Từng cận kề nguy hiểm tính mạng, bị đánh trọng thương đến hư một con mắt, nhưng với ý chí, nghị lực, anh Nguyễn Nhất Chung đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, quyết bám rừng, bám chốt bảo vệ rừng.
Buổi tối kinh hoàng 3 năm trước
Ngồi dưới tán cây neem (còn được gọi là xoan Ấn Độ, cây sầu đâu) trước Trạm quản lý bảo vệ rừng Phước Diêm, do Ban quản lý rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam quản lý, anh Chung kể lại câu chuyện kinh hoàng ập đến với anh cách đây 3 năm.
Đầu tháng 4-2021, anh được điều động tới chốt lưu động bảo vệ rừng tại mũi Sừng Trâu trên tuyến đường ven biển Mũi Dinh - Cà Ná để phối hợp với các lực lượng tuần tra, truy quét việc khai thác, vận chuyển trái phép lâm sản trên địa bàn huyện Thuận Nam.
"Khoảng 7h tối 4-4-2021, tôi đi xe máy đến chốt trực thì có 3 - 4 thanh niên chạy xe máy với tốc độ cao đuổi theo. Thấy nguy hiểm, tôi đã quay đầu xe về trạm để báo cáo thì bất ngờ những người này chặn đầu, pha đèn vào mắt tôi. Tiếp đó họ dùng hung khí tấn công vào vùng mặt khiến tôi bất tỉnh" - anh Chung nhớ lại.
Khi tỉnh lại, anh Chung mới biết mình bị trọng thương: gãy xương hàm, hỏng mắt bên trái.
Sau sự việc xảy ra, anh Chung phải trải qua 5 lần phẫu thuật và phải xa rừng hơn 1 năm.
"Sau 5 lần phẫu thuật, tôi vẫn còn 3 ốc vít cố định xương hàm và trán. Biết mình bị mất vĩnh viễn một con mắt, tôi vô cùng đau khổ. Người mẹ 70 tuổi khóc suốt ngày đêm, vợ thì phải nghỉ làm ở nhà chăm tôi" - anh Chung tâm sự.
Điều khiến anh Chung còn bức xúc là đã gần 4 năm trôi qua nhưng những kẻ gây thương tích nghiêm trọng, khiến anh mất một con mắt vẫn chưa được tìm ra và trừng trị trước pháp luật.
Nhớ rừng
Sau khi phẫu thuật, anh Chung được chuyển về nhà để tiếp tục điều trị, nhưng do di chứng khiến anh phải ra vào bệnh viện ở TP.HCM mỗi năm 2 lần để tái khám, lấy thuốc.
Điều an ủi lớn nhất đối với anh Chung là suốt những ngày tháng nằm điều trị ngoại trú, lãnh đạo đơn vị, đồng nghiệp luôn ở bên cạnh, hỗ trợ mọi thứ có thể, từ chi phí điều trị đến công việc hằng ngày.
Do sức khỏe hạn chế nên anh Chung không còn được đi rừng, đơn vị sắp xếp công việc phù hợp ở Trạm quản lý bảo vệ rừng Phước Diêm cho anh.
"Nhiều khi đang ngồi ăn cơm với anh em ở trạm, nghe nguồn tin báo có người vào rừng đào cây cảnh, vận chuyển lâm sản trái phép, theo quán tính, tôi vứt chén, đứng lên khoác vào bộ áo ngành. Nhưng rồi chợt nhớ sức khỏe của mình..." - anh Chung xót xa bỏ lửng câu nói.
Bây giờ, anh Chung chỉ tham gia công tác tuần tra bảo vệ rừng tại một số địa điểm gần. Ngoài ra, anh còn tích cực tham gia các hoạt động, phong trào do đơn vị, địa phương tổ chức.
Công an gặp khó khăn trong điều tra vụ gây trọng thương cho anh Chung
Ông Trần Ngọc Hiếu - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận - cho biết khoảng 3 năm trở lại đây, tại Ninh Thuận xảy ra liên tiếp hàng chục vụ tấn công lực lượng bảo vệ rừng.
"Trong đó vụ việc của anh Chung là nặng nhất. Vụ việc này đến nay vẫn chưa tìm ra các đối tượng gây án để xử lý. Chúng tôi mong cơ quan điều tra sớm tìm ra các đối tượng gây án nhằm đảm bảo an toàn cho lực lượng bảo vệ rừng" - ông Hiếu nói.
Tại cuộc họp báo do UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức mới đây, phóng viên Tuổi Trẻ Online đã đặt câu hỏi về kết quả điều tra vụ tấn công gây trọng thương cho anh Nguyễn Nhất Chung.
Trả lời, thiếu tá Trần Hoàng Nguyên Vũ - phó trưởng Phòng tham mưu Công an tỉnh Ninh Thuận - cho biết do thời điểm xảy ra vụ việc trời tối, lại không có camera ghi lại hình ảnh của các nghi can gây thương tích cho anh Chung như anh trình bày, nên trong quá trình điều tra gặp nhiều khó khăn.
"Hiện nay vụ án vẫn đang trong thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo quy định của pháp luật thì thời hạn của vụ án là 15 năm. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Thuận Nam vẫn đang phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân huyện giải quyết vụ việc" - đại diện lãnh đạo Công an tỉnh Ninh Thuận nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận