Bị cáo Diệp tại phiên tòa ngày 17-11 - Ảnh: NHẬT THỊNH
Sau khi bị VKS đề nghị mức án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị cáo Dương Thị Bạch Diệp (Công ty Diệp Bạch Dương) đã có phần tự bào chữa cho mình.
"Tôi đau khổ vô cùng, tôi bị oan"
Vẫn cho rằng mình bị khởi tố, bắt giam oan, bị cáo Diệp bác bỏ toàn bộ quan điểm luận tội của vị đại diện VKS đối với mình. Bị cáo khẳng định mình không lừa đảo ai, và cho rằng các cơ quan tiến hành tố tụng đã dùng những chứng cứ giả mạo để buộc tội oan cho bị cáo.
Bị cáo cho rằng, cáo trạng mô tả hành vi phạm tội của bị cáo như một kẻ lừa đảo chuyên nghiệp, trong khi bị cáo từng là cán bộ nhà nước, được Nhà nước tặng thưởng huy chương nhưng cáo trạng không đề cập đến là thiếu công bằng đối với bị cáo.
Bị cáo Diệp nói đã bị đánh tráo nội dung hợp đồng tín dụng và tài sản. Bà khẳng định tài sản 57 Cao Thắng không hề thế chấp trong hệ thống ngân hàng.
"Nếu tôi thế chấp, phải có giấy nhận nợ. Vậy giấy nhận nợ đâu? Không thể sử dụng hợp đồng giả mà xác định tôi thế chấp. Agribank bắt buộc phải có giấy lĩnh vàng, lĩnh tiền, phải có 5 chữ ký đầy đủ", bà Diệp trình bày.
Theo bị cáo này, những người tham gia làm giả tài liệu không được tòa triệu tập. Về khoản vay 8.700 lượng vàng, bị cáo Diệp cho rằng các cơ quan tiến hành tố tụng đã "khéo léo" đưa vào khoản vay 67.000 lượng vàng, hai khoản vay này không liên quan gì đến nhau.
Bị cáo Diệp được đưa đến tòa sáng 17-11 - Ảnh: NHẬT THỊNH
Bà Diệp đề nghị HĐXX làm rõ tính xác thực của những tài liệu mà VKS dùng để buộc tội đối với bà. "Tôi ở tù 3 năm rồi, đau khổ vô cùng, tôi bị oan!", bà Diệp nhiều lần mất bình tĩnh trong phần tự bào chữa.
"Hồ sơ công chứng chưa xong thì sao đưa đi cập nhật?"
Luật sư Phan Trung Hoài bào chữa cho bà Diệp. Ông Hoài nêu lên 8 nội dung mà HĐXX đã trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung, nhưng VKS đã có văn bản trả lời khẳng định không có căn cứ để trả hồ sơ điều tra lại.
Về 8 vấn đề mà VKS đã nêu trong công văn này, luật sư Hoài đề cập đến việc nhà 57 Cao Thắng có được thế chấp hay không. Cụ thể, luật sư Hoài nói rằng cáo trạng buộc tội bà Diệp bởi đã đi công chứng thế chấp nhà 57 Cao Thắng vào ngày 31-12-2008 nhưng phần mềm Master của Bộ Tư pháp ghi nhận hồ sơ này hoàn tất vào ngày 16-1-2009.
Về việc lệch này, Viện KSND tối cao cho rằng do hồ sơ của ngày cuối cùng của năm nhiều, chưa cập nhật kịp, nên nhiều hồ sơ khác cũng cập nhật sau.
Về quan điểm này, luật sư Hoài cho rằng: "Thông qua phần xét hỏi tại phiên tòa cho thấy phần trả lời của VKS là chưa thỏa đáng đối với việc lệch ngày nhập liệu hợp đồng thế chấp tại phòng công chứng", luật sư Hoài nói.
Ông Hoài cho rằng việc lùi ngày công chứng thì đã vi phạm thời hiệu công chứng theo Luật công chứng. Như vậy, hồ sơ công chứng chưa hoàn tất thì sao mà mang hồ sơ sang phòng đăng ký đất đai để cập nhật luôn trong ngày 31-12-2008?
Phiên tòa vẫn đang tiếp tục chiều 17-11.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận