Trích đoạn phim Cô gái nhà người ta - Video: VTV
Bộ phim truyền hình Cô gái nhà người ta phản ánh đời sống đầy trắc trở của những thanh niên nông thôn khi muốn lập nghiệp ở quê nhà. Phim đề cập đến nhiều chuyện bức xúc trong xã hội nông thôn, trong đó có vấn nạn .
Phản ánh quấy rối tình dục từ cấp độ thấp đến cao nhất
Quấy rối tình dục được Cô gái nhà người ta phản ánh rất đa dạng, từ những động chạm nhẹ, đến mức cao nhất: cưỡng bức.
Nhân vật Mận (Hương Giang) bị một khách hàng nam giới và một nhóm đầu gấu sàm sỡ - Ảnh: VTV
Trong phim nhân vật Mận (Hương Giang) bị một khách hàng nam giới cố tình vuốt tay. Mận sau đó còn bị một nhóm "đầu gấu" cưỡng ôm, bắt chụp ảnh cùng.
Nhóm đầu gấu còn lấy yếm của một phụ nữ, ném qua ném lại khiến bà chạy đuổi theo bị trượt vỏ chuối ngã đập đầu xuống đất qua đời.
Em gái của nhân vật Khoa (Đình Tú) bị "tú ông" dụ dỗ, ép trở thành tiếp viên quán karaoke ôm, bị khách sàm sỡ.
Cô giáo Uyên (Phương Oanh) vì hủy hôn với thiếu gia Cường mà đã bị anh ta cưỡng bức - Ảnh: VTV
Trong tập 16, biên kịch Cô gái nhà người ta để cho nhân vật nữ chính Uyên sau khi trải qua vô vàn khó khăn, đã rơi vào bi kịch bị cưỡng bức.
Kinh khủng hơn, khi Uyên tố cáo Cường (Trọng Nhân) với công an, ông Bá (nghệ sĩ Quang Tèo), cha của Uyên, đã nói như sau:
"Hay ho gì việc đấy mà mày đi báo cáo công an... Thì mày nhịn một tí đã làm sao. Bây giờ cả làng cả xã biết thì có chó nó lấy mày. Ai bảo mày hủy hôn, dồn nó vào đường cùng… Nó làm như thế chứng tỏ nó rất yêu mày".
Cường (trái) không có được tình yêu của Uyên (giữa) đã dùng mọi thủ đoạn chia rẽ tình cảm của Uyên với Khoa (phải) - Ảnh: VTV
Trong những tập đầu Cô gái nhà người ta phản ánh tình trạng lạc hậu của ngôi làng, khi đa số người dân nơi đây sống theo bản năng, đặc biệt là đàn ông có hiểu biết rất thấp về quấy rối tình dục.
Khi Cân (Việt Bắc) phát hiện em trai chính là kẻ giả ma để sàm sỡ phụ nữ đi qua gốc cây cổ thụ đầu làng, anh ta đã xin trưởng thôn "coi như không có chuyện gì xảy ra".
Những người trẻ cảm thấy bế tắc khi ở làng quê, khó khăn để lập nghiệp và phải đối diện với nhiều định kiến xã hội - Ảnh: VTV
Phát ngôn của ông Bá có thể khiến người xem phẫn nộ, vì ông nói với tư cách người cha. Ngoài ra, phát ngôn của ông đại diện cho một loại định kiến xã hội cần bị loại bó, đó là coi phụ nữ "làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta ghẹo".
Chưa khéo trong cách xử lý quấy rối tình dục
Với phim truyền hình, khi biên kịch và đạo diễn "bày" ra càng nhiều lộn xộn thì sẽ phải dụng công "thu dọn".
Quấy rối tình dục là một lĩnh vực hết sức nhạy cảm, không dễ phản ánh một cách thấu đáo. Cô gái nhà người ta phản ánh vấn nạn quấy rối tình dục bằng những tình huống khá bạo tay, nhưng cách giải quyết vấn đề hơi thô sơ.
Diễn xuất của diễn viên cũng chưa chạm đến chiều sâu tâm lý nhân vật, nên gây cảm giác hơi sượng, khó tác động được đến cảm xúc của khán giả.
Tâm lý của cặp đôi Uyên - Khoa sau vụ cưỡng bức đã được Phương Oanh và Đình Tú khắc họa chưa đủ độ sâu - Ảnh: VTV
Phần tâm lý của nhân vật Uyên sau khi bị cưỡng bức đã không được khắc họa nghiêm trọng đúng với tầm mức của vấn đề. Khán giả chưa thấy được nỗi đau tới tận cùng của nhân vật.
Những giọt nước mắt của diễn viên Phương Oanh chưa thể hiện được nỗi đau bên trong của nhân vật Uyên. Phản ứng của Khoa (Đình Tú), người thầm yêu Uyên khi biết cô bị cưỡng bức cũng khá sơ sài, nếu không muốn nói là lạnh.
Để phản ánh nhận thức tiến bộ của thanh niên nông thôn về quấy rối tình dục, đáng tiếc biên kịch đã dành cho nhân vật Cân (Việt Bắc) một câu thoại khá thô: "Thời buổi này ai nghĩ đến chuyện đó nữa. Cũng giống như bị chó cắn thôi mà. Đó là lỗi của con chó".
Việt Bắc trong vai Cân, được xây dựng là một anh chàng thanh niên hiền lành, tốt bụng, tính tình hơi bộp chộp - Ảnh: VTV
Những tập đầu Cô gái nhà người ta tạo ra một không khí rất bức bối, khó chịu của nông thôn với những công dân rất thiếu hiểu biết về pháp luật. Mảng màu tối của nông thôn được "tô" hơi đậm, khiến bức tranh nông thôn hiện lên khá ảm đạm.
Dù những tập sau đó, những nhân vật có nhận thức sai trái trong Cô gái nhà người ta dần nhận ra vấn đề hoặc bị trả giá.
Nhưng dễ nhận thấy Cô gái nhà người ta cân bằng chưa tốt giữa hai mặt tốt - xấu, thiếu hơi nhiều chi tiết phản ánh cái hay, cái đẹp trong ứng xử của người nông thôn để cân bằng cảm xúc cho khán giả.
Nhân vật Đào là "gái hư" của "Cô gái nhà người ta" - Ảnh: VTV
Cô gái nhà người ta dù chưa phản ánh được thật sâu sắc đời sống ở nông thôn nói chung, cũng như chưa khéo léo trong cách xử lý vấn đề quấy rối tình dục nói riêng.
Tuy nhiên với điểm cộng: bối cảnh đẹp, quay phim dụng công về khuôn hình và ánh sáng, dàn diễn viên trẻ trung, hấp dẫn, bộ phim vẫn có thể thu hút khán giả truyền hình.
Cô gái nhà người ta lên sóng từ ngày 15-1, phát sóng vào lúc 21h40 thứ tư, năm hàng tuần trên VTV3.
Đạo diễn: Trịnh Lê Phong (từng đạo diễn các phim Chiều ngang qua phố cũ, Ghét thì yêu thôi, Yêu thì ghét thôi...)
Dàn diễn viên: Đình Tú, Phương Oanh, Việt Bắc, Quang Trọng, Hương Giang, Trọng Lân, Việt Hoa, NSND Tiến Đạt, NSND Bùi Bài Bình, NSƯT Tiến Quang, NSƯT Linh Huệ, NSƯT Đình Chiến.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận