Mới đây, chính phủ Hà Lan và Bỉ - nơi có các cảng là điểm nóng trung chuyển - đang nỗ lực ngăn dòng "nhiên liệu bẩn" gây hại cho sức khỏe người dân và môi trường ở châu Phi.
Quyết liệt với "nhiên liệu bẩn"
Tháng 4-2023, Hà Lan đã cấm xuất khẩu xăng và dầu diesel chất lượng thấp thông qua các cảng ở các thành phố Amsterdam và Rotterdam. Hôm 23-5, đến lượt Chính phủ Bỉ xác nhận cảng Antwerp của nước này sẽ không còn là điểm để các công ty dầu mỏ hay các thương nhân sử dụng để xuất khẩu "nhiên liệu bẩn" (xăng hay dầu diesel bẩn) sang các nước Tây Phi.
Các biện pháp kiểm soát mới này nhắm đến các loại dầu diesel và xăng có hàm lượng lưu huỳnh và hóa chất cao, qua đó nâng cao chất lượng của nhiên liệu xuất khẩu từ Bỉ cho phù hợp với tiêu chuẩn của thị trường nội địa châu Âu. Các loại "nhiên liệu bẩn" này thường được xuất khẩu với giá rẻ đến người tiêu dùng ở Nigeria và nhiều nước Tây Phi khác, kèm nguy cơ gây độc hại cho sức khỏe con người và môi trường.
"Trong thời gian dài, nhiên liệu độc hại đã từ Bỉ xuất khẩu sang nhiều điểm đến, bao gồm châu Phi. Các loại nhiên liệu này gây ra ô nhiễm không khí trầm trọng tại các nước như Ghana, Nigeria và Cameroon và thậm chí mang đến nguy cơ ung thư", Bộ trưởng Bộ Môi trường Bỉ Zakia Khattabi nói.
Bà Khattabi tuyên bố Bỉ cấm xuất khẩu các nhiên liệu độc hại, đề cập đến các loại không đủ tiêu chuẩn và bị cấm trong nước, nhưng lại được xuất khẩu đến các nước như Nigeria, Ghana và Cameroon. Lệnh cấm xuất khẩu "nhiên liệu bẩn" của Bỉ sẽ có hiệu lực sau ba tháng.
Dữ liệu hàng hóa trên biển (CAS) của Công ty phân tích thị trường S&P Global cho biết vào tháng 4-2024, khu vực Tây Phi đã nhập khoảng 137.000 thùng xăng/ngày từ Bỉ, chiếm 33% lượng nhập khẩu nhiên liệu động cơ của khu vực. Tỉ trọng này đã tăng so với tỉ lệ 18% được ghi nhận vào tháng 4-2023.
Theo CAS, các công ty dầu khí xuất khẩu nhiên liệu kém chất lượng với lượng lưu huỳnh chạm ngưỡng 1.500 phần triệu (ppm), vượt xa giới hạn của châu Âu là 10ppm. Theo đó, quy định mới của Bỉ sẽ giới hạn hàm lượng lưu huỳnh trong nhiên liệu xuất khẩu ở mức 50ppm, benzen ở mức 1% và mangan ở mức 2mg/l.
Còn cầu là còn cung
Kết hợp cùng các nền tảng báo chí điều tra Apache (Bỉ) và Spit (Hà Lan), báo điện tử The Continent (châu Phi) tiết lộ các "ông lớn" buôn dầu quốc tế như Trafigura và Vitol bán các loại "nhiên liệu bẩn" này đến Tây Phi, mặc cho chúng có hàm lượng chất độc hại cao và bị cấm ở châu Âu.
Vấn nạn nhiên liệu bẩn tại các nước châu Phi tràn lan đến mức nhiều thợ sửa xe ở thủ đô Accra (Ghana) thường xuyên nhắn tin cảnh báo khách hàng với nội dung: "Mọi người cẩn thận. Họ lại bán nhiêu liệu kém chất lượng".
Trong khi Liên minh châu Âu (EU) nhiều thập niên gần đây thắt chặt các tiêu chuẩn về lưu huỳnh có trong xăng, thì hầu hết các quốc gia châu Phi lại rất lỏng lẻo trong việc quản lý chất này.
Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi cho phép lượng lưu huỳnh trong xăng cao gấp 5 lần châu Âu, nhưng không phải các quốc gia thành viên nào cũng tuân thủ quy tắc này. Trong đó, Nigeria cho phép hàm lượng lưu huỳnh trong xăng cao gấp 15 lần mức chuẩn châu Âu.
Lợi dụng tiêu chuẩn lỏng lẻo để thu lợi, các công ty kinh doanh dầu mỏ lớn có hoạt động trên toàn cầu như Trafigura và Vitol sử dụng. Họ trộn nhiên liệu với lượng lưu huỳnh, benzen và mangan nhiều hơn mức cho phép, sau đó bán cho các khách hàng châu Phi. Vì việc loại bỏ lưu huỳnh khỏi xăng rất tốn kém, nhiên liệu "chất lượng châu Phi" có giá rẻ hơn nhiều so với mức thông thường.
Trong bài đăng vào tháng 1-2024, The Continent thống kê trong 5 năm qua, hơn một nửa lượng xăng mà các nước Tây Phi nhập khẩu đến từ Hà Lan và Bỉ. Trong đó, các thành phố như Amsterdam, Rotterdam và Antwerp là các điểm "nóng" cho việc giao thương của nhiên liệu kém chất lượng.
Dù có các động thái ngăn chặn tích cực từ chính phủ Bỉ và Hà Lan, thị trường "nhiên liệu bẩn" được cho là khó có thể được giải quyết dứt điểm. Xăng dầu với chất lượng kém vẫn tràn lan tại các trạm xăng ở Tây Phi.
"Đây không phải là vấn đề mà Hà Lan có thể giải quyết một mình", Phó chủ tịch Bright Simmons của Tổ chức nghiên cứu Imani-Africa có trụ sở tại Accra (Ghana) nhận định.
Trong một ý kiến đồng tình, luật sư của hai công ty cung cấp dịch vụ bồn trữ xăng dầu tại Hà Lan bình luận: "Nhu cầu cho nhiên liệu giá rẻ ở Tây Phi vẫn còn đó. Nếu chúng tôi không phải là bên cung cấp, sẽ có người khác làm điều đó".
Trả lời liên quan đến việc bán "nhiên liệu bẩn", hai công ty Vitol và Trafigura đều khẳng định họ tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành.
"Chỉ có các nước Tây Phi mới có thể đặt ra các tiêu chuẩn về nhiên liệu cho chính họ - báo The Continent dẫn lời Công ty Vitol - Các nhà nhập khẩu sẽ mua sản phẩm đáp ứng được các quy định từ địa phương, nhưng có giá cạnh tranh nhất, bất kể là nguồn nhiên liệu đến từ quốc gia nào".
The Continent cho rằng Vitol muốn truyền tải thông điệp: họ sẽ tiếp tục bán "nhiên liệu bẩn" cho các nước Tây Phi, cho đến khi những nước này yêu cầu họ ngừng lại.
"Nhiên liệu bẩn" gây hại ra sao?
Với hàm lượng các chất hóa học cao, như lưu huỳnh và benzen có khả năng gây ung thư, "nhiên liệu bẩn" cũng có lượng mangan vượt mức gây hư hại cho động cơ.
Đối với mối nguy về mặt sức khỏe cho con người, Tổ chức phi chính phủ Public Eye của Thụy Sĩ vào năm 2016 ước tính một lệnh cấm lên nhiên liệu chứa hàm lượng lưu huỳnh cao có thể ngăn ngừa hàng chục ngàn ca tử vong sớm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận