Bị cáo Nguyễn Nhật Cảm tại tòa - Ảnh: DANH TRỌNG
Chiều 11-12, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC Hà Nội) kết thúc phần tranh luận. Tòa cho các bị cáo nói lời sau cùng trước khi đi vào nghị án. HĐXX sẽ tuyên án vào 15h ngày 12-12.
"Hành vi của bị cáo có vai trò chính"
Là người đầu tiên nói lời sau cùng trước tòa, bị cáo Nguyễn Nhật Cảm - cựu giám đốc CDC Hà Nội, cho hay sau hai ngày xét xử, qua những phân tích, đánh giá vụ án, bị cáo đã nhận thức được hành vi vi phạm của mình có vai trò chính.
Bị cáo Cảm nói những người còn lại ở CDC Hà Nội chỉ là làm công ăn lương, không có lợi ích nào, mong HĐXX xem xét giảm nhẹ cho bị cáo và các cán bộ.
Bị cáo Cảm khẳng định không có động cơ mục đích nào khác ngoài việc muốn mua được máy tốt để phòng chống dịch. Bị cáo không phải lén lút mà trước đó đã giao cấp dưới đề xuất 2 lần nhưng không được chấp nhận, chính vì thời gian gấp gáp nên mới chủ động liên hệ với các địa phương, qua đó quen biết bị cáo Tuyền.
Cựu giám đốc CDC cho rằng nếu mình có ý đồ tư lợi thì đã thỏa thuận mua hệ thống máy móc với giá cao hơn con số 7 tỉ đồng. Bởi qua tìm hiểu thực tế, bị cáo biết một số địa phương mua máy với giá hơn 8 tỉ đồng, hoặc một số hệ thống có năm sản xuất cũ hơn nhưng cũng có giá cao hơn mức này.
“Bị cáo không chỉ đạo cá nhân nào tại CDC phải chọn đối tác thực hiện gói thầu, cũng không ấn định gói thầu phải có giá là bao nhiêu. Với thời gian cấp bách như vậy, rất khó để không xảy ra vi phạm. Bản thân bị cáo từng nhiều lần xin không tham gia việc mua sắm máy móc vì nguy cơ rủi ro rất cao, tốn nhiều thời gian nhưng không được chấp nhận...” - bị cáo Cảm trình bày.
Sau cựu giám đốc CDC Hà Nội, các bị cáo khác lần lượt trình bày quan điểm của mình trước HĐXX. Hầu hết các bị cáo đều thừa nhận hành vi vi phạm và mong HĐXX đánh giá toàn diện bối cảnh phạm tội để cho mình được hưởng mức án khoan hồng.
"Có công được hưởng, có tội phải chịu"
Trước đó, trong phần tranh luận, trình bày quan điểm tại tòa, đại diện CDC cho hay việc đào tạo 1 bác sĩ mất rất nhiều năm. Bị cáo Nguyễn Nhật Cảm là PGS, nhà khoa học, có trình độ cao, các bị cáo khác cũng phạm tội trong hoàn cảnh đặc biệt khi dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ nên mong HĐXX xem xét toàn diện bối cảnh phạm tội của các bị cáo.
CDC cũng mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo nguyên là cán bộ của CDC Hà Nội.
Đối đáp lại vấn đề này, VKS chia sẻ với những khó khăn, vất vả của cán bộ CDC Hà Nội trong thời gian chống dịch vừa qua. Tuy nhiên, các bị cáo vẫn phải chấp hành nghiêm quy định của pháp luật.
"Là bác sĩ phải như mẹ hiền nhưng có công được hưởng, có tội phải chịu. Tôi muốn nói rõ để mọi người có suy nghĩ nhân văn hơn và không cổ xúy cho vi phạm. Không thể lấy các lý do để biện hộ cho hành vi lợi dụng dịch bệnh để cắt giảm các quy trình với mục đích trục lợi", VKS nói.
Về vấn đề luật sư cho rằng không có sự bàn bạc, thống nhất giữa bị cáo Nguyễn Nhật Cảm và các bị cáo còn lại trong CDC Hà Nội, VKS cho rằng đồng phạm trong mỗi vụ án hình sự có tính chất khác nhau.
Trong vụ án này, các bị cáo đều hoạt động trong 1 tổ chức, phối hợp hoạt động chặt chẽ với nhau. Mỗi bộ phận chức năng thực hiện 1 việc nhất định và hướng đến mục đích chung là chỉ định thầu theo quy định. Tuy nhiên, các bị cáo đều thừa nhận có vi phạm trong việc chỉ định thầu.
Mặc dù các bị cáo không thể hiện sự bàn bạc về giá cả, nhưng các bị cáo biết rằng quá trình thực hiện phải làm theo quy định của pháp luật. Một khâu sai là cả quy trình sai nên dẫn đến hậu quả sai pham.
Đại diện VKS nêu quan điểm tại tòa - Ảnh: DANH TRỌNG
VKS xác định hành vi của các bị cáo là để lại hậu quả chung, gây thiệt hại cho Nhà nước. Vì vậy, các bị cáo cùng tiếp nhận ý chí với bị cáo Cảm, đây là dấu hiệu của hành vi đồng phạm.
Các tài liệu điều tra và lời khai của các bị cáo đều thể hiện sự gặp gỡ, bàn bạc, thống nhất giá. Sau đó, Nguyễn Thanh Tuyền đã chỉ đạo nhân viên làm 3 báo giá, trong đó có 2 báo giá giả mạo.
Bị cáo Nhất, Tuyền đều khai nhận có chi phần trăm cho Nguyễn Nhật Cảm, bản thân bị cáo Cảm cũng có nói Nhất có hứa chi phần trăm cho bị cáo nhưng không nhớ giá trị.
Ngoài ra, Vinh đã khai rất rõ về tỉ lệ ăn chia lợi nhuận từ việc mua bán hệ thống, trong đó có nêu khoản 1,5% được hưởng khi cho mượn pháp nhân Công ty MST. Từ đó VKS khẳng định có động cơ vụ lợi của các bị cáo Cảm, Nhất Vinh, Tuyền, Thanh, Tuấn trong vụ án.
Hơn nữa, các bị cáo đã tiếp nhận ý chí từ người đứng đầu là Cảm, không ai phản đối nên đây là dấu hiệu của đồng phạm.
Bị cáo Cảm đã lén lút bàn bạc, thỏa thuận giá với những cá nhân không có tư cách pháp nhân (Nguyễn Ngọc Nhất và Nguyễn Thanh Tuyền - PV) trong khi có hàng trăm công ty kinh doanh thiết bị y tế khác trên thị trường…
Cũng theo VKS, luật sư cho rằng không có việc gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc chỉ định thầu, nhưng để hợp thức việc chỉ định thầu, cán bộ CDC đã ký lùi ngày tài liệu, đó là hành vi gian lận.
Liên quan đến đề nghị của một số luật sư xin giảm nhẹ hình phạt cho thân chủ của mình trong vụ án này, VKS cho biết đã phân tích, đánh giá dựa trên tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, đã ghi nhận sự đóng góp của các bị cáo trong quá trình công tác nên đã đề nghị mức án dưới khung hình phạt, trừ bị cáo Cảm bị xác định là chủ mưu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận