19/02/2024 12:02 GMT+7

Bí ẩn vợ vua phải làm bánh bán dạo - Kỳ 1: Đỉnh cao danh vọng của bà hoàng

Ân Phi Hồ Thị Chỉ từng được xem là "hoàng hậu" nước Đại Nam, từng lóng lánh ánh kim cương trước và sau mũi hài trong chốn hoàng cung. Nhưng cuộc đời bà "xôi hỏng bỏng không", mấy mươi năm điên dại, làm bánh lọc bán dạo chẳng khác gì một thường dân.

Sách ảnh Annam 1919 - Đông Dương thuộc Pháp xuất bản tại Paris chú thích ảnh bà Ân Phi Hồ Thị Chỉ là “hoàng hậu nước Annam” - Ảnh tư liệu

Sách ảnh Annam 1919 - Đông Dương thuộc Pháp xuất bản tại Paris chú thích ảnh bà Ân Phi Hồ Thị Chỉ là “hoàng hậu nước Annam” - Ảnh tư liệu

Ghé biệt cung An Định (Huế) trong những ngày này, căn phòng bên phải của tầng một thực sự cuốn hút mọi người bởi sự lộng lẫy, sang trọng.

Tranh tường tứ phía, vòm cửa trang trí họa tiết cổ điển châu Âu; trên những tủ chưn, kệ gỗ và bàn ghế "phong cách Khải Định" (*) bày biện những món đồ cổ cung đình quý giá...

Ít ai ngờ không gian cung đình quý phái này từng là nơi ở nhếch nhác, làm bánh lọc bán dạo của vị chính thất vua Khải Định một thời...

Đứng đầu nội cung

Ngày 15-7-1917, vua Khải Định và Toàn quyền Đông Dương Albert Pierre Sarraut đã cùng chủ trì lễ đặt đá xây Trường nữ Đồng Khánh bên bờ sông Hương, đối diện Kinh thành Huế.

Nhà trường (của người Pháp) đã cử một cô nữ sinh xinh đẹp dâng kéo cho hoàng thượng cắt dải gấm điều bước vào trường cử lễ; cũng chính cô nữ sinh này thay mặt nhà trường đáp từ bằng bài văn tiếng Pháp rất lưu loát và tặng hoa cho hai vị thượng khách.

Đó là nữ sinh Hồ Thị Chỉ - ái nữ của Khánh Mỹ Quận công Hồ Đắc Trung, thời điểm ấy là thượng thư Bộ Lễ kiêm Bộ Học. Lần diện kiến đức vua ấy, đâu ai ngờ là khởi đầu mấy mươi năm số phận lạ lùng...

Nữ sinh Hồ Thị Chỉ được xem từng suýt làm chánh phi vua Duy Tân, có gia thế khủng, học hành bài bản, tiếng Pháp và tiếng Hán lưu loát.

Theo hồi ký của người em gái là sư bà Diệu Không, từ nhỏ: "Mỗi ngày anh em chúng tôi tiếp tục được học quốc văn với một cô giáo, học Hán văn với một thầy giáo. Anh chị em chúng tôi còn được học Pháp văn với một người Pháp một tuần hai lần nữa".

Ba tháng sau lần gặp đầu tiên ấy, hoàng đế Nam triều chọn bà nạp cung. Sách Đại Nam thực lục chép tháng 10-1917: "Vua phụng lời dụ của hai cung tuyển Hồ Thị Chỉ con gái Thượng thư Bộ Học Hồ Đắc Trung vào nội đình, tấn phong là nhất giai Ân Phi".

Nội cung lúc ấy khá nhiều bà nhưng cấp thấp, ngôi vị Ân Phi cao nhất trong suốt nhiều năm.

Bà Hồ Thị Chỉ được vua Khải Định phong nhất giai Ân Phi khi vừa nhập nội cung - Ảnh tư liệu

Bà Hồ Thị Chỉ được vua Khải Định phong nhất giai Ân Phi khi vừa nhập nội cung - Ảnh tư liệu

Danh vọng tột cùng

Bổng lệ nhất giai Ân Phi 1.200 đồng/năm, cao hơn hẳn các bà khác (tam giai Huệ Tần lúc ấy mỗi năm 442 đồng, 68 xu), nhưng chẳng nhằm nhò với những thứ gia đình bà sắm sửa, chu cấp.

Hồi đó, gia đình bà nổi tiếng giàu có, người cha gần như tột đỉnh quyền lực trong hàng quan lại. Người ta bảo "Nhà cụ Thượng Lễ đủ sức lập một nội các" quả không ngoa.

Ngoài người con lớn Hồ Đắc Khải đã làm quan, cụ gửi năm người con trai sang Pháp du học năm ngành khác nhau. Trong đó, ông Hồ Đắc Điềm học luật khoa, Hồ Đắc Di theo y khoa, Hồ Đắc Liên học khoáng địa chất, Hồ Đắc Ân học dược và Hồ Đắc Thứ học tài chính ngân hàng.

Trong cung, phục sức của Ân Phi luôn sang trọng nổi bật. Ánh sáng lấp lánh từ kim cương đính trước và sau mũi hài mỗi lần bà dạo bước.

Bà Ân Phi thất thời, phải cắp thúng đi bán bánh dạo - Tranh LÊ HỮU LONG

Bà Ân Phi thất thời, phải cắp thúng đi bán bánh dạo - Tranh LÊ HỮU LONG

Các bà khác thường hầu bài bạc bề trên hoặc chơi với nhau những trò không hơn con nít là mấy. Còn Ân Phi được các anh em ở Pháp gửi về đủ thứ vật dụng "trong nước không thấy có", gồm cả cây đàn piano bà đệm hằng ngày trong Tử Cấm Thành.

Hầu hết các cuộc đón tiếp, tiệc tùng với người Pháp tại tòa Khâm sứ hoặc ở trong cung, Ân Phi luôn kề vai sát cánh với vua Khải Định.

Nhà vua có lẽ theo lệ "đi kèm phu nhân" như người phương Tây. Mặt khác, Ân Phi tư chất thông minh, thuần theo Tây học, chuẩn phép lịch sự, giỏi ngôn ngữ Pháp cho nên trở thành người thông ngôn đắc lực cho phu quân.

Tư liệu họ Hồ Đắc làng An Truyền viết: "Riêng trong các buổi yến tiệc, tiếp tân ngoại giao có các quan chức người Pháp, Y Pha Nho (Tây Ban Nha), các vị lãnh đạo Thiên Chúa giáo người ta thấy bà hoàng phi luôn đi bên cạnh vua".

Báo chí phương Tây thường gọi Ân Phi là "hoàng hậu". Các vị khách Tây cũng thường "thưa hoàng hậu" hoặc khen "hoàng hậu rất tuyệt"..., trong khi phu quân bên cạnh vẫn cười theo phép lịch sự. Ân Phi luôn trong trạng thái danh vọng tột cùng.

Coi thường...

"Với vai" hoàng hậu, Ân Phi coi thường ra mặt hầu hết mọi người trong nội cung, nhất là bà Huệ Phi Hoàng Thị Cúc (mẹ vua Bảo Đại, sau là Đoan Huy hoàng thái hậu) sau này.

Hồi đó, Huệ Phi được vua Khải Định cho người đến dạy tiếng Pháp vỡ lòng. Khi chờ thầy tới, Ân Phi đến bày Huệ Phi cách chào thầy bằng một câu tiếng Pháp "Thầy có ăn... không?" rồi diễn giải "Thầy có khỏe không?"...

Chuyện ấy do bà Nguyễn Hữu Bích Tiên sinh thời kể lại với nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Sơn. Bà Bích Tiên là cháu ngoại vua Dục Đức, vợ của ông Vĩnh Cẩn (phò Bảo Đại khi học ở Pháp), vừa gọi Hoàng thái hậu Thánh Cung (mẹ đích vua Khải Định) là cô ruột, thường xuyên ra vào cung cấm nên biết rất nhiều câu chuyện nội cung. Bà Bích Tiên kể khá nhiều câu chuyện Ân Phi "coi thường" cả đức phu quân.

Thường đêm vua dạo tam cung lục viện trong Tử Cấm Thành. Lần ấy, vua đi ngang cung - nơi ở của Ân Phi, nghe thấy bà đang ngồi đệm đàn piano, vua dừng lại.

Vị thái giám vào trong cung báo với bà rằng đang có vua phía trước. Lẽ thường, bà phải dừng đàn ra sân quỳ lạy mời đón ngài ngự vào cung. Thế nhưng, bà tiếp tục ngồi đánh đàn. Nhà vua giận quá bỏ đi.

Hôm sau có người đến báo rằng chuyện tối qua làm vua rất giận. Bà bảo: "Tui nghĩ đáng lý ra hoàng đế phải nhẹ nhàng đi vào từ phía sau, rồi đặt hai tay lên hai vai tui, tiếp tục nghe tui đàn. Tại sao hoàng đế phải muốn tui ra quỳ lạy đón ngài!"...

Căn phòng sang trọng của biệt cung An Định là nơi từng ở của bà Ân Phi Hồ Thị Chỉ - Ảnh: THÁI LỘC

Căn phòng sang trọng của biệt cung An Định là nơi từng ở của bà Ân Phi Hồ Thị Chỉ - Ảnh: THÁI LỘC

Việc theo lề lối Tây phương không đúng chỗ, trật khuôn phép ấy làm cho vị vua, vốn dĩ không ham phụ nữ, càng ngày càng chán ghét.

Năm 1922, vua Khải Định hồi loan sau chuyến Tây du, các bà nội cung quỳ rạp hai bên đường vào điện Kiến Trung để chào đón nhà vua và nhận quà thưởng.

Lệ thường, nhận quà từ tay ngài ngự ai cũng phải quỳ lạy tạ ơn. Khi lên nhận quà, không biết vô tình hay cố ý, Ân Phi đã làm rơi chai nước hoa vua ban xuống sàn, trước sự chứng kiến của rất nhiều người.

Hôm sau, có người thóc mách với vua rằng Ân Phi rất đông anh em ở Pháp gửi nước hoa xịn về xài, cần gì loại nước hoa "bèo" vua ban, nên giả vờ làm rơi để tỏ thái độ coi thường. Nghe xong, vua giận lắm, mối quan hệ giữa vua với bà từ đó rất nhiều căng thẳng.

(*) Giai đoạn mỹ thuật có kiểu thức, bố cục, hệ thống trang trí... nhuần nhuyễn, hài hòa giữa yếu tố cổ điển châu Âu với truyền thống Việt Nam do chính vua Khải Định chủ xướng và đẩy đến đỉnh cao. Có thể xem đây là điểm son thành tựu trong dòng chảy mỹ thuật Việt Nam.

"Nghe nói quan... Hồ Đắc Trung có người con gái thứ ba là Hồ Thị Chỉ rất có dung nhan đức hạnh, nên tuyển sung vào nội cung tấn thăng làm hàng Phi để nghiêm phép tắc trong cung và giữ thể thống, kính vâng ngọc chỉ không dám chậm trễ trái lời, truyền cung lục từ dụ chuyển cho viên đại thần ấy tuân mệnh. Đồng thời truyền báo cho Khâm Thiên giám chọn ngày lành để ngày đó đưa tiến vào Đại nội kính yết đúng nghi thức. Lại kính vâng theo ý chỉ, rộng lượng gia ân, truyền chuẩn tấn phong cho thị ấy làm nhất giai Ân Phi, để thị được đội ơn vinh sủng, mãi mãi giữ thuần phụ đạo..." - vua Khải Định (trích sách Khải Định chính yếu).

*****************

"Thảm kịch thật sự xảy ra đối với một thiếu nữ rất thông minh, học giỏi, đàn hay, thông thạo cả tiếng Pháp, tiếng Latin, Hán văn và Việt ngữ, một giai nhân quốc sắc thiên hương một thời chính là lúc đức vua băng hà ngày 6-11-1925".

>> Kỳ tới: Ngôi cao đổ sụp

Bí ẩn mỹ nhân nội cung vua Khải Định - Kỳ cuối: Nỗi nhớ nhung vua của người vợ "Tiếp liều"Bí ẩn mỹ nhân nội cung vua Khải Định - Kỳ cuối: Nỗi nhớ nhung vua của người vợ 'Tiếp liều'

Chuyện xưa kể rằng bà Tiệp Dư (Tiếp Du) Trần Thị Khuê thường đánh bài trong cung vua Khải Định. Có bận thua bài liền tù tì, nợ nần nhiều quá bị người ta đòi, bà liều mình nhảy xuống giếng nên được gán biệt danh "Tiếp liều"...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên