BS. Nguyễn Anh Tuấn đang khám cho người bệnh - Ảnh: BVCC
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do người dân nghe quảng cáo của các cơ sở thẩm mỹ không phép hoặc từ những người không có chuyên môn thực hiện tiêm filler (hay còn gọi là chất làm đầy) tại các cơ sở này.
Chị V.T.H.T., 35 tuổi, ngụ quận 10, TP.HCM đã nghe theo quảng cáo của một spa ở gần nhà và đến cơ sở này tiêm filler nâng mũi. Sau bốn ngày tiêm filler không rõ loại, chị T. bị sưng đỏ vùng tiêm, mắt phải bị mờ.
Khi đến khám tại Khoa Tạo hình - Thẩm mỹ Bệnh viện Đại học Y dược, chị đã bị biến chứng do tiêm filler, gây nhiễm trùng và tắc mạch máu khiến vùng da mũi bị viêm đỏ, có hoại tử đen lấm chấm, mắt phải bị xuất huyết kết mạc.
Chị T. đã được dùng kháng sinh, giảm sưng nề, theo dõi chăm sóc vết thương. Các bác sĩ đánh giá di chứng để lại có thể là các vết sẹo trên da, giảm hoặc mất hẳn thị lực mắt phải.
Theo TS BS. Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng Khoa Tạo hình - Thẩm mỹ Bệnh viện Đại học Y dược, trung bình mỗi tháng Khoa Tạo hình - Thẩm mỹ tiếp nhận 1 - 2 trường hợp bao gồm cả nam và nữ bị biến chứng nặng do tiêm filler, nhiều trường hợp đã để lại biến chứng nghiêm trọng và không thể phục hồi.
Filler được dùng chủ yếu trong thẩm mỹ để xóa các nếp nhăn vùng mặt, các vùng giảm thể tích (teo, lõm, mất mô…) do yếu tố lão hóa theo thời gian hoặc do bệnh lý.
Filler còn được dùng trong một số chỉ định khác của Tạo hình - Thẩm mỹ để tạo hình dạng cho một số bộ phận trên gương mặt cho đẹp hơn như nâng mũi, cằm, môi…
BS Anh Tuấn khuyến cáo việc thực hiện tiêm filler tại các cơ sở spa, dịch vụ làm đẹp không hợp pháp tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra các biến chứng nặng nề, khó chữa.
Vì vậy, để thực hiện làm đẹp nói chung và tiêm filler an toàn, người dân cần đến khám, tư vấn bởi các chuyên viên y tế chuyên khoa Tạo hình - Thẩm mỹ có chứng chỉ hành nghề tại các cơ sở hoạt động hợp pháp, đảm bảo đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất cũng như sử dụng các sản phẩm làm đẹp đã qua kiểm định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận