Xem như “văn ôn võ luyện”, việc này hẳn sẽ không thừa trong thời buổi thực phẩm “Thạch Sanh thì ít Lý thông thì nhiều”.
Thịt tươi “nhập môn”
Tựu trung, để nhận ra thực phẩm tươi, các bà thường dựa vào các yếu tố màu, mùi, tính chất, đôi khi “dấu hiệu sinh tồn” của thực phẩm. Thịt tươi luôn là bài test nhập môn. Gọi là tươi ngon thì miếng thịt phải dẻo, đàn hồi tốt (ấn tay vào lúc bỏ ra vết lõm nhanh mất đi ), sờ hơi dính tay và không bị chảy nước. Thịt hơi tanh, nhưng không hôi. Bề mặt thịt không có lớp màng bao phủ.
Cá thở là cá tươi
Đây là đối tượng có thể căn cứ “dấu hiệu sinh tồn”. Hiển nhiên, xuống tiền ngay với chú cá tung tăng bơi lội, ít ra còn thở ngáp, bằng không, tiêu chí là độ tươi tỉ lệ thuận với thời gian tắt thở của cá. “Dấu sinh tồn” nằm ở mang, mắt và vảy cá. Mang khép chặt, lật lên thấy màu hồng tươi không phải màu tía, bầm. Cá tươi mắt to, trong, hơi lồi. Vảy xếp đều, trắng, không bong tróc. Chất nhờn mình trên cá trong và nhớt, không mùi lạ, thịt dính xương và mùi tanh đặc trưng.
Đầu dính chặt thân
Tôm, mực, bạch tuộc, còn tươi, nguyên con, đầu dính chặt thân. Sờ mềm, căng tự nhiên, độ đàn hồi cao. Mùi tanh đặc trưng, không có mùi khai, mùi hắc, mùi hôi...
Rau củ
Rau ăn củ hay ăn lá tươi nhìn căng mọng, màu xanh hoặc màu đặc trưng không bị phai màu. Cánh lá không mềm hoặc, thân rau không nhớt, cuống lá xanh, cứng.
Quả tươi tươi cả cành
Trái cây tươi, vỏ không bị nứt, thủng, không dập nát. Giữ màu đặc trưng. Đừng bỏ qua nếu có lá cành kèm theo. Lõi cành xanh, có mùi nhựa cây.
Tròn nếp đẹp cả tẻ
Với ngũ cốc nguyên hạt, hạt có dầu , chú ý chọn hạt khô, không bị ẩm mốc, màu trong, không đục, màu tự nhiên không bị biến dạng. Cắn thử, hạt giòn, không vỡ vụn. Khi ngửi, hạt có mùi thơm đặc trưng.
EXP bằng giấy và bằng mắt
Thực phẩm qua chế biến (giò, chả, thịt hun khói, đồ đông lạnh…), điểm tín thác số một là nhãn mác, ngày sản xuất, hạn sử dụng. Tra bằng mắt, sản phẩm không ôi nhớt, mốc xanh, chảy nước, biến dạng, kể cả biến dạng bao bì.
Tốt mã rã đám
Mếu dở vẻ tươi ngon lắm khi lại là vẻ ngoài “tốt mã rã đám”. Chăm chăm chọn đồ tươi không chừng sa bẫy người xấu. Khá nhiều minh họa cho tấn bi hài kịch này của các bà nội trợ:
-Rau phun thuốc kích thích thường có xanh tốt bất thường, cọng non và to mập, tuy sau đó nhanh bị nẫu, héo rũ ra.
-Thịt "bị cho ngủ" bằng thuốc an thần thường màu hồng, đỏ tươi rói bất thường, ấn vào mịn tay và có ít nước rỉ ra.
-Thịt heo có hormone tăng trưởng, da mỏng căng khác thường, mỡ rất ít và màu sẫm hơn bình thường. Khi nấu chín thì màu lại nhợt nhạt hơn.
-Tương tự thịt heo ướp hàn the có màu bầm, ấn vào không đàn hồi.
-Thịt bơm nước, căng ,đàn hồi, có điều ấn vào thấy nước tươm ra.
-Thịt gà vàng rụm, nịnh mắt, căng đầy, là thịt qua tay “họa sĩ” với phẩm màu, bột sắt nhuộm.
Xài cả mẹo
Lắm khi để qua bài thịt tươi, cá ngon, các bà cần phải...xài cả mẹo.
-Chẳng hạn, trái cây đúng mùa thường cơ may chọn được quả tươi cao hơn món trái mùa.
-Với thực phẩm chế biến sẵn, sản phẩm cùng loại nhưng có hạn dùng ngắn hơn thường tươi ngon và ít chất bảo quản hơn...
- Tóm lại, trong mớ bòng bong, có cả màn “đừng thấy đỏ mà tưởng chín” thì các bà, các cô xoay sở thế nào để đưa được món tươi ngon về nhà? Thiệt tình, trong thời buổi “nhiễu nhương” của các món đưa vào miệng, ngoài lý thuyết, văn ôn võ luyện, người nội trợ lắm khí còn phải có chút ... “lọc lõi” việc mới thành.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận