23/12/2009 17:26 GMT+7

Bi kịch của dãy Himalaya

THANH TUẤN
THANH TUẤN

TTO - Với diện tích hơn 100.000km2, các dòng sông băng thuộc dãy Himalaya và vùng cao nguyên ở đây đóng vai trò sống còn đối với khoảng 3 tỉ dân của khu vực châu Á. Tình trạng Trái đất nóng lên đang là mối đe dọa lớn đối với các dòng sông băng này.

wOCPkLgT.jpgPhóng to
Sức nóng ở Hymalayas ngày càng tăng

Nguồn nước của Himalaya không còn đủ

Các nhà khoa học thường gọi đó là vùng cực thứ 3, nhưng khi nói đến mức độ hiểm họa rõ nhất đối với thay đổi khí hậu thì vùng sông băng này có thể chiếm vị trí hàng đầu. Vùng sông băng của Himalaya và cao nguyên Tây Tạng - gồm phần lãnh thổ của Ấn Độ, Pakistan, Nepal, Bhutan và Trung Quốc - thực tế là cột nước lớn của toàn châu Á.

Mỗi mùa xuân khi băng tan, sông băng chính là nguồn sống của các dòng sông lớn trong vùng, trong đó có những hệ thống sông lớn nhất thế giới: sông Hằng, sông Ấn, sông Brahmaputra, Mekong, Hoàng Hà, Trường Giang. Những con sông này là nguồn sống, cả về vật chất và tinh thần, cho khoảng 3 tỉ người dân sinh sống dọc theo vùng hạ lưu.

“Những dòng sông băng này là trung tâm của khu vực. Nếu không có tuyết và băng ở đây mọi người sẽ chết” - Syed Iqbal Hasnain, nhà nghiên cứu về sông băng ở New Delhi

Như vậy, khoảng một nửa dân số toàn cầu được nuôi dưỡng nhờ băng tuyết của đỉnh Himalaya.Những mùa mưa đến rồi đi, nước sông lên rồi xuống, nhưng băng tan luôn là nguồn sống đều đặn và đáng tin cậy của vùng đất này. Shubash Lohani, một cán bộ của chương quỹ World Wildlife Fund tại Nepal, thừa nhận “Một lượng lớn dân số hạ nguồn Himalaya sống phụ thuộc vào đây”.

Ngay lúc này nguồn nước của Himalaya không còn đủ. Theo số lượng của Viện Quản lý nước quốc tế (IWMI) thì hầu hết khu vực Nam Á và Trung Quốc hiện đã rơi vào tình trạng thiếu nước trong khi dân số trong vùng đang tiếp tục tăng mạnh. Tăng trưởng kinh tế cũng tăng cuộc cạnh tranh giành nước cho các nhu cầu nông nghiệp và công nghiệp giữa các nước.

Báo cáo mới đây của Hãng tư vấn McKinsey&Co ước tính đến 2030, Ấn Độ sẽ chỉ đảm bảo được 50% nhu cầu nước của mình. McKinsey ước tính rằng nếu không thay đổi cách thức sử dụng nước như hiện tại, thế giới sẽ chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu nước toàn nhân loại vào năm 2030. “Những quốc gia giờ đã thiếu nước sẽ là những nước dễ bị tổn thương nhất bởi thay đổi khí hậu” - Colin Chartes, tổng giám đốc của IWMIT, nói.

Báo cáo của Ủy ban IPCC năm 2007 đánh giá sông băng ở Himalaya “đang tan nhanh hơn bất cứ nơi nào trên thế giới”.

Nếu tình trạng ấm lên của Trái đất không được kiểm soát, tình trạng tan băng ở Himalaya sẽ còn xấu đi nữa. Một nghiên cứu của Trung Quốc trong năm nay ước tính diện tích các sông băng sẽ giảm tới 43% vào năm 2070.

Điều này càng cho thấy tầm quan trọng của các dòng sông băng trên Himalaya. Dù khó để đưa ra đánh giá toàn diện về hàng chục ngàn sông băng nằm đây - tất cả đều ở độ cao trên 3.000m - các báo cáo khoa học độc lập đều nói vùng cực thứ 3 này đang tan chảy rất nhanh bởi tình trạng nhiệt độ nóng lên do thay đổi khí hậu. Kể từ năm 1960, khoảng 1/5 lượng băng bao phủ ở dãy Himalaya thuộc Ấn Độ đã biến mất.

...Nếu điều đó xảy ra, hậu quả có thể thảm khốc

Mất nguồn nước từ băng tan càng làm căng thẳng thêm nguồn nước ở đây. Các quốc gia ở trên cao như Nepal và Bhutan sẽ đối mặt với các đợt lũ quét, lũ ống khi các hồ băng đổ tràn xuống. Do các con sông từ Himalaya được chia sẻ bởi các cường quốc hạt nhân từng đụng độ với nhau - Ấn Độ, Pakistan và Trung Quốc - nguy cơ chiến tranh vì nước là một hiểm họa không thể chối bỏ. “Tình trạng nóng lên trong 20 năm qua đang ngày càng nghiêm trọng” - Yao Tandong, trưởng Viện Nghiên cứu cao nguyên Tây Tạng của Trung Quốc, nói.

Tại Leh, một thị trấn nhỏ ở sườn dãy Himalay thuộc Ấn Độ, nếu không có băng tan từ các dòng sông, thật khó tưởng tượng nổi bất cứ gì có thể sinh sống được ở thị trấn với 27.000 người này. “Leh vẫn luôn phụ thuộc vào băng tan để sinh sống” - Nisa Khatoon, người điều hành văn phòng WWF ở Leh, nói.

zTvoph1P.jpgPhóng to
Người Led đưa nước cho khách hàng

Cộng đồng ở đây bắt đầu buộc phải thích nghi với những thay đổi mới. Chewang Norphel, một kỹ sư 74 tuổi ở Leh, đã phải xây dựng những dòng sông băng nhân tạo mới bằng các bể chứa để có thể gom và giữ lại các nguồn nước tan ra. Các bể băng này rộng khoảng 2.800m2. Nước thường đóng băng vào mùa đông và tan ra vào mùa xuân để có thể dùng tưới cho các vùng đồng lúa xung quanh.

Sáng kiến của ông giúp đối phó với nguồn nước ngày một thay đổi ở đây nhưng sẽ chẳng thể nào thay thế được nguồn nước từ các sông băng đang biến đi. “Tôi đã thấy những dòng sông băng biến đi trong đời mình. Tôi chẳng cần số liệu khoa học nào vì chính tôi là số liệu khoa học”.

Băng tan có thể thấy rõ ở nhiều nơi khác. Dòng sông băng nổi tiếng Khumbu, nằm ở gần con đường đi tới trạm base camp trên đường trèo lên đỉnh Everest, đã giảm tới 5km kể từ khi Tenzing Norgay và Edmund Hillary lần đầu lên tới đỉnh núi từ năm 1953.

Những người Sherpa nói việc trèo núi giờ khó lường và khó xác định được đường hơn bởi băng tan. Luôn luôn thường trực các mối nguy hiểm vỡ hồ băng cùng lũ quét vì tình trạng nhiệt độ nóng lên. Mỗi dòng sông băng tan có thể xả ra lượng nước lớn và có thể quét sạch nhiều ngôi làng trong dòng nước lũ, như từng xảy ra với dòng sông băng ở hồ Dig Tsho hồi năm 1985. “Đây là thảm họa rất hiện hữu và đang xảy ra ngày càng nhiều hơn” - Dawa Sherpa, một người dẫn đường kỳ cựu ở Everest, nói.

5JW5nQGE.jpgPhóng to
Khí hậu thay đổi ở Hyamalayas

Ở đất nước vùng cao như Nepal, tình trạng băng tan có thể thấy rõ hơn. Ở hạ lưu, nơi các cánh đồng và thành phố của Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan và Trung Quốc, những thay đổi đến từ từ hơn nhưng cũng sẽ thảm khốc hơn.

Theo ước tính của một nhà nghiên cứu Ấn Độ, sông băng là nguồn cung cấp khoảng 8,5 triệu m3 nước mỗi năm cho các dòng sông châu Á - tương đương với 50% lượng nước của các con sông lớn ở đây

Dù tình trạng ấm lên có thể làm lưu lượng sông tăng thêm trong thời gian đầu, giống như rút tiền từ một tài khoản có hạn, sẽ đến một ngày nước sông băng cạn kiệt. “Chính băng tan từ các sông băng là nguồn đảm bảo cho tưới tiêu. Tan băng đang là hiểm họa lớn nhất với an ninh lương thực mà chúng ta từng thấy”.

Vấn đề này đồng thời là hiểm họa với an ninh toàn cầu. Ở các nước đang phát triển như Trung Quốc và Ấn Độ, tăng trưởng đồng nghĩa với nhu cầu lớn hơn - thậm chí là tranh giành - về nước. Đây là điều có thể gây ra những xung đột quốc tế. Các con sông từ Himalaya chạy dọc các đường biên giới quốc tế và thường đi qua nhiều nước.

Hiện Trung Quốc đã bị nhiều quốc gia trong khu vực chỉ trích vì việc xây dựng nhiều con đập dọc sông làm thay đổi luồng lạch nguồn nước ở dưới hạ lưu.

THANH TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên