Phóng to |
Việc làm lại giấy chủ quyền nhà phát sinh nhiều thủ tục nhiêu khê - Ảnh minh họa |
Theo bà Nga, bà đã đến UBND Q.11 nhiều lần mà vẫn chưa nộp được hồ sơ xin cấp lại giấy chủ quyền nhà. Mỗi lần, cán bộ nhận hồ sơ yêu cầu bổ sung một loại giấy tờ khác nhau. Lần đầu tiên, chị của bà Nga đến hỏi thủ tục thì được ông Huỳnh Minh Nghĩa, cán bộ tiếp nhận hồ sơ Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất Q.11, hướng dẫn phải có đơn cớ mất, đơn xin cấp lại giấy chủ quyền của chủ nhà.
Mấy ngày sau, bà Nga đem hồ sơ có đơn cớ mất giấy chủ quyền nhà do bà Bích viết có xác nhận của Công an P.8, đơn xin cấp lại giấy chủ quyền và các tờ khai đóng tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ đến nộp. Lúc này, ông Nghĩa lại hướng dẫn chủ nhà phải trực tiếp đến nộp hồ sơ hoặc ủy quyền cho người khác thì mới được tiếp nhận.
Lần thứ ba, bà Nga mang theo giấy ủy quyền của chủ nhà để nộp hồ sơ nhưng ông Nghĩa lại yêu cầu chủ nhà phải làm đơn tường trình xác nhận sự việc mất giấy chủ quyền là có thật và cam kết không thế chấp giấy chủ quyền nhà. Bà Nga cho rằng thủ tục cấp đổi lại giấy chủ quyền theo nghị định 88 về cấp giấy chủ quyền không yêu cầu đơn này nên không làm và lần thứ tư bà đến nộp hồ sơ ông Nghĩa không nhận.
Bà Nga đến lần thứ năm với đầy đủ hồ sơ như ông Nghĩa yêu cầu nhưng trong đơn xin cấp đổi giấy chủ quyền nhà không ghi đầy đủ những thông tin về nhà, đất ở mục 4 và 5. Bà Nga cho rằng hai mục này yêu cầu ghi những thông tin về nhà, đất thay đổi (nếu có) nhưng nhà của cha bà không thay đổi nên bà không cần ghi. Ông Nghĩa yêu cầu bà Nga viết xác nhận về việc bà không khai những thông tin tại mục 4 và 5 ở phần cuối đơn xin cấp lại giấy chủ quyền nhà nhưng bà Nga không đồng ý.
Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Minh Nghĩa xác nhận đã tiếp và hướng dẫn người nhà ông Chấn làm hồ sơ xin cấp lại giấy chủ quyền nhà nhiều lần như trên. Nếu ngay từ lần đầu tiên, ông Nghĩa hỏi rõ sự việc và hướng dẫn cụ thể thì người dân chỉ đến UBND quận hai lần là có thể nộp được hồ sơ.
Trả lời thắc mắc của bà Nga rằng tại sao chủ nhà phải tường trình việc mất giấy chủ quyền nhà và cam kết không thế chấp giấy chủ quyền nhà trong khi quy định hiện hành không yêu cầu, ông Nghĩa giải thích: “Trường hợp này do người làm đơn cớ mất giấy tờ không phải là chủ nhà nên chủ nhà phải làm tường trình để xác nhận việc mất giấy tờ là có thật. Phải làm như vậy để tránh trường hợp người khác làm đơn cớ mất và xin cấp lại giấy chủ quyền nhà mới trong khi chủ nhà đang giữ giấy chủ quyền nhà”. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng trong trường hợp này chủ nhà đã ủy quyền cho người khác thay mình nộp hồ sơ xin cấp lại giấy chủ quyền nhà là chủ nhà đã biết rõ vụ việc, không cần phải tường trình.
Theo ông Lê Văn Nhàn - giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất Q.11, đã có nhiều trường hợp chủ nhà đem thế chấp giấy chủ quyền nhà để vay tiền rồi xin cấp lại giấy chủ quyền khác, nên phải yêu cầu chủ nhà cam kết không thế chấp giấy chủ quyền nhà để chủ nhà phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về lời khai mất giấy tờ của họ.
Không nên đặt thêm thủ tục để hành dân Luật sư Trần Công Ly Tao (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng nghị định 88 của Chính phủ quy định thủ tục xin cấp lại giấy chủ quyền nhà chỉ có ba loại giấy tờ: đơn xin cấp lại giấy chủ quyền, giấy tờ xác nhận việc mất giấy chủ quyền của công an cấp xã nơi mất giấy tờ và giấy tờ chứng minh đã đăng báo về vụ việc. Nghị định 88 đã quy định như vậy thì cán bộ không được yêu cầu dân nộp thêm các loại giấy khác để “hành” dân. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận