28/10/2019 06:36 GMT+7

Bi hài dính tội xâm phạm chỗ ở - Kỳ 2: Lục nhà con nợ, phá nhà mẹ kế

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TTO - Ông Đạt rút dao ra, nói với con nợ: "Bây giờ tiền bạc tính sao, có trả hay không?". Vợ chồng con nợ nói không có tiền, không tin thì cứ lục nhà. Nghe vậy, ông Đạt liền bảo vợ con đi lục tung cả căn nhà con nợ...

Bi hài dính tội xâm phạm chỗ ở - Kỳ 2: Lục nhà con nợ, phá nhà mẹ kế - Ảnh 1.

Vụ án khá hi hữu xảy ra tại TP Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận khi một cặp vợ chồng cho người quen mượn tiền nhưng người này không trả nên họ đến nhà người này lục lọi. Một vụ án khác xảy ra ở tỉnh Hưng Yên khi hai người phụ nữ đập nhà của mẹ kế để xây dựng căn nhà mới làm nơi thờ tự vì họ nghĩ đất và nhà này do cha mẹ ruột mình tạo dựng, mẹ kế chỉ là người ở nhờ.

Cách nghĩ và hành động tưởng chừng đơn giản trên khiến họ bị pháp luật trừng trị vì đã xâm phạm chỗ ở người khác.

Lục lọi nhà con nợ

Vợ chồng bà Quách Cẩm Dung và ông Đỗ Thành Đạt đều là nông dân tại phường Đài Sơn, TP Phan Rang - Tháp Chàm. Thời điểm vướng vòng lao lý, ông Đạt và bà Dung đều đã hơn 60 tuổi.

Theo hồ sơ vụ án, gần trưa 14-12-2016, vợ chồng ông Đỗ Thành Đạt và con gái đến nhà bà Nguyễn Thị Kim Chi, trú tại khu phố 6, TP Phan Rang - Tháp Chàm, để đòi nợ. Trước khi đi, ông Đạt chủ động lấy dao Thái Lan với mục đích đe dọa, khống chế, tạo điều kiện để vợ và con xông vào lục hết tất cả đồ đạc trong nhà nhằm xem có tiền để lấy lại. Ý định này ông Đạt không nói cho vợ con biết. Khi vô tới căn hộ chung cư mà gia đình bà Chi đang ở, ông Đạt rút dao từ trong túi quần ra và nói: "Bây giờ tiền bạc tính sao, có trả hay không?", còn bà Dung lớn tiếng với vợ chồng bà Chi và yêu cầu trả tiền.

Vợ chồng bà Chi trả lời không có tiền và nói không tin thì cứ lục lọi trong nhà mà tìm. Nghe vậy, ông Đạt liền bảo vợ con đi tìm trong nhà xem có tiền không. Bà Dung và con gái liền tìm kiếm trong tủ quần áo, ngoài phòng khách nhưng không thấy gì cả.

Khi đó, con gái bà Chi cầm điện thoại định gọi cho người khác cầu cứu nên bà Dung giật điện thoại, đồng thời cầm luôn 3 chiếc điện thoại di động còn lại nhằm ngăn chặn gia đình bà Chi gọi người đến cứu. Không tìm được tiền trong nhà bà Chi, nên vợ chồng ông Đạt - bà Dung về. Trước khi ra về, bà Dung đã trả lại một chiếc điện thoại di động và yêu cầu gia đình bà Chi phải có kế hoạch trả nợ, chứ không để vợ chồng bà tiếp tục đến đòi.

Sau khi về đến nhà, bà Dung nói với ông Đạt việc đã lấy mấy cái điện thoại của nhà bà Chi với mục đích để nhà bà Chi không gọi được điện thoại cho ai nữa. Do đó, ông Đạt và bà Dung mang điện thoại lên giao nộp cho công an. Buổi chiều, vợ chồng ông Đạt bị công an mời đến lấy lời khai và sau đó cả hai cùng bị khởi tố tội "xâm phạm chỗ ở công dân" theo Bộ luật hình sự 1999.

Tại phiên tòa, phía bị hại không có mặt nhưng có đơn yêu cầu bãi nại, còn vợ chồng ông Đạt - bà Dung thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. HĐXX cho rằng hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội vì đã trực tiếp xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, nơi sinh sống của công dân, gây mất trật tự trị an tại địa phương. Vì vậy, HĐXX thấy cần thiết phải xử phạt các bị cáo mức án tương ứng với lỗi.

Theo HĐXX, nguyên nhân dẫn đến việc các bị cáo Đạt, Dung phạm tội "xâm phạm chỗ ở của công dân" là do có bức xúc việc bà Chi nợ tiền nhưng không trả, do vậy tòa xử phạt hai bị cáo mức án cải tạo không giam giữ.

Phá nhà mẹ kế, bị tù

Vụ án do TAND tỉnh Hưng Yên vừa xét xử phúc thẩm. Theo bản án sơ thẩm, ông Phạm Văn Tâm (mất năm 2000) có vợ là bà Hoàng Bá Hiền (sinh năm 1915, mất năm 2012). Bà Hiền và ông Tâm sinh được 7 người con gái.

Vào năm 1974, ông Tâm có quan hệ chung sống như vợ chồng với bà Nguyễn Thị Hiếu và sinh được hai con trai là anh Dũng và anh Quỳnh. Sau khi bà Hiếu về sống với ông Tâm thì gia đình xây lại căn nhà lớn với bốn gian. Cả đại gia đình ông Tâm gồm: ông Tâm, 2 bà vợ và 9 người con cùng chung sống tại căn nhà bốn gian trên thửa đất của gia đình ở tỉnh Hưng Yên.

Sau khi các con lớn lên, ông Tâm dựng vợ, gả chồng cho con. Trong đó 7 người con gái của ông Tâm và bà Hiền đi lấy chồng, làm dâu và sinh sống tại nhà chồng. Trước khi qua đời, ông Tâm sang tên mảnh đất mà gia đình đang sinh sống cho anh Dũng để anh lo thờ cúng tổ tiên.

Năm 2001, sau khi ông Tâm qua đời, anh Dũng được chính quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà đối với ngôi nhà do các bố mẹ (ông Tâm, bà Hiền, bà Hiếu) tạo dựng. Thời điểm này, anh Dũng vẫn sinh sống trong căn nhà trên cùng với hai bà mẹ của mình. Sau này, anh Dũng ra ở riêng thì nhượng lại mảnh đất này cho vợ chồng em trai ruột là anh Quỳnh.

Năm 2012, bà Hiền mất. Vợ chồng anh Quỳnh chuyển ra ở ngôi nhà khác gần đó để tiện công việc làm ăn, nhưng hằng ngày vẫn vào ngôi nhà cũ để ăn cơm, sinh hoạt cùng mẹ ruột là bà Hiếu. Đến năm 2013, hai người con gái của bà Hiền và ông Tâm là Phạm Thị Vân và Phạm Thị Chiến lấy lý do xây nhà thờ cho bố mẹ ruột nên đã đến đập phá ngôi nhà cũ là nơi mẹ kế của mình là bà Hiếu đang sinh sống.

Cả bà Vân và bà Chiến đều cho rằng căn nhà này do bố mẹ ruột họ tạo dựng, còn bà Hiếu là mẹ kế, chỉ ở nhờ nên không có quyền gì. Việc họ đập đi xây lại nhà mới làm nơi thờ tự là không sai. Sau đó, có sự can thiệp của chính quyền nên bà Vân và bà Chiến dừng lại.

Vì nghĩ đây là chuyện riêng của gia đình và giải quyết bằng tình cảm, nên cả bà Hiếu và anh Quỳnh đều không muốn làm lớn chuyện. Khi mọi việc tạm yên ổn, anh Quỳnh xây dựng lại trên nền đất cũ một căn nhà hai gian để bà Hiếu ở.

Đến năm 2015, lợi dụng khi bà Hiếu không có mặt ở nhà, bà Vân và bà Chiến đã đến chuyển toàn bộ đồ đạc gồm: hòm đựng thóc, tủ quần áo, bếp gas, bình gas, giường, tủ thờ... cùng nhiều đồ dùng sinh hoạt cá nhân của bà Hiếu ra ngoài đường khi chưa được sự đồng ý của bà Hiếu. Hay tin, bà Hiếu và con ruột về ngăn cản nhưng bà Vân và bà Chiến không dừng việc đập phá lại. Sau đó, hai chị em thuê máy xúc về ủi phẳng thửa đất rồi xây nên một ngôi nhà khác, khóa chặt cửa không cho bà Hiếu vào ở.

Bức xúc vì bị chiếm đất, phá nhà, anh Quỳnh làm đơn tố cáo hai chị gái về hành vi xâm phạm chỗ ở công dân và hủy hoại tài sản.

Qua điều tra, cơ quan công an chỉ khởi tố bà Vân và bà Chiến tội "xâm phạm chỗ ở công dân", còn việc tranh chấp về tài sản được xử lý bằng vụ án dân sự.

Trước đó, bản án sơ thẩm tuyên hai bị cáo Vân và Chiến mức án 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội "xâm phạm chỗ ở công dân", còn việc tranh chấp về tài sản thì các bên khởi kiện ra tòa dân sự để giải quyết theo trình tự thủ tục vụ án dân sự.

Không đồng ý, bà Hiếu và anh Quỳnh kháng cáo đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm tuyên trả đất và nhà cho bà Hiếu để bà sinh sống. Tuy nhiên, cấp phúc thẩm cho rằng hiện tại bà Hiếu đang ở với vợ chồng anh Quỳnh nên không bức thiết về chỗ ở. Do đó, tòa không chấp nhận kháng cáo của mẹ con bà Hiếu, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Tại tòa, cả bà Vân và bà Chiến nói rằng vì nghĩ đây là đất đai, nhà cửa do cha mẹ ruột mình tạo dựng nên, mẹ kế là bà Hiếu chỉ là người ở nhờ, không có quyền gì nên mới đập nhà cũ để xây lại nhà mới làm nơi thờ cúng cha mẹ ruột mình. Không ngờ hành vi của mình lại vi phạm pháp luật.

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên