17/01/2019 15:14 GMT+7

Bị cáo Trương Quý Dương doạ kiện Sở Nội vụ Hòa Bình

VŨ TUẤN - DANH TRỌNG
VŨ TUẤN - DANH TRỌNG

TTO - Nguyên giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình khẳng định sẽ kiện Sở Nội vụ tỉnh này nếu sở kết luận việc thành lập đơn nguyên chạy thận là "phạm pháp".

Bị cáo Trương Quý Dương doạ kiện Sở Nội vụ Hòa Bình - Ảnh 1.

Bị cáo Trương Quý Dương cho rằng việc thành lập Đơn nguyên lọc máu là đúng với hướng dẫn của tuyến trên - Ảnh: DANH TRỌNG

Trong phiên xét xử sáng 17-1 của phiên tòa chạy thận 9 người chết, luật sư viện dẫn nội dung văn bản của Sở Nội vụ tỉnh Hòa Bình kết luận việc nguyên giám đốc BVĐK Hòa Bình ký quyết thành lập Đơn nguyên lọc máu là không được phép và không đúng thẩm quyền.

Cụ thể, luật sư Võ Hồng Phúc chỉ ra Sở Nội vụ tỉnh Hòa Bình trả lời cơ quan điều tra  về việc ban hành Quyết định số 175 ngày 8-3-2010 của giám đốc BVĐK Hòa Bình về việc thành lập Đơn nguyên lọc máu trực thuộc khoa hồi sức tích cực của bệnh viện này là "không có văn bản pháp luật nào quy định được phép thành lập tổ chức bên trong của các khoa, phòng của bệnh viện đa khoa và phân cấp quyền cho các đơn vị thực hiện thành lập tổ chức này".

Bị cáo Trương Quý Dương không đồng ý với ý kiến của Sở Nội vụ tỉnh và cho rằng: "Nếu họ khẳng định là chúng tôi 'bất hợp pháp' thì chúng tôi sẽ kiện. Quan điểm của chúng tôi và sự hiểu về luật pháp của chúng tôi là khẳng định giữ nguyên quan điểm".

Theo bị cáo Dương, việc thành lập Đơn nguyên chạy thận được bệnh viện thực hiện theo hướng dẫn chuyển giao theo Đề án 1816 của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Thực hiện việc này, BVĐK Hòa Bình đã ký kết hợp đồng chuyển giao 5 kỹ thuật liên quan đến lọc máu, chạy thận nhân tạo… cho 28 bác sĩ, điều dưỡng.

Bị cáo Trương Quý Dương doạ kiện Sở Nội vụ Hòa Bình - Ảnh 2.

Bị cáo Hoàng Công Lương (bìa phải) trao đổi với các luật sư sau một phiên xét xử - Ảnh: DANH TRỌNG

Trước đó, chiều 16-1, trả lời các câu hỏi của đại diện VKS TP Hòa Bình và các luật sư tại tòa, bà Bùi Thu Hằng - phó giám đốc Sở Y tế Hòa Bình - cho hay về chức danh kỹ thuật viên phụ trách các công việc vận hành hệ thống lọc nước RO và các máy chạy thận, theo đề án chuyển giao là có. 

Tuy nhiên, thực tế ở BVĐK Hòa Bình lại không có định biên viên chức biên chế cho việc này. Vì thế, nguyên lãnh đạo bệnh viện cho rằng để phục vụ công việc và phù hợp với điều kiện thực tiễn, các cán bộ, bác sĩ, điều dưỡng được đào tạo trong khoa hồi sức tích cực và Đơn nguyên lọc máu phải tự đảm trách công việc.

Theo bà Hằng, việc thành lập Đơn nguyên lọc máu phải tuân thủ theo các chuyển giao của Bệnh viện Bạch Mai. Bà Hằng cho hay Bệnh viện Bạch Mai đã đào tạo cho cán bộ Phòng vật tư thiết bị y tế, bởi vậy phòng này phải có trách nhiệm phân công người phối hợp với Đơn nguyên thận nhân tạo.

Khi luật sư dẫn chứng lời khai tại tòa và cáo buộc cho rằng 28 người được đào tạo về lọc máu ở Bệnh viện Bạch Mai đều là bác sĩ của Đơn nguyên thận nhân tạo, bà Hằng khẳng định "chắc chắn phòng vật tư có người được đào tạo".

Luật sư tiếp tục hỏi bị cáo Dương về phát biểu của bà Bùi Thu Hằng - phó giám đốc Sở Y tế Hoà Bình - trong phiên xét xử chiều 16-1 rằng sự cố chạy thận làm 9 người chết ở tỉnh này là một "thảm họa y tế".

Ông Trương Quý Dương nói không dám kết luật việc đánh giá là "thảm họa" hay là một sự cố, "nhưng về quan điểm cá nhân, tôi nghĩ rằng đây là một thảm họa thực sự".

Hoàng Công Lương xin giữ quyền im lặng tại toà

TTO - Sáng nay 16-1, bị cáo Hoàng Công Lương trình bày vì lý do sức khoẻ không đảm bảo, chỉ trả lời các câu hỏi liên quan đến chuyên môn khám, chữa bệnh, các câu hỏi khác bị cáo giữ quyền im lặng.

VŨ TUẤN - DANH TRỌNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên