* Tôi đã cố gắng giải thích nhưng công ty vẫn bắt tôi phải trả nợ dù tôi không phải là người vay. Bây giờ tôi phải làm như thế nào?
Bạn đọc @Tínphan gửi câu hỏi trên tới Tuổi Trẻ Online.
- Giảng viên luật NGUYỄN THANH KHƯƠNG trả lời:
Điều 463 Bộ luật dân sự quy định hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên. Theo đó, bên cho vay giao tài sản cho bên vay, khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Dựa theo quy định, quan hệ vay tiền chỉ hình thành khi có sự thỏa thuận giữa các bên về việc như vay tiền, giao tiền cho vay, hạn trả nợ, lãi suất (nếu có).
Khoản 1 điều 466 cũng quy định cụ thể về nghĩa vụ trả nợ của bên vay như sau: Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn. Nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Như vậy, việc trả nợ chỉ xảy ra khi hai bên có thỏa thuận về việc vay nợ và người vay phải có nghĩa vụ trả nợ. Vì vậy, nếu bạn bị lấy cắp thông tin như số CMND, CCCD, số điện thoại… nhưng trên thực tế không hề vay tiền thì không có nghĩa vụ phải trả nợ. Tuy nhiên, bạn phải chứng minh được bản thân không phải là người thực hiện việc vay tiền.
Khi bị bên cho vay đòi nợ, bạn có thể yêu cầu bên cho vay xuất trình các chứng từ liên quan đến việc vay mượn như thời gian vay, số tiền vay, lãi suất… Đồng thời, có thể trình báo sự việc cho các cơ quan công an cấp tỉnh/thành phố, huyện, xã, phường để các cơ quan này điều tra cũng như có phương án xử lý với người lấy cắp thông tin.
Ngoài ra, để đề phòng việc không vay tiền nhưng vẫn phải trả nợ, mỗi người cần phải hết sức cảnh giác trước những chiêu lừa đảo, tuyệt đối không cung cấp bất cứ thông tin cá nhân nào của mình cho người lạ. Nếu xảy ra trường hợp giấy tờ cá nhân bị rơi, mất thì phải nhanh chóng thông báo với cơ quan có thẩm quyền về việc này.
Bạn có vấn đề về hôn nhân gia đình, tài sản, đất đai, bản quyền, hợp đồng kinh tế, thuế... cần được luật sư tư vấn cụ thể, vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Online qua địa chỉ [email protected].
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận