Một phán quyết của tòa án Trung Quốc vào năm 2022 bất ngờ "hot" trở lại, sau khi được chọn làm án lệ tham khảo vào cuối tháng 4 vừa qua.
Bị đuổi việc vì không "khoe" công ty lên trang cá nhân: 'U là trời!'
Trường hợp này liên quan đến ông Chen, là tài xế tại một bệnh viện phụ sản ở Trùng Khánh. Theo hồ sơ vụ án, năm 2022, ông này bị bệnh viện phạt 10.000 nhân dân tệ vì không chia sẻ các bài viết liên quan đến công việc lên trang cá nhân trên mạng xã hội. Sau đó, người này bị sa thải vì "vi phạm quy tắc" và "không hoàn thành nhiệm vụ", theo Sixthtone.
Vụ việc sau khi được đưa ra tòa và xử như sau: bệnh viện phải bồi thường cho ông Chen 60.000 nhân dân tệ (hơn 200 triệu đồng) vì chấm dứt hợp đồng bất hợp pháp.
"Nội dung được xuất bản trên WeChat Moments phải là quyết định độc lập của người dùng. Người sử dụng lao động không được can thiệp bất hợp pháp", phán quyết này lưu ý.
Vụ án đã gây chú ý trở lại khi được chọn làm án lệ, và tạo nên cuộc tranh luận rộng rãi trên mạng xã hội đất nước tỉ dân vào chủ nhật trước. Trong hệ thống luật pháp Trung Quốc, các vụ án mang tính bước ngoặt sẽ được các tòa án lựa chọn và công bố là "các vụ án tiêu biểu", nhằm nâng cao nhận thức công dân tốt hơn.
"Sếp của tôi yêu cầu quản trị viên kiểm tra xem tôi có đăng nội dung về công ty hằng ngày không. Tôi phải đối mặt với việc bị cắt 50 nhân dân tệ nếu từ chối thực hiện", một người dùng Weibo viết. Đồng thời, người này cũng cho biết, sếp của cô coi các tài khoản mạng xã hội cá nhân như một kênh quảng cáo cho các sản phẩm công ty.
Một người khác hỏi: "Ranh giới giữa công việc và cuộc sống là gì?".
Đây không phải lần đầu tiên vấn đề này được đưa lên dư luận và bàn tán xôn xao. Năm ngoái, một nhân viên bán thời gian ở tỉnh Tứ Xuyên bị buộc phải trả cho công ty 3.000 nhân dân tệ. Theo lý do công ty đưa ra, nhân viên phải đăng ít nhất 50 bài viết liên quan đến công việc mỗi tháng lên mạng xã hội hoặc chịu phạt 50 nhân dân tệ nếu không thực hiện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận