Chia tay người thân - Ảnh: AFP |
Hãng tin AFP ngày 17-9 dẫn lời người đứng đầu Ủy ban liên bang về an tử Bỉ, ông Wim Distelmans xác nhận một bác sĩ địa phương đã thực thi "cái chết êm dịu" cho thiếu niên nói trên hồi tuần trước và không cho biết thêm chi tiết.
Ông Distelmans cho biết đây là “một trường hợp đặc biệt”.
Năm 2002, Bỉ hợp pháp hóa “quyền được chết” (an tử) của các bệnh nhân đã hết hi vọng cứu chữa. Đến năm 2014, Quốc hội Bỉ thông qua luật bãi bỏ giới hạn độ tuổi và áp dụng quyền đặc biệt này cho cả trẻ em vị thành niên.
Trong một thông báo bằng email gửi tới hãng tin Reuters, ông Distelmans nhấn mạnh luật pháp Bỉ quy định rất chặt chẽ về an tử.
Các bệnh nhân chưa thành niên phải muốn được "an tử" thì phải được xác nhận còn ý thức và có khả năng tự đưa ra quyết định cho sinh mạng của mình. Chưa kể kèm theo điều kiện bệnh nhân đang bị các cơn đau hành hạ vượt sức chịu đựng, bệnh tình không thuyên chuyển và có thể dẫn tới cái chết trong thời gian ngắn.
Tiếp đó, cần phải có sự tham vấn với các nhà tâm lý hoặc bác sĩ tâm thần. Và cuối cùng, ba mẹ của trẻ vị thành niên đưa ra yêu cầu an tử phải đồng ý với quyết định của con họ.
“Một điều may mắn là số trẻ em phải lựa chọn an tử là rất ít. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi từ chối họ quyền kết thúc cuộc sống của mình một cách nghiêm túc”, ông Distelmans giải thích.
Cho đến thời điểm hiện tại, Bỉ là quốc gia duy nhất trên thế giới cho phép tất cả bệnh nhân ở mọi lứa tuổi được hưởng quyền an tử.
Luật pháp ở một số nước quy định rất khác nhau về điều này. Đơn cử như quốc gia láng giềng của Bỉ là Hà Lan quy định quyền an tử chỉ được áp dụng cho những trẻ em bị mắc bệnh nan y từ 12 tuổi trở lên.
Trong khi đó, Colombia và Luxemburg chỉ cho phép người lớn mới có quyền an tử và phương thức phổ biến nhất là một liều thuốc an thần liều mạnh dưới sự trợ giúp của bác sĩ.
Theo Reuters, báo cáo chính thức của chính phủ Bỉ ghi nhận trong 10 năm kể từ khi hợp pháp hóa an tử, số bệnh nhân yêu cầu an tử ở nước này đã tăng từ khoảng 1.000 lên 8.752. Trong số này, có một số trường hợp đến từ các quốc gia châu Âu chưa hợp pháp hóa an tử.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận