31/12/2022 15:51 GMT+7

Bị anh trai đe dọa đánh, có thể nhờ đơn vị nào hỗ trợ để đảm bảo an toàn?

THỦY TIÊN ghi
THỦY TIÊN ghi

Anh trai tôi đe dọa đánh tôi nhiều lần do mâu thuẫn gia đình. Một số nước có thể xin lệnh không cho một người nào đó có nguy cơ gây hại cho mình tiếp cận mình trong khoảng cách nhất định, không biết tại nước ta có không?

* Nếu không có thì tôi phải nhờ đơn vị nào hỗ trợ để đảm bảo an toàn? Nếu anh tôi thực hiện hành vi bạo lực và nhà có lắp camera thì tôi có thể cung cấp trích xuất camera làm bằng chứng  không?

Bạn đọc Thanh Nhàn (TP.HCM)

- Luật sư Vũ Quang Đức (Đoàn luật sư TP.HCM) tư vấn:

Luật Phòng chống bạo lực gia đình (lưu ý có hiệu lực từ ngày 1-7-2023) quy định:

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.

Điều 22. Biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình

1. Biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình bao gồm:

- Buộc chấm dứt hành vi bạo lực gia đình.

- Cấm tiếp xúc.

Điều 23. Buộc chấm dứt hành vi bạo lực gia đình

1. Người có thẩm quyền giải quyết vụ việc bạo lực gia đình được áp dụng ngay các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật để chấm dứt hành vi bạo lực gia đình.

2. Người có mặt tại nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình theo khả năng của mình và tính chất của hành vi bạo lực gia đình có trách nhiệm yêu cầu người có hành vi bạo lực chấm dứt ngay hành vi đó.

Điều 24. Yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở công an xã

1. Khi được phân công giải quyết vụ việc, trưởng công an xã có quyền yêu cầu người có hành vi bạo lực đến trụ sở công an xã để làm rõ thông tin, giải quyết vụ việc trong các trường hợp sau đây:

b) Khi có căn cứ cho rằng hành vi bạo lực gia đình đã hoặc có thể tiếp tục gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của người bị bạo lực.

3. Trường hợp người có hành vi bạo lực không chấp hành yêu cầu, công an xã được sử dụng công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật để đưa người này đến trụ sở công an xã.

Điều 25. Cấm tiếp xúc theo quyết định của chủ tịch UBND cấp xã

1. Chủ tịch UBND cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc mỗi lần không quá 3 ngày trong các trường hợp sau:

a) Có đề nghị của người bị bạo lực, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đối với hành vi bạo lực gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại đến sức khỏe hoặc tính mạng của người bị bạo lực.

Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đề nghị thì phải được sự đồng ý của người bị bạo lực hoặc người giám hộ, người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực.

b) Hành vi bạo lực gia đình đe dọa tính mạng của người bị bạo lực.

2. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận được đề nghị quy định tại điểm a khoản 1 điều này, chủ tịch UBND cấp xã xem xét, quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc; trường hợp không ra quyết định thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho cơ quan, tổ chức, người đề nghị biết.

3. Quyết định cấm tiếp xúc có hiệu lực ngay sau khi ký ban hành và được gửi cho người có hành vi bạo lực, người bị bạo lực, trưởng công an xã, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố nơi cư trú của người bị bạo lực.

Điều 26. Cấm tiếp xúc theo quyết định của tòa án

1. Tòa án nhân dân đang thụ lý hoặc giải quyết vụ án dân sự giữa người bị bạo lực gia đình và người có hành vi bạo lực quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc trong thời gian không quá 4 tháng khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Hành vi bạo lực gia đình gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại đến sức khỏe hoặc đe dọa tính mạng của người bị bạo lực.

b) Có đơn yêu cầu của người bị bạo lực gia đình hoặc người giám hộ, người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.

Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có đơn yêu cầu thì phải được sự đồng ý của người bị bạo lực hoặc người giám hộ, người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực.

Như thế bạn có thể gửi đơn yêu cầu đến chủ tich UBND cấp xã, yêu cầu buộc chấm dứt hành vi bạo lực gia đình; cấm tiếp xúc hoặc khởi kiện ra tòa cấp huyện.

Hình ảnh thu thập qua camera cũng được xem là nguồn chứng cứ.

Bạn có vấn đề về hôn nhân gia đình, tài sản, đất đai, bản quyền, hợp đồng kinh tế, thuế... cần được luật sư tư vấn cụ thể, vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Online qua địa chỉ [email protected].

Di chúc bằng miệng không có hiệu lực trong trường hợp nào? Di chúc bằng miệng không có hiệu lực trong trường hợp nào?

TTO - Di chúc bằng miệng khác gì di chúc bằng văn bản và cần phải chứng minh như thế nào?

THỦY TIÊN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên