"Tôi mới tiếp một cô bé mặc đồng phục nữ sinh lớp 9 đẩy chiếc xe đạp điện vô rón rén xin cầm. Cô bé lấy tay che tên mình trên phù hiệu, mặt thì xanh mét". Kể chuyện cầm đồ mùa banh bóng Euro 2024 đang nóng bỏng, Hoàng - chủ tiệm cầm đồ T.P. thâm niên trên đường tỉnh lộ 10 (quận Bình Tân, TP.HCM) - cười nói.
Hoàng tin chắc đây là lần đầu làm "chuyện ấy" của cô bé vì hoàn toàn không hiểu thủ tục gì, cứ lấy tay che tên mình trên phù hiệu ngực áo, trong khi quy định bắt buộc là phải đưa căn cước công dân rõ họ tên ra mới có thể được nhận cầm đồ.
Cô bé lớp 9 đi cầm xe đạp điện để cứu bạn trai
"Thấy cô bé như con gái mình, lại đang là học sinh hiền lành quá, nên tôi không nỡ cầm dù chiếc xe đạp điện cao lắm chỉ 1 triệu đồng. Gặng hỏi kỹ, bé mới tiết lộ chuyện bạn trai thua độ banh với bạn bè gì đó trên mạng bằng một chiếc xe đạp điện. Cậu ta không trả được, bên kia hăm tới tận nhà đòi. Sợ cha mẹ biết chuyện, la mắng nên cậu ta đang hoảng, cứ đòi bỏ nhà đi..." - Hoàng kể thêm cô bé và bạn trai đã đập ống heo nhưng vẫn chưa đủ tiền mua xe trả độ thua nên cô bé quyết định cầm chiếc xe đạp điện của mình để... cứu bạn trai.
Chủ tiệm cầm đồ có gần 20 năm thâm niên này kể mình từng trải đủ "cảnh đời" phải tìm đến. Người nghèo túng quá, gặp hồi thắt ngặt như cha mẹ bệnh, con đau đành phải xoay tiền nhanh, nhưng nhiều nhất vẫn là dân làm ăn lỗ lã, kẻ bài bạc, thua độ, kể cả các "ma lưu linh" cần tiền nhậu nhẹt mà cháy túi...
Tuy nhiên, trường hợp cô bé lớp 9 đi cầm đồ để giúp bạn trai cùng lớp thua cá độ đá banh thì Hoàng nói thiệt là mới gặp lần đầu, vừa thấy tức cười vừa tội nghiệp.
"Ban đầu tôi cũng tính nới tay cầm 2 triệu bạc và hạ lãi cho con bé, nhưng nghĩ lại cũng thấy tội nó, không chừng về nhà bị cha mẹ la rầy lớn chuyện. Cuối cùng, tôi chỉ chụp hình cái căn cước công dân và cho nó mượn tiền không lãi. Con nhỏ bằng y tuổi con gái mình. Mà thiệt, đây cũng là lần đầu tôi làm chuyện này. Tụi nhỏ cũng uy tín, đúng tuần sau đã ra trả được 700.000, rồi hứa ba tuần nữa sẽ trả hết", ông chủ tiệm cầm đồ kể "lần đầu làm phước" của mình.
Thua kèo Pháp - Tây Ban Nha, mang SH đi cầm
Những ngày đi thực tế viết phóng sự này, chúng tôi ghi nhận đúng như ông Hoàng nói "lần đầu làm chuyện ấy", còn đa số tiệm cầm đồ đều "té nước theo mưa", nhân cơ hội mùa banh đang nóng rực mà "siết cổ" kẻ sa cơ lỡ vận gặp sao quả tạ rớt ngay đầu. Về hình thức, lãi suất cầm đồ có quy định theo pháp luật, nhưng những kẻ đã lâm thế bí sao dám vặn vẹo lãi thấp lãi cao.
Ở tiệm cầm đồ H.T. trên đường An Dương Vương (quận 6, TP.HCM), mới sáng sớm đã thấy hai thanh niên phóng chiếc SH màu trắng mới bóng bẩy vọt lên vỉa hè. Người lái xe trạc 40 tuổi, có vẻ dân làm ăn tự do, mồm miệng nhanh nhẹn nói ngay với cô gái đang ngồi tiệm:
- Giữ giùm xe này mấy hôm, lãi nhiêu cưng?
- Hết chỗ giữ rồi anh ơi, thông cảm tụi em, dạo này toàn cầm xe không, chỗ đâu mà chứa - Cô gái trạc mới ngoài 20 nhưng sành sỏi trả lời ngay.
- Xạo, thấy anh đẹp trai định ép anh hả. Xe SH không cầm thì cầm siêu xe đạp chân hả cưng? Thằng bồ đêm coi hết trận chưa ngủ dậy nổi sao mà giờ này cho cưng ngồi đây. Vô kêu nó dậy đi, nói có anh Khánh Bình Điền nhờ giữ giùm xe mấy hôm. Mối làm ăn ruột đó, nó nghe tên biết liền.
Đúng như người đàn ông tự xưng Khánh Bình Điền nói, cô gái quay vô phía sau, chỉ một lát đã thấy một thanh niên mặt mày phờ phạc còn ngái ngủ bước ra. Vừa thấy hai người đàn ông đang ngồi đợi phía ngoài, anh ta đã vui vẻ:
- Ủa, mấy huynh tối không coi đá banh sao mà thức sớm vậy?
- Không muốn thức cũng phải thức, thôi lòng vòng quá, giữ giùm tao chiếc SH này ít hôm đi. Má, bắt kèo Pháp cửa trên mà gặp thằng Mỡ băm ba băm bốn ăn hại (Mbappe). Xe tao đứng tên đó.
- Dạ, chỗ quen biết mà, xe chính chủ thì giữ anh 30 củ (triệu), lãi dễ thương 5 phân thôi - Thanh niên chủ tiệm cầm đồ trả lời.
- Đùa hả ku? 5% một tuần? Định bắt tao làm gà hả?
- Dạ, hông phải, chỗ mấy huynh quen quá, em chỉ lấy chút lãi 5% một tháng để gửi bãi xe thôi, nhà hết chỗ để rồi.
Khánh Bình Điền lầm bầm văng tục, nhưng cuối cùng cũng chịu mức lãi nóng này để có số tiền 30 triệu mà không phải tiệm cầm đồ nào cũng chịu cầm dù là xe SH. Nhét xấp tiền vào túi áo, anh ta còn kịp văng tục trước khi đi "tao gặp lại mày sớm thôi". Ý anh ta là sẽ có đêm may, độ banh thắng để lấy tiền chuộc xe. Còn người chủ tiệm thì vừa ngáp vừa tỉnh như ruồi nói: "Ngày nào hổng gặp mấy cảnh này. Ai thích chửi cứ chửi, miễn sao tiền vô túi mình là vui rồi".
Tranh thủ "siết cổ" dân thua độ
Thời điểm gần cuối mùa bóng với những trận cầu sinh - tử này, chính giới cầm đồ cũng thừa nhận họ đang theo sóng giảm giá cầm và nâng lãi lên, "bởi dân thua độ mà phải vào đây thì tàn canh lá mướp rồi, nguy cơ bỏ đồ luôn cao hơn chuộc nổi".
Ở Bà Hom - tỉnh lộ 10, trục đường được xem là có nhiều tiệm cầm đồ nhất nhì thành phố, đang vô mùa ăn nên làm ra. Thử ghé vào tiệm B.N. đang có khách là một người đàn ông trạc tuổi 60, tôi đã nghe câu chuyện trao đổi cầm đồ đầy bi hài. Người đàn ông tóc hoa râm, giọng miền Tây xin cầm chiếc xe tay ga Vision màu xanh còn rất mới. Chủ tiệm cầm đồ là một thanh niên trẻ nói giọng Hải Phòng đặc sệt như mới vào:
- Xe chính chủ tên chú à? Muốn giá nhiêu?
- Xe tôi, cà vẹt đây, 25 triệu được không? Tôi mới mua 43 triệu năm ngoái.
- Trời ơi, chú muốn mua xe này 15 triệu không? Con bán cho, người cầm xe đã bỏ 6 tháng ở góc kia, giấy tờ đầy đủ. Xe chú chỉ cầm được 8 triệu thôi, lãi 200.000 một tuần.
Người đàn ông đem xe đi cầm vừa nhăn nhó vì bị định giá quá rẻ, vừa lẩm nhẩm tính ra lãi thực lên đến 10% mỗi tháng. Ông ta quay lui, chủ tiệm nói với theo đó là lãi thông lệ thời điểm này rồi, có đi sang tiệm nào cũng thế thôi.
Tôi cố gắng hỏi chuyện, ông ta đang buồn bã nên chỉ trả lời nhát gừng vài câu rằng đây là lần đầu tiên đem xe đi cầm, không thể ngờ xe mới mua 43 triệu đồng chưa được một năm mà đi cầm chỉ có 8 triệu và lãi tuần lại "cắt cổ" như vậy.
Còn lý do ông ta phải đem xe đi cầm là thằng con trai làm công nhân bị thua độ banh đang nằm một đống ở nhà, không chịu đi làm. Ông phải đem xe mình đi cầm cho thằng con trả được nợ, đi làm lại, để không bị mất việc ở thời buổi khó khăn này.
Trong khi đó, chủ chục tiệm cầm đồ thì đủ chục chủ có câu trả lời giống y chang nhau là họ làm gì được ăn hết lãi đó.
"Bộ tụi tui không phải tốn tiền gửi xe cho họ à. Nhà cửa thành phố có rộng bao nhiêu mà ngày nào cũng cả mớ ông vô đòi cầm xe thì chỗ đâu mà chứa. Rồi còn phải biết điều luật lệ làm ăn không có trên giấy mới sống nổi chứ".
Cầm cả... căn cước công dân
Trong khi chúng tôi đang trò chuyện thì bất ngờ xuất hiện ba cô gái trẻ quẹo xe vào đòi cầm... căn cước công dân. Chủ tiệm có vẻ không lạ cảnh này nhưng vẫn hỏi "cần tiền làm gì vậy mấy gái đẹp?". "Trả tiền nhậu thôi trai thẳng ơi, coi đá banh mà hông nhậu thì hổng vui". Ba cô vừa cười cợt trả lời vừa nhận lại 1,5 triệu đồng đồng cho ba CCCD đem đi cầm, tính ra mỗi căn cước gói gọn thân phận con người chỉ có giá cầm... 500.000 đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận