Các nội dung chung kết môn điền kinh diễn ra trong SVĐ Morodok Techo bắt đầu từ ngày 8-5. Trong ngày đầu thi đấu, điền kinh Việt Nam đã giành được 2 HCV, 5 HCB.
HCV thuộc về VĐV Nguyễn Thị Oanh (cự ly 5.000m, thành tích 17 phút 0 giây 33) và đội tiếp sức hỗn hợp 4x400m nam nữ (thành tích 3 phút 21 giây 27).
Nếu như ở cự ly 5.000m, Nguyễn Thị Oanh không có đối thủ thì tấm HCV ở nội dung tiếp sức hỗn hợp 4x400m thực sự là màn "cân não" của các đội tuyển: Việt Nam, Malaysia, Thái Lan, Philippines.
Tiếp sức hỗn hợp 4x400m nam nữ lần đầu được đưa vào thi đấu ở SEA Games 30 năm 2019 tại Philippines.
Khi đó đội tuyển Việt Nam đã giành HCV vô cùng ấn tượng. Dù vậy tại SEA Games 31 tổ chức ở Việt Nam, người Thái đã giật mất vàng của Việt Nam.
Chiều 8-5, đội tuyển điền kinh Việt Nam dự cự ly 4x400m hỗn hợp nam nữ có 4 VĐV, bao gồm: Trần Nhật Hoàng, Nguyễn Thị Hằng, Trần Đình Sơn, Nguyễn Thị Huyền.
Đội Việt Nam bắt đầu với màn bứt phá của Trần Nhật Hoàng, sau đó chính cô bé "hạt tiêu" Nguyễn Thị Hằng đã tạo nên khoảng cách lớn với đối thủ. Tiếp đến Trần Đình Sơn tiếp tục duy trì lợi thế và để cho Nguyễn Thị Huyền nước rút về đích đầu tiên.
Với thành tích này, Việt Nam đã đánh bại Thái Lan để giành tấm HCV quý giá. HLV Nguyễn Thị Bắc cho biết sau 4 năm, tiếp sức 4x400m hỗn hợp Việt Nam mới lại giành được HCV ở nội dung này.
Chia sẻ về bí kíp giành vàng của đội tuyển điền kinh Việt Nam, VĐV Trần Nhật Hoàng tiết lộ: "Người hâm mộ theo dõi cuộc thi sẽ thấy chiến thuật hôm nay của đội điền kinh Việt Nam là nữ chạy ít hơn nam 10m.
Khi đứng chờ tiếp gậy, nữ của Việt Nam đứng cao hơn nữ của các nước khác 10m. Lý do bởi nam mạnh hơn nên nam sẽ chạy một vòng 400m và thêm 10m nữa để gánh hộ hai VĐV nữ. Đây là chiến thuật đã giúp đội tuyển điền kinh Việt Nam giành HCV quý giá".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận