Một người Thái Lan giơ mô hình tàu ngầm móp méo bằng kim loại trong một cuộc biểu tình phản đối chính phủ - Ảnh: REUTERS
Người phát ngôn chính phủ Thái Lan, ông Anucha Burapachaisri, ngày 31-8 thông báo Thủ tướng Prayut Chan-O-Cha đã "yêu cầu hải quân xem xét hoãn việc mua thêm tàu ngầm". Ông Prayut hiện đang kiêm nhiệm chức bộ trưởng quốc phòng Thái Lan.
"Thủ tướng sẽ ưu tiên những quan ngại của dân chúng, những người đang lo lắng về nền kinh tế đất nước. Hải quân sẽ đàm phán với Trung Quốc để trì hoãn thêm một năm", Hãng thông tấn AFP dẫn lời ông Anucha cho biết thêm.
Tờ Bangkok Post dẫn các nguồn thạo tin cho biết Bắc Kinh đã đồng ý việc trì hoãn. Loại tàu ngầm Thái Lan muốn mua thêm là S26T - phiên bản xuất khẩu của tàu ngầm lớp Nguyên (Type 039A) do Trung Quốc chế tạo.
Nền kinh tế Thái Lan đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong vòng 20 năm qua do đại dịch COVID-19. Du lịch và xuất khẩu, những lĩnh vực mạnh có đóng góp quan trọng nhất cho đất nước chùa tháp, bị tác động nghiêm trọng bởi dịch bệnh.
Trong bối cảnh đó, hồi đầu tháng 8 này, một tiểu ban của Quốc hội Thái Lan phê duyệt mua thêm 2 tàu ngầm thông thường do Trung Quốc sản xuất với giá 22,5 tỉ baht (khoảng 724 triệu USD). Thái Lan trước đó đã ký hợp đồng mua 3 tàu ngầm Trung Quốc, với chiếc đầu tiên dự kiến sẽ giao vào năm 2023.
Người Thái đã tức giận lên mạng xã hội và chỉ trích kế hoạch mua thêm 2 tàu ngầm vào thời điểm kinh tế khó khăn. Các nghị sĩ đối lập cũng tuyên bố sẽ sử dụng tất cả công cụ pháp lý có thể để "nhấn chìm" hai chiếc tàu ngầm mới.
Mặc dù Thái Lan được trả góp 724 triệu USD trong vòng 7 năm, những người phản đối cho rằng đây là một sự phí phạm, một hợp đồng có vấn đề. Hashtag "Dân không muốn tàu ngầm" trở thành từ khóa thịnh hành trên Twitter Thái Lan.
Chính phủ của ông Prayut trước đó bảo vệ quyết định mua thêm tàu ngầm, viện dẫn tình hình khu vực diễn biến phức tạp và các nước xung quanh có nhiều tàu ngầm, chỉ riêng Thái Lan chưa có chiếc nào.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận