30/12/2014 12:39 GMT+7

​Bi hài “ma men” bị đo nồng độ cồn

LÂM HOÀI - ÐỨC THANH - MAI HOA
LÂM HOÀI - ÐỨC THANH - MAI HOA

TT - Theo chân tổ công tác, phóng viên Tuổi Trẻ ghi nhận nhiều tình huống bi hài khi các “ma men” đối phó với việc đo nồng độ cồn...

Người vi phạm cố tình chây ì không thổi vào máy hoặc thổi không đúng cách khi CSGT kiểm tra nồng độ  cồn tại Hà Nội - Ảnh: Lâm Hoài
Chúng ta thường nói ra sức ngăn ngừa tội phạm hình sự để mang lại sự bình yên cho người dân, nhưng nếu số người chết vì tai nạn giao thông không được giảm thiểu thì chưa thể gọi là bình yên được
Đại tá ĐÀO VỊNH THẮNG

Trong những ngày ra quân kiểm tra nồng độ cồn của các tài xế vào những ngày cuối năm 2014, CSGT Hà Nội, TP.HCM đã phát hiện và xử phạt hàng trăm trường hợp vi phạm, tạm giữ hàng trăm ôtô, xe máy.

Theo chân tổ công tác, phóng viên Tuổi Trẻ ghi nhận nhiều tình huống bi hài khi các “ma men” đối phó với việc đo nồng độ cồn...

“Chỗ anh T., anh C. ấy mà”

Tối 17-12 tại ngã tư Hào Nam - Ðê La Thành (Q.Ðống Ða, Hà Nội), người đàn ông trung niên lảo đảo bước từ lòng đường lên vỉa hè, vừa đi vừa kéo tay, giật gấu áo liên hồi một chiến sĩ CSGT, miệng không ngừng thao thao: “Chú chỗ anh T., anh C. ấy mà, phạt làm gì...”. Ít phút trước đó, người này bị tổ kiểm tra nồng độ cồn đội CSGT số 3 (Phòng CSGT Công an Hà Nội) dừng kiểm tra phương tiện vì có dấu hiệu sử dụng rượu bia khi lái xe.

Người đàn ông trên nói đang làm việc cho một đơn vị trực thuộc một bộ và giải thích vừa rời nhà hàng dự tiệc cưới. “Chú biết sai rồi, chú đi ăn cưới có uống một chút thôi mà, có gì đâu” - vị này thanh minh.

Tuy nhiên, “một chút thôi” mà người đàn ông cố thanh minh với tổ công tác khi qua ống thổi đã cho kết quả tận 0,337mg/lít khí thở (mức vi phạm là từ 0,25- <0,4mg/lít khí thở).

“Mình kiên quyết người ta sẽ phật ý, nhưng rõ ràng ngoài việc tuân thủ quy định pháp luật thì việc tạm giữ xe lúc này rất cần thiết. Ðể chú ấy lái xe về trong tình trạng lảo đảo này không ai dám chắc chuyện nguy hiểm gì sẽ xảy ra trên đường” - trung úy Doãn Hữu Văn, tổ trưởng tổ công tác, nói.

30 phút sau, cũng tại nút giao thông này, chiếc Camry có dấu hiệu vượt đèn đỏ rẽ vội về hướng đường Ðê La Thành.

Ngay lập tức hai chiến sĩ CSGT xuất hiện “áp tải” xe về chốt kiểm tra.

Thay vì xuất trình giấy tờ xe như yêu cầu của tổ công tác, tài xế nhất quyết không mở cửa xe, còn người ngồi ở ghế phụ lảo đảo bước xuống bá vai một CSGT: “Anh biết anh sai rồi, anh nói là anh xin, bọn anh đều ở bên chỗ anh X. (cán bộ một đội CSGT trên địa bàn - PV) cả”.

Sau đó người này gọi điện thoại cho ai đó rồi “ép” tổ trưởng tổ công tác nghe máy nhưng “lời đề nghị khiếm nhã” này bị từ chối...

uối cùng, các CSGT thuyết phục được tài xế xuống xe để đo nồng độ cồn. Tuy nhiên phải đến hơn 10 lần thổi dưới sự giải thích cặn kẽ của CSGT, máy mới cho kết quả.

Với kết quả nồng độ cồn vượt quá mức quy định nhiều lần, chiếc xe bị tổ công tác lập biên bản tạm giữ. Trước khi lên taxi rời khỏi hiện trường, hai người đàn ông còn ngoái lại văng tục...

23g ngày 27-12, đội cảnh sát giao thông Công an Q.8 (TP.HCM) ra quân kiểm tra, xử lý người chạy xe gắn máy vi phạm nồng độ cồn trên tuyến đường Tạ Quang Bửu (P.5, Q.8).

Ðây là đường có nhiều quán nhậu và cũng là đường dân nhậu thường đi ngang qua sau khi đã “tới bến” tại các quán nhậu trên đường Phạm Hùng, quốc lộ 50, Bông Sao. Chỉ trong khoảng 1 giờ 30 phút, tổ công tác đã kiểm tra gần 20 trường hợp, trong đó có tám trường hợp bị lập biên bản, tạm giữ xe do vi phạm nồng độ cồn.

Ðồng hồ đã chỉ sang ngày mới. Một chiếc xe máy loạng choạng từ xa chạy tới. Một nam thanh niên áo đen bước xuống, mặt tái mét, nồng nặc hơi men. Cô bạn gái bước lên vỉa hè đứng lùi vào một góc.

Lát sau, một “chiến hữu” của hai người này cũng bị CSGT dừng xe để kiểm tra. CSGT yêu cầu người áo đen (tên T.A.T., 19 tuổi, quê Hậu Giang) thổi vào máy kiểm tra nồng độ cồn và hướng dẫn rất tỉ mỉ nhưng cậu chàng không chịu thổi. Cậu liên tục gọi điện cho một người nào đó rồi đưa máy năn nỉ CSGT nói chuyện.

Không được đáp ứng, T. qua chỗ bạn gái thầm thì rồi rút tiền dúi vào tay CSGT. Bị cảnh cáo về hành vi hối lộ và không chấp hành mệnh lệnh, T. mới miễn cưỡng đồng ý thổi.

Tuy nhiên, cậu cứ ngậm tịt lấy ống thở, cột đo trên máy không hề nhúc nhích. Ðến lần thứ năm, khi CSGT chuẩn bị lập biên bản về hành vi chống đối, anh bạn cùng hội với T. liền chạy tới “cứu” bạn bằng cách xin thổi trước...

Kết quả đo nồng độ cồn của anh này là 0,578 mg/lít khí thở. Sau đó, T. cũng chấp nhận thổi vào máy và kết quả đo được là 0,640 mg/lít khí thở. Sau khi bị lập biên bản, tạm giữ xe, ba người đi bộ về mà miệng còn lầm bầm chửi rủa.

Nhiều ca “khó đỡ”

Trung úy Doãn Hữu Văn (đội CSGT số 3, Phòng CSGT Công an Hà Nội) cho biết hầu hết người say xỉn đều mất kiểm soát trong hành vi, lời nói. “Nhiều người còn quát tháo, có nhiều lời lẽ không hay với tổ công tác, thậm chí là... đe dọa” - anh Văn kể. Trung úy Văn nhớ lại trong ngày đầu ra quân kiểm tra trên đường Láng (Q.Ðống Ða), tổ công tác đã gặp phải tình huống “khó đỡ” khi một thanh niên say xỉn ra điều kiện cho CSGT: “Nếu các ông không tha, tôi sẽ uống nước cống cho coi”.

Tuy nhiên, anh em trong tổ công tác đều được tập huấn kỹ về nghiệp vụ nên có cách xử trí phù hợp, hiệu quả. “Vừa cương quyết vừa khuyên bảo nhẹ nhàng, cứ kiên trì một lúc lâu khi hơi men vơi bớt người vi phạm sẽ chấp hành” - trung úy Văn chia sẻ. Thậm chí gặp trường hợp người lái xe say xỉn quá, tổ công tác phải vẫy taxi hoặc tìm cách liên hệ với người thân để đưa về nhà nhằm đảm bảo an toàn.

Thiếu tá Hồ Ðình Hải - phó đội trưởng Ðội cảnh sát giao thông Công an Q.8 - cho biết kiểm tra nồng độ cồn vào đêm khuya rất phức tạp, nhiều người say xỉn thường chống đối không hợp tác. Cách đây chưa đầy nửa tháng, trên địa bàn quận Q.8, một người đàn ông say xỉn đã xông vào tổ công tác, giật cúc áo, chửi bới lực lượng đang làm nhiệm vụ.

Ngoài ra những biểu hiện “cù nhây” của người vi phạm như thách thức sự kiên nhẫn của những người làm nhiệm vụ. “Việc bị chửi bới, la lối, đe dọa, xúc phạm... gần như là chuyện bình thường. Nếu không có kinh nghiệm ứng phó, nghe là “nóng máu” lên ngay. Chúng tôi lúc nào cũng phải nhớ là mình đang làm nhiệm vụ và họ là những người say” - một trung úy CSGT cho biết.

Xử nghiêm vì bình yên cho người dân

“Mang lại sự bình yên cho người dân thủ đô” - đó là câu nói mà đại tá Đào Vịnh Thắng (trưởng Phòng CSGT Công an Hà Nội) nhấn mạnh với chúng tôi nhiều lần khi đề cập về mục đích của kế hoạch ra quân kiểm tra nồng độ cồn. Theo ông Thắng, người say xỉn sẽ mất kiểm soát ý thức lẫn hành vi, do đó khi điều khiển xe là ẩn họa khôn lường cho những người xung quanh.

Theo Phòng CSGT Công an Hà Nội, từ nay đến hết Tết Nguyên đán sắp tới, các tổ công tác thuộc 13 đơn vị CSGT và 15 tổ công tác liên ngành 141 sẽ tập trung cao độ xử lý vi phạm về sử dụng rượu bia. Ngoài lực lượng chốt trực công khai sẽ có các lực lượng hóa trang bí mật “ém” tại các khu vực lân cận quán nhậu để báo cho lực lượng công khai xử lý các trường hợp vi phạm.

Vừa qua, chỉ sau một tuần ra quân, lực lượng CSGT Hà Nội đã xử lý gần 200 trường hợp vi phạm, tạm giữ hơn 10 ôtô, trên 170 xe máy, xử phạt hành chính gần 300 triệu đồng...

LÂM HOÀI - ÐỨC THANH - MAI HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên