa từng giỏi toán, nhưng tôi vẫn học đủ tốt để lấy được bằng tiến sĩ. Tôi học ngoại ngữ rất dở nhưng tôi bơi tốt.

Nghĩ về những điều chúng ta có thể làm được cũng là một cách tự truyền cảm hứng sống cho bản thân. Sẽ là một sai lầm lớn nếu bạn nghĩ có một ai đó gặp toàn sự may mắn đáng ganh tị. 

Chưa kể với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, những khuyết tật của cơ thể dần được hỗ trợ. Chẳng hạn như tôi có thể không đọc được một bảng thông báo nào đó ở sân bay, nhưng tôi hoàn toàn có thể lấy điện thoại chụp lại và phóng to lên để đọc.

Khiếm khuyết cơ thể không đồng nghĩa không giỏi giang.

Bị lòa vẫn làm hiệu trưởng trường đại học - Ảnh 2.

Ông Rod Carr

* Dù ông rõ ràng là một người rất lạc quan, ắt hẳn vẫn có những khoảnh khắc tuyệt vọng trong đời...

- Dĩ nhiên rồi, làm sao cuộc sống luôn theo ý chúng ta muốn được? Chúng ta là con người mà, chẳng thể luôn vui vẻ. Những lúc tuyệt vọng, chúng ta nên chủ động chia sẻ với người thân hoặc tìm một người mà bản thân có thể hướng tới và học hỏi, như Nelson Mandela (cựu tổng thống Nam Phi) bị giam cầm hàng chục năm trong tù nhưng ông vẫn chưa từng từ bỏ hi vọng vào cuộc sống, vào sứ mệnh của mình.

Gia đình đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp những đứa trẻ kém may mắn về thể chất có thái độ sống tích cực bằng những lời khuyên, động viên và chia sẻ. 

Cha mẹ tôi ly thân khi tôi 6 tuổi, nên có thể nói cuộc sống của tôi bị ảnh hưởng nhiều từ mẹ và cả bà ngoại nữa (cười lớn)

Nhưng ngoài gia đình, bạn bè cũng là những người giúp cuộc sống của chúng ta cân bằng, tốt đẹp hơn. Có những điều chúng ta học hỏi được bạn bè nhiều hơn từ gia đình.

* Ông có hay nhờ người khác giúp đỡ?

- Tôi phải thừa nhận mình là một người không giỏi trong việc hỏi nhờ người khác giúp đỡ cho mình, tôi muốn tự làm nhiều thứ. 

Nhưng tôi nghĩ các bạn trẻ đừng nên học theo tính cách không hay này của tôi, hãy mạnh dạn nhờ người khác giúp đỡ khi bản thân gặp vấn đề gì đó nghiêm trọng. 

Như trường hợp của tôi thì nhiều người có thể nhận ra tình trạng sức khỏe và chủ động hỗ trợ, nhưng nhiều người trẻ phải chịu đựng các vấn đề không dễ cho người khác thấy hoặc biết được (như bị trầm cảm) thì sẽ dẫn đến hệ quả khó lường nếu mãi im lặng.

Tôi cũng từng du học xa nhà nên biết rõ bên cạnh những ngày vui, ý nghĩa thì sinh viên sẽ có những thời điểm bị nỗi buồn, sự mệt mỏi vây kín. Và khi đó bạn sẽ không làm được việc gì ra hồn khi cứ chìm đắm trong nỗi buồn.

* Tin tưởng giao vị trí quản lý cao nhất cho một cá nhân "đặc biệt" như ông, ĐH Canterbury ắt hẳn cũng có những điểm đặc biệt trong phương pháp điều hành, giảng dạy?

- Ở ĐH Canterbury, chúng tôi luôn muốn tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên dù điều kiện thể chất của họ như thế nào, từ việc hỗ trợ học tập chuyên môn đến chăm sóc sức khỏe vật chất, tinh thần. 

Cụ thể, những sinh viên khiếm thính, khiếm thị, gặp khó khăn trong di chuyển... dù là người bản địa hay ngoại quốc đều sẽ nhận được sự hỗ trợ cụ thể theo từng hoàn cảnh. 

Dĩ nhiên, vẫn có những trường hợp chúng tôi lực bất tòng tâm, như hầu hết sinh viên ngoại quốc muốn đến học phải chứng minh có sức khỏe tốt để được cấp visa du học.

Đất nước chúng tôi có những điều luật bắt buộc các trường phải có để phục vụ cho cả những sinh viên khuyết tật, chẳng hạn như trong tiêu chuẩn xây dựng (nhà vệ sinh, cổng ra vào... phải thuận tiện cho người khuyết tật). 

Chúng tôi cũng đang tiếp tục triển khai nhiều dự án để hỗ trợ họ như đem lại sự an toàn hơn cho người khiếm thị khi băng qua đường bằng các tín hiệu trên đường. Dĩ nhiên việc này sẽ khá tốn kém, nhưng tôi tin rằng hành động trên sẽ tác động tích cực đến nhiều mặt trong xã hội, văn hóa, kinh tế... và tận dụng hiệu quả nguồn lực từ những người khuyết tật. 

* Nếu ông có một điều ước?

- Các con của tôi từng hỏi: "Nếu có một cuộc phẫu thuật thần kỳ có thể giúp cha lấy lại thị lực bình thường, cha sẽ tham gia phẫu thuật chứ?". Cái lắc đầu của tôi khiến các con ngạc nhiên. 

Tôi cho rằng bản thân đã sống rất trọn vẹn, hạnh phúc mỗi ngày, tôi không chắc mình sẽ nỗ lực như hiện tại nếu sinh ra với thân thể lành lặn. Chúng ta hãy tìm kiếm cơ hội chứ đừng nên nhìn lại quá khứ, sống với cơ thể lành lặn không quan trọng bằng sống mà không có mục đích để hướng tới.

Sự khuyết tật đôi khi cũng đem lại nhiều điều hài hước thú vị lẫn ý nghĩa trong cuộc sống. Như có lần ngồi trên máy bay, tôi gí quyển sách sát mắt để đọc thì một tiếp viên đã đến gần và hỏi đầy ân cần: "Ông có bị mất kính không? Có cần tôi kiếm giùm không?" (cười lớn).

* Con đường ông đang đi có phải là điều ông mơ ước từ nhỏ?

- Thực chất tôi từng muốn trở thành luật sư. Nhưng có hai điều tôi muốn nhấn mạnh: Đừng bao giờ từ bỏ và đừng bao giờ gắn chặt mình vào một ước mơ nghề nghiệp nào đó, bởi khi chúng ta chưa có đủ trải nghiệm thì mọi ước muốn đều chủ quan. 

Có những con đường là lựa chọn ngẫu nhiên, là sự chuyển đổi linh động nhưng hóa ra đầy thú vị. Cơ hội sẽ đến khi chúng ta thật sự tập trung làm việc, không có cơ hội này thì cũng có cơ hội khác.

Không ngừng vươn lên

Giáo sư Rod Carr hiện là hiệu trưởng ĐH Canterbury, ngôi trường danh tiếng và lâu đời thứ hai tại New Zealand. Trước khi làm việc tại ĐH Canterbury, ông từng là giám đốc điều hành một tập đoàn về phần mềm.

Ông lấy học bổng và bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh tại ĐH Columbia và tiến sĩ quản lý rủi ro tại ĐH Pennsylvania (Mỹ). Dù bị "mù dở" bẩm sinh, ông Carr vẫn hăng say chơi thể thao và từng tham gia nhiều cuộc thi chạy bộ, bơi lội... Ông cũng là diễn giả tại TEDx Talks, sự kiện diễn thuyết chia sẻ tri thức nổi tiếng.

CÔNG NHẬT thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên