Đạo diễn Việt Tú (trái) trao đổi với luật sư Phan Cẩm Tú tại hội thảo
Điều này phản ánh đúng thực trạng về việc thực thi Luật sở hữu trí tuệ tại Việt Nam hiện nay.
Tại hội thảo, khi các nạn nhân bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ kể về hành trình đi tìm công lý, cả hội thảo đã cười ồ vì có nhiều chuyện quá sức bi hài xảy đến với nạn nhân. Những tiếng cười không chỉ bày tỏ sự đồng cảm, mà còn như một cái tặc lưỡi "việc này xảy ra như cơm bữa tại Việt Nam".
Xuất hiện tại hội thảo với tư cách một diễn giả, đạo diễn Việt Tú ban đầu có ý tránh câu hỏi: "Anh nghĩ thế nào về ý thức bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các nghệ sĩ Việt Nam?". Bị hỏi đến lần hai, đạo diễn này nói: "Nếu ý thức của tất cả đều tốt, thì chúng tôi đã không phải đứng tại đây".
Vị đạo diễn này cho biết từ những năm 2000 anh đã tìm đến Cục Bản quyền để đăng ký bản quyền cho các chương trình mình sáng tạo ra.
"Tôi từng học quản trị nghệ thuật ở New York nên rất hiểu ý nghĩa của Luật sở hữu trí tuệ. Chỉ cần xem những bộ phim bom tấn của Mỹ, đến Disney Land thấy các nhân vật trong phim tiếp tục có một đời sống khác, rồi các sản phẩm ăn theo được bán ra, và phần chia dành cho các tác giả cũng rất rõ ràng... sẽ thấy nền công nghiệp giải trí của họ phát triển như thế nào. Tôi cũng ước mong đến ngày Việt Nam mình có môi trường sáng tạo như thế".
Họa sĩ Đinh Công Đạt cho biết anh nhiều lần bị vi phạm bản quyền và dù có kiện thì cũng chỉ tốn tiền, tốn công
Họa sĩ Đinh Công Đạt tham dự chương trình đã chia sẻ rất thành thật: "Trước kia Việt Tú từng dặn tôi phải giữ kín ý tưởng, nói ra sẽ bị copy ngay. Lúc đó tôi trả lời: Nó copy mình sẽ làm cái mới, lo gì".
Nhưng sau này khi phải đích thân đi kiện, Đinh Công Đạt mới thấm thía nỗi nhọc nhằn. "Tôi là người bị vi phạm bản quyền, mất tiền thuê luật sư, bỏ thời gian công sức đi kiện, nhưng kết quả là kẻ ăn cắp chẳng làm sao cả. Thậm chí người ta còn khuyên tôi: Thôi tay đó nghèo, bỏ qua đi", Đinh Công Đạt nói.
Tham gia hội thảo, luật sư Quách Minh Trí (Công ty Baker & Mckenzie) chia sẻ thông tin: "Quyền sở hữu trí tuệ là vô hình. Bản chất của quyền này là: Một người tuyên bố đây là tác phẩm của tôi, và tác phẩm đó được nhà nước công nhận. Nếu người chủ không tuyên bố và nhà nước không công nhận thì sẽ có khả năng một kẻ trộm nào đó đứng ra tự công bố đó là tác phẩm của anh ta".
Do đó luật sư này khuyên bất kỳ ai sở hữu các sản phẩm sáng tạo đều phải có ý thức công bố, đơn cử như đi đăng ký bản quyền, hoặc sử dụng các hình thức công bố khác. Đây là căn cứ pháp lý rất quan trọng giúp thân chủ chứng minh các loại quyền của mình đối với tác phẩm nếu xảy ra tranh chấp.
Ngoài ra luật sư này cũng khuyên các cá nhân nên tìm đến các hiệp hội bảo vệ tập thể để được bảo vệ. "Lĩnh vực âm nhạc, văn học đã có Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam... Tôi hi vọng các lĩnh vực khác sẽ có thêm các hiệp hội bảo vệ", luật sư Quách Minh Trí nói.
Hội thảo Bảo vệ tài sản sáng tạo do Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ, AnSinh Group và IPCom Vietnam phối hợp tổ chức.
Luật sư Phan Cẩm Tú: "20 năm trước tôi cố gắng kêu gọi Chính phủ Việt Nam lập tòa án Sở hữu trí tuệ theo cách của Thái Lan đã từng làm. Thời đó có thẩm phán nói thôi làm gì có việc mà làm. Nhưng bây giờ mọi việc đã khác, tôi mừng vì thấy nhiều thay đổi".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận