Bà Lê Thị Thanh Thúy tại tòa sáng 19-9 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Trước đó, 18-9, đại diện Viện kiểm sát (VKS) cho rằng VKS không khẳng định ông Nguyễn Thành Tài và bà Thúy có quan hệ bất chính, bởi chỉ có "người trong cuộc mới rõ" song ông Tài và bà Thúy có những lần giao dịch chuyển tiền cho nhau.
"Tôi uất ức không ngủ được"
Bà Lê Thị Thanh Thúy nói mình rất "uất ức và không thể ngủ được" khi nghe đại diện VKS buộc tội. Bà Thúy cho biết bà không phủ nhận mối quan hệ khá thân giữa ông Tài và gia đình. Tuy nhiên, bà Thúy cho rằng việc VKS nêu ra thông tin bà chuyển tiền cho ông Tài đã dấy lên dư luận không tốt về mối quan hệ giữa bà và ông Tài.
Bà Thúy cho biết bối cảnh câu chuyện là do bà biết được ông Tài bị ung thư tuyến tiền liệt và chuẩn bị sang Singapore điều trị.
"Lúc này với tấm chân tình, thâm giao với ông Tài nên tôi có hỏi ông Tài về việc ai đi cùng chăm sóc cho ông và chi phí điều trị. Tiếp đó, tôi nói cho ông Tài là tôi có quen biết với ngân hàng và sẽ mở thẻ tín dụng cho ông Tài nhằm mục đích trả viện phí.
Sau khi ra viện trở về nước ông Tài có gặp tôi và trả lại số tiền. Đây là số tiền tôi và gia đình tôi hỗ trợ ông Tài trong lúc ông mắc bệnh nặng" - bị cáo Thúy khai.
Về việc VKS cáo buộc bà Thúy đã lừa dối ngay từ đầu khi tự nhận có năng lực tài chính và kinh nghiệm nhưng thực chất công ty chỉ mới thành lập, còn tiền thì vay người thân, bà Thúy bức xúc cho rằng lúc bấy giờ bà có 60% vốn góp trong Công ty Hoa Tháng Năm, còn 40% còn lại là tiền của gia đình.
Bởi lúc đó bà có nhiều cổ phần, cổ phiếu bất động sản nhưng lúc này thị trường bất động sản đang đóng băng nên nếu bán đi sẽ lỗ, trong khi gia đình bà đang có tiền nhàn rỗi nên gia đình đồng ý cho bà mượn.
Bà Thúy cũng cho rằng mình không tác động đến ông Nguyễn Thành Tài để được ưu ái tham gia dự án.
"Một người phụ nữ như tôi làm sao tác động được một ông phó chủ tịch thường trực. Mà nếu như cáo trạng thì tôi phải tác động cả một hệ thống" - bà Thúy nói.
Luật sư Trạch đề nghị HĐXX áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội - Ảnh: DUYÊN PHAN
Đề nghị áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội
Tranh luận đối đáp, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (luật sư bào chữa cho bà Thúy) đề nghị HĐXX áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội và tuyên bà Thúy không phạm tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Theo luật sư, VKS chỉ sử dụng lời khai của ông Tài thừa nhận có quan hệ tình cảm với bà Thúy làm chứng cứ buộc tội bị cáo Thúy. Rồi từ việc buộc tội bà Thúy, kéo theo buộc tội ông Tài và các bị cáo khác.
Luật sư cho rằng căn cứ duy nhất để buộc tội bà Thúy là "lợi dụng quan hệ tình cảm với ông Nguyễn Thành Tài để xúi giục, nhằm trục lợi". Tuy nhiên, hồ sơ không có chứng cứ nào để chứng minh quan hệ tình cảm và việc này có tác động đến ông Tài.
Trong khi đó, pháp luật quy định không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất buộc tội.
Luật sư Trạch khẳng định quyết định của cơ quan nhà nước thể hiện ý chí của cơ quan nhà nước. Dù Công ty Hoa Tháng Năm đề xuất đúng hay sai thì cũng không thể dùng đó để buộc tội người đề xuất.
Việc VKS cho rằng "4 công ty thuộc Bộ Công thương đã bán 50% cổ phần của mình cho Công ty Kinh Đô, lời 200 tỉ. Vậy 30% cổ phần thì lời bao nhiêu. Nhà nước đã mất tiền ngay lúc này" là không đúng. Bởi 30% cổ phần vẫn thuộc về Công ty Hoa Tháng Năm, chưa bán đi thì làm sao có thể thiệt hại xảy ra từ lúc này. Phải là thiệt hại thực tế chứ không phải thiệt hại suy đoán.
Về việc VKS đề nghị không tịch thu 50% tiền vốn góp vào Công ty Lavenue của Công ty Kido vì cho đây là giao dịch dân sự và việc chuyển nhượng này xảy ra trước thời điểm các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội, luật sư cho rằng xác dịnh việc chuyển nhượng của 4 công ty thuộc Bộ Công thương với Kido là giao dịch dân sự, chưa đầy đủ và chưa phản ánh đúng bản chất vụ án.
Bởi đây là giao dịch dân sự nhưng giao dịch này dẫn đến chuyển dịch vốn nhà nước chứ không đơn thuần là giao dịch dân sự.
"Nếu VKS cho rằng 4 công ty này chuyển nhượng trước khi có hành vi phạm tội thì xin VKS cho biết hành vi phạm tội được xác định từ thời điểm nào? Trong khi quá trình thỏa thuận chuyển nhượng từ tháng 3-2010, hợp đồng nguyên tắc giữa 4 công ty ký với công ty Kido ngày 20-8-2010.
4 công ty ký hợp đồng vay vốn ngày 15-9-2010 và ký hợp đồng chuyển nhượng vào ngày 20-10-2010. Trong khi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Công ty Lavenue được cấp ngày 10-9-2010. Vậy thời điểm chuyển nhượng chỉ phát sinh hiệu lực từ ngày giấy phép đăng ký kinh doanh được cấp" - luật sư đặt vấn đề.
Luật sư cũng cho rằng việc Công ty Kinh Đô bỏ ra 200 tỉ mua phần vốn góp của 4 công ty tại Lavenue mà không tìm hiểu rõ pháp lý dự án là phi lý. Bởi Kinh Đô bỏ ra 200 tỉ chứ không phải 20 triệu.
Luật sư cho rằng có sự không công bằng bởi cùng hình thức đầu tư, cùng góp vốn nhưng VKS lại đề nghị tịch thu phần vốn góp của Hoa Tháng Năm mà trả lại vốn góp cho Công ty Kinh Đô
Ông Nguyễn Thành Tài - Ảnh: DUYÊN PHAN
Áp lực vì liên tục bị khởi tố, điều tra
Tranh luận bổ sung, ông Nguyễn Thành Tài cho rằng những ngày trong trại giam thông tin quan hệ tình cảm giữa ông và bà Thúy như một bản án đối với ông. Đến hôm qua, khi VKS phát biểu không khẳng định quan hệ giữa ông và bà Thúy là quan hệ bất chính như đã giải tỏa "nỗi oan" cho ông.
Ông Tài cho rằng ông không phải người giới thiệu dự án cho bà Thúy, bà Thúy cũng chưa từng đến gặp ông xin tham gia dự án.
Về nội dung vụ án, ông Tài cho rằng không chủ trương nào của TP cũng được luật hóa. Ông Tài nhận lỗi nhưng nguyên nhân là do áp lực mới dẫn đến sai phạm.
"TP.HCM bị phê bình do nhận thức lãnh đạo, trước đây xem kinh tế nhà nước là quyết định nhưng khi hội nhập thì phải thay đổi. Vì sao tôi phải ký nhiều, ký nhanh? Vì việc này phân công cho tôi nửa chừng nên tôi phải giải quyết nhiều, còn ký nhanh là vì đang chủ trương cải cách hành chính.
Về chuyển đổi chủ trương, 4 tháng sau tôi mới biết. Tôi đã báo với bí thư và chủ tịch UBND TP và được đồng ý" - ông Tài phân trần.
Tương tự, ông Đào Anh Kiệt (cựu giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường) cũng bày tỏ ý kiến của mình. Ông Kiệt cho rằng bản thân mình không bị tác động bởi ai, không vụ lợi và mong muốn HĐXX đánh giá một quá trình.
"Tôi đã có 4 khởi tố và 1 vụ đang điều tra. Cứ có 1 vụ án về đất đai tại TP.HCM là tôi lại run sợ vì không có vụ việc nào không kết thúc bằng việc ra 1 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Mà tôi là giám đốc, tôi không được ủy quyền cho cấp phó ký. Với khối lượng công việc lớn như vậy tôi phải dựa vào bộ phận chuyên môn" - ông Kiệt chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận