Nhiều bạn trẻ tìm cơ hội kiếm thêm thu nhập bằng nghề viết lách, nhưng... - Ảnh minh hoạ: NGỌC NHI
Học về báo chí - truyền thông, Minh Trâm (20 tuổi) ngay từ năm nhất đại học đã tìm việc làm nhằm trang trải thêm cho cuộc sống xa nhà. Lúc bấy giờ, Trâm nhận viết bài cho một cửa hàng bán phụ kiện thời trang ở quận 9 (TP.HCM) với mức giá 15.000 đồng/bài.
Theo lời chị quản lý cửa hàng, để bài viết chất lượng, Trâm phải đến cửa hàng thường xuyên để cảm nhận sản phẩm rõ hơn. Mỗi ngày, cô phải viết 3-4 bài với độ dài 1.000 chữ, hoàn toàn không được sao chép câu chữ từ nguồn nào.
Làm việc được hai tuần, Minh Trâm ngỏ ý xin nhận nhuận bút thì người quản lý "giam" tất cả những bài mà cô đã viết. Trâm chưa được nhận tiền vì bài chưa được đăng. Đến tuần thứ ba, Trâm quyết định xin nghỉ. Gọi điện không nghe máy, thậm chí đến tận công ty nhưng Minh Trâm vẫn không hề nhận được số tiền từ hơn 40 bài viết mà mình đã thực hiện.
Khổ sở hơn, Thu Thảo, từng là cộng tác viên viết bài cho trang thương mại điện tử thuộc một công ty có tiếng, cũng bị giật nhuận bút. Công việc của Thảo là viết bài cho các sản phẩm đăng bán trên trang, với yêu cầu từng mẫu mã, màu sắc, kích thước… khác nhau thì phải có nội dung bài viết khác nhau hoàn toàn, với nhuận bút 10.000 đồng/bài.
Tuy số tiền thấp so với yêu cầu công việc, nhưng có vị trí rõ ràng và đào tạo nên Thu Thảo không mấy nghi ngại. Hai ngày đầu, Thảo cố gắng viết được hơn 10 bài và bắt đầu cảm thấy áp lực. Quản lý nhóm cộng tác viên thông báo rằng: nếu viết dưới 10 bài/ngày sẽ bị cho thôi việc.
Vài ngày sau, cô bị cho thôi việc, phía công ty hứa sẽ trả tiền nhuận bút sau. "Tới ngày vẫn chưa nhận được tiền nên mình có nhắn tin hỏi chị quản lý thì mới tá hỏa rằng bài viết không đạt chất lượng nên mình không nhận được tiền. Mọi thứ đều mập mờ và không cụ thể", Thảo chia sẻ.
Thu Thảo đôi co với người quản lý nhưng vẫn không đòi được đồng nào - Ảnh nhân vật cung cấp
Vỡ lẽ nghề buôn chữ
Thử tìm việc trên các nhóm Facebook, tôi được một công ty quảng cáo mới thành lập tại đường Đình Phong Phú (quận 9, TP.HCM) mời đến phỏng vấn cho vị trí bán thời gian với mức lương 2,5 triệu đồng/tháng. Chiều ngày 31-10, chị T., tự xưng là người điều hành công ty, trực tiếp phỏng vấn.
"Chị từng đi làm content cho nhiều công ty lớn nhỏ, chị hiểu và thương cho những người như mình, chật vật vì con chữ mà tiền nong còn bị ăn chặn. Bởi vậy chị mới lập công ty riêng, bước đầu tuyển người trẻ như em để nâng đỡ từ từ", chị T. khẳng định.
Chị còn hứa, ngoài lương cứng, mỗi đợt hoàn thành tốt các chiến dịch truyền thông, tôi sẽ được nhận thêm tiền thưởng tùy thành tích công việc. Cuối buổi, chị yêu cầu tôi viết hai bài PR về nước mắm truyền thống để kiểm tra trình độ.
Sau khi gửi hai bài kiểm tra, chị T. đồng ý và hẹn ngày 6-11 sẽ giao việc chính thức. Nhưng trong lúc chuẩn bị đến công ty, tôi nhận được tin nhắn dời ngày hẹn. Những ngày sau, dù tôi cố gắng liên lạc bằng nhiều cách nhưng chị T. vẫn biệt vô âm tín.
Theo tìm hiểu trên các nhóm dành riêng cho dân content, việc lừa viết bài kiểm tra không phải hi hữu. Có những người dùng kể, mỗi ngày lừa 7-8 ứng viên như thế là có thể đáp ứng đủ lượng bài cần có, mà tiền vẫn đầy ví.
Viết content còn đòi hỏi về chuẩn SEO (tối ưu hóa nội dung theo từ khóa để có được thứ hạng cao trên các bộ máy tìm kiếm). Vì thế mâu thuẫn giữa chất lượng bài viết và dàn trải từ khóa đạt chuẩn SEO là điều nhiều bạn trẻ làm nghề content phải đối mặt hàng ngày.
Bích Vân (21 tuổi), từng làm nhân viên viết bài SEO cho một trang web về chụp ảnh cưới, đã nghỉ việc vì lí do trên. "Ban đầu, mình tưởng viết bài theo từ khóa là hay ho, kỹ năng viết của mình sẽ được nâng cao. Nhưng đến khi làm mình mới vỡ lẽ", Vân chia sẻ.
Thích viết văn từ khi còn là học sinh, Bích Vân theo đuổi nghề viết lách và luôn trân trọng con chữ. Vì thế, cô nàng khó cân bằng được chất văn với việc dàn trải từ khóa đạt chuẩn SEO. Muốn bài viết hay, có chiều sâu, chuẩn SEO của bài thấp và ngược lại. Mâu thuẫn này càng ngày càng lớn khiến Vân phải tìm cho mình một công việc phù hợp hơn.
Những bạn trẻ làm content cho các agency (các công ty cung cấp dịch vụ truyền thông tiếp thị cho các công ty khác) còn phải đối mặt với áp lực lớn từ khách hàng. Ý của khách hàng có thể thay đổi tùy lúc, bắt buộc người viết phải liên tục sửa đổi bài đến khi họ hài lòng.
Những lúc như thế, Bảo Hoàng, nhân viên content của một trung tâm ngoại ngữ, cho rằng người viết nội dung cần "vùng lên". Cậu chia sẻ: "Người ta gọi dân content là dân buôn chữ. Chữ như con của mình. Vì thế, mình không muốn những đứa con của mình bị coi thường hoặc bán rẻ".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận