Từ trái sang: Phim Chạy trốn thanh xuân, Trà táo đỏ và Hoa cúc vàng trong bão - Ảnh: ĐPCC
Một số bộ phim đang được khán giả quan tâm là (VTV3, 21h30 thứ tư, năm), Chạy trốn thanh xuân (VTV3, 20h10 thứ hai, ba), Hoa cúc vàng trong bão (VTV3, 14h thứ bảy, chủ nhật) và Trà táo đỏ (THVL1, 20h thứ hai đến thứ bảy).
Và không hẹn mà gặp, tất cả các nhân vật nữ chính trong phim đều đối diện với nhiều bi kịch trong cuộc sống.
Đề tài phim truyền hình của mình quanh đi quẩn lại là tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa, ít những đề tài như y khoa, hình sự... ; nên câu chuyện thường phải khai thác nỗi đau cá nhân. Nếu phim Việt đa dạng hơn về đề tài, nhân vật cũng sẽ nhiều màu sắc hơn.
Biên kịch Hoàng Anh
Khổ nạn đến cùng cực
Những cô gái trong thành phố kể về cuộc lập nghiệp xa quê nhiều khó khăn và vấp ngã của bốn cô gái quê Cúc, Trúc, Mai, Lan... Còn trong Chạy trốn thanh xuân, An có một tuổi thơ đầy nỗi ám ảnh khi mẹ cô là người nghiện cờ bạc.
Cúc trong Hoa cúc vàng trong bão và Chiêu Dương của Trà táo đỏ cũng bi thương không kém. Bị tạt axit, Cúc đau đớn đến tận cùng, cô từng muốn kết liễu số phận vì khuôn mặt bị hủy hoại... Còn Chiêu Dương ngay từ tập 1 đã phải chịu nhiều tổn thương khi quá khứ đau khổ một thời của mình bị bóc trần...
TRAILER Những cô gái trong thành phố
Biên kịch Võ Uyên Dung của phim Trà táo đỏ cho biết: "Khi viết kịch bản, tôi luôn phải đẩy nhân vật đến tận cùng bi kịch và tôi quan niệm phim cần phản ánh hiện thực xã hội".
Đạo diễn Nhâm Minh Hiền của phim Hoa cúc vàng trong bão cũng bày tỏ: "Câu chuyện của Cúc được phát triển từ sự việc đau lòng là một nữ sinh viên bị tạt axit mà báo chí từng đăng tải. Hành động nhẫn tâm của những kẻ thiếu suy nghĩ không chỉ hủy hoại khuôn mặt mà còn hủy hoại cuộc sống của nạn nhân, khiến họ sống không bằng chết...".
Không thể phủ nhận thực tế: một bộ phim nhiều nước mắt nhưng cốt truyện hấp dẫn, cảnh quay đẹp, diễn viên diễn xuất tốt vẫn thu hút khán giả.
Thời gian qua có nhiều bộ phim kể về số phận nghiệt ngã của người phụ nữ khiến khán giả thương cảm và quan tâm theo dõi, như nhân vật Quỳnh, Lan "cave" trong Quỳnh búp bê, Hương trong Gạo nếp gạo tẻ. Trước đó là Dung trong Cả một đời ân oán hay Hơn trong Thương nhớ ở ai...
Thế nhưng, sau một ngày làm việc mệt mỏi, về nhà thư giãn lại thấy màn ảnh nhỏ tràn ngập nước mắt, hận thù; không ít khán giả cảm thấy thêm phần...mệt mỏi.
Kịch bản buồn dễ viết
Biên kịch Hoàng Anh - tác giả kịch bản của một số phim ăn khách như Dù gió có thổi, Cá rô em yêu anh, Cô Thắm về làng, Gạo nếp gạo tẻ... - thẳng thắn cho rằng: "Tôi nghĩ nếu phim Việt cứ khai thác những số phận bi kịch chắc chắn khán giả sẽ chán, vì dù nội dung có thay đổi nhưng môtip nhân vật vẫn là khổ đau".
Vậy vì sao chủ đề người phụ nữ với nhiều bi kịch xoay quanh họ vẫn được chọn để khai thác? "Người xem phim truyền hình Việt hiện có độ tuổi từ 30 đến 45 là nhiều nhất. Lứa tuổi này dễ mủi lòng trước những số phận bi thương. Vì thế nhân vật "khổ khổ tội tội" dễ lấy lòng khán giả nhất" - đạo diễn Minh Cao lý giải.
Còn từ góc nhìn biên kịch, biên kịch Hoàng Anh cho biết lý do chính lại ở khâu kịch bản: "Phim càng nhẹ nhàng vui tươi mà phải hấp dẫn thì càng khó viết kịch bản, vì việc xây dựng nhân vật và cài cắm tình tiết phải vô cùng kỹ càng".
Đồng quan điểm, biên kịch Nguyễn Quý Dũng - thường viết kịch bản phim hình sự - cho hay: "Làm phim về những đề tài gia đình dễ viết, trong khi các phim đề tài khác như y khoa hay hình sự đòi hỏi người viết phải có chuyên môn, phải nghiên cứu rất tốn thời gian công sức và sản xuất thì cần nhiều kinh phí hơn. Hiện giờ, các nhà sản xuất phim Việt chủ yếu chọn phim an toàn, không tốn nhiều kinh phí sản xuất. Vì thế cứ khai thác câu chuyện về gia đình, về bi kịch là ổn".
Có lẽ việc mở rộng đề tài và góp thêm nhiều làn gió tươi sáng cho phim truyền hình vẫn là một đòi hỏi khó từ khán giả?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận