Phiên tòa sơ thẩm (lần 2) dự kiến mở ngày 26-5 tại TAND tỉnh Đắk Lắk để xét xử bị cáo Tưởng Đăng Thế (có tên gọi khác là Thế Tùng, 45 tuổi, trú xã Ea Kênh, Krông Pắk, Đắk Lắk) về tội giết người.
Cái chết oan khuất trong rẫy vắng
Theo hồ sơ vụ án, khoảng 15h ngày 18-1-2006 bà Nguyễn Thị Liên (trú thôn Tân Trung, đã mất) không thấy con gái đâu nên đi tìm. Khi ra sau vườn cà phê cách nhà khoảng 50m, bà thấy con gái Trần Thị Kim Hồng (sinh năm 1993) nằm bất động, trên mặt và người có nhiều vết thương chảy máu, quần bị lột khỏi người.
Bà Hồng bế con vào nhà rồi cùng người thân đưa đi cấp cứu. Nhưng do vết thương quá nặng, Hồng đã không qua khỏi.
Ngay trong đêm 18-1, Công an tỉnh Đắk Lắk đã khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và xác định đây là vụ án giết người đặc biệt nghiêm trọng.
Ngày 20-1-2006, cơ quan chức năng đã kêu gọi quần chúng nhân dân tố giác tội phạm. Công an đã thu nhận được hàng chục lá thư, trong đó có một người chỉ đích danh "Thế Tùng" (tức Tưởng Đăng Thế) là người đã sát hại chị Hồng.
Ngày 25-1-2006, anh Thế bị công an triệu tập cùng nhiều người có dấu hiệu nghi vấn khác. Chỉ một ngày sau, anh Thế thừa nhận mình giết Hồng. Công an đã lập biên bản đầu thú, ghi lời khai và yêu cầu Thế viết bản tường trình.
Theo kết quả điều tra của Công an tỉnh Đắk Lắk, khoảng 11h ngày 18-1-2006, Thế nhậu với một số người trong thôn. Đến khoảng 13h cùng ngày, Thế chở ông Trần Đình Cát về và ngủ lại nhà ông này.
Khoảng 14h, Thế tỉnh dậy và nảy sinh ý định trộm cắp vì biết gia đình ông Trần Phi Hùng và bà Nguyễn Thị Liên (cha mẹ nạn nhân Hồng) mới bán bắp nên có tiền. Thế đi bộ từ nhà ông Cát đến nhà Hồng (cách 450m), lẻn vào nhà định trộm thì bị Hồng phát hiện nên Thế kéo Hồng ra phía sau vườn cà phê cách nhà khoảng 50m.
Bị kéo đi, Hồng la hét lấy tay bám vào cành cà phê nên Thế lấy cây đập vào mu bàn tay, tay còn lại bịt miệng nạn nhân. Sau đó, Thế đè nạn nhân ra bóp cổ khoảng 2 phút gây ra thương tích ở vùng cổ.
Thấy nạn nhân còn cựa quậy, Thế lấy cục đá gần đó "thả rơi tự do" vào đầu nạn nhân. Kết quả giám định pháp y nhận định đây là nguyên nhân chính khiến Hồng tử vong.
Gây án xong, Thế lột quần nạn nhân để tạo hiện trường vụ hiếp dâm, rồi về nhà ông Cát ngủ tiếp.
Tối cùng ngày và sáng hôm sau, Thế vẫn đến đám tang nạn nhân và vẫn chơi đánh bài thắng được 60.000 đồng.
Suốt 17 năm kêu oan
Vụ án tưởng như đã được giải quyết với việc đã bắt được hung thủ. Đặc biệt, chính hung thủ thừa nhận các hành vi phạm tội của mình, phù hợp với nhiều tình tiết, dấu vết có tại hiện trường. Tuy nhiên, từ giai đoạn có luật sư (chỉ định), kiểm sát viên tham gia xét hỏi và ở tất cả các phiên tòa sau này, Thế đều một mực kêu oan mình không giết Hồng.
Thế cho rằng các lời thừa nhận, bản tường trình là do Thế bị các điều tra viên đánh đập, mớm cung phải làm theo vì "sợ bị đánh chết".
Sau đó, tòa tuyên Thế tù chung thân vì tội giết người.
Khi đã chấp hành án, Thế vẫn một mực kêu oan, đồng thời đưa ra nhiều bằng chứng ngoại phạm, phủ nhận lời khai của nhân chứng trực tiếp vì người này có mâu thuẫn với mình trước đó...
Ngày 26-6-2018, Viện KSND tối cao đã có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng hủy cả hai bản án sơ thẩm (ngày 4-7-2008) và phúc thẩm (ngày 26-11-2008) để điều tra lại.
Ngày 22-9-2020, TAND tối cao đã họp phiên giám đốc thẩm để xem xét lại vụ án. Hội đồng thẩm phán TAND tối cao cho rằng các bản án sơ và phúc thẩm dựa vào lời khai nhận tội của Thế và các nhân chứng, nhất là của bà Nguyễn Thị Loan (hàng xóm, người được cho trực tiếp thấy Thế xuống tay với nạn nhân) để kết tội. Tuy nhiên, hai cấp tòa chưa làm rõ các mâu thuẫn giữa lời khai của bị cáo và nhân chứng chính vì "lúc khai thế này, khi khai thế khác".
Không chỉ vậy, hồ sơ thể hiện Thế có 12 lời khai thì có 7 lời khai (giai đoạn đầu) nhận tội và 5 lời khai không nhận tội. Đối với 5 lời khai không nhận tội bắt đầu từ khi có luật sư, kiểm sát viên tham gia.
Thế cho biết do bị bức cung, nhục hình nên phải khai nhận việc mà mình không làm. Thế cũng khai mình không ra đầu thú mà bị bắt đưa về, bị đánh suốt đêm nên phải nhận tội theo yêu cầu của điều tra viên.
Quyết định giám đốc thẩm cũng cho rằng lời khai của nhân chứng trực tiếp Nguyễn Thị Loan quá nhiều mâu thuẫn về khoảng cách, thời gian. Khi đoàn liên ngành xác minh trở lại, bà Loan không xác định được vị trí mình từng đứng, cũng như địa điểm xảy ra án mạng như bà đã từng khai nhiều lần. Bên cạnh đó, công an cũng chưa làm rõ hoàn toàn mâu thuẫn trước đó giữa bà Loan và bị án Tưởng Đăng Thế...
Hội đồng thẩm phán TAND tối cao còn chỉ ra nhiều sai sót, mâu thuẫn và một số điểm vi phạm tố tụng khác mà không thể khắc phục nên buộc phải hủy án, điều tra, xét xử lại từ đầu.
Sau hơn hai năm điều tra bổ sung với nhiều lần tiếp tục trả hồ sơ, vụ án sẽ được xét xử lại từ đầu vào hôm nay 26-5.
Bị đánh khi hỏi cung?
Theo quyết định giám đốc thẩm, ngày 5-5-2006, Thế viết lời khai: do ban đầu không nhận tội giết người nên các ngày 25, 26-1-2006 và ngày 6, 12-4-2006 đã bị điều tra viên D.T.B. đánh. Mặt khác, ngày 12-4-2006, ông Đoàn Quyết Thắng - cán bộ trại tạm giam Đắk Lắk - trích xuất Thế để đi hỏi cung, khi trở về thì phát hiện Thế bị đánh, có thương tích nên lập biên bản sự việc.
"Như vậy, Tưởng Đăng Thế bị điều tra viên đánh khi hỏi cung ngày 12-4-2006 là có thật. Nhưng các lời khai nhận tội trước đó (các ngày 25, 26-1-2006 và ngày 6-4-2006) có bị đánh đập, ép cung hay không phải được điều tra, làm rõ" - quyết định giám đốc thẩm nêu rõ.
Tuy nhiên, sau khi điều tra lại, kết luận điều tra cho rằng ngày 12-4-2006 cán bộ quản giáo thấy Thế có nhiều vết bầm ở vai, lưng và đầu gối nên đã lập biên bản. Tại biên bản này, Thế khai là bị cán bộ điều tra đánh. Báo cáo này của quản giáo có trong hồ sơ vụ án nhưng chỉ là bản photo nên không có cơ sở để xác minh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận