Khi virus corona tiếp tục càn quét trên khắp thế giới, nỗi lo âu đang ngày càng dâng cao. Người tiêu dùng e sợ các biện pháp cách ly đã và đang không ngừng tích trữ nhu yếu phẩm từ nhiều tuần qua, theo từng đợt từng cơn mua sắm trước mỗi thông tin về dịch bệnh.
Tại các siêu thị, người tiêu dùng đang ồ ạt mua sắm trang thiết bị vệ sinh, tiếp theo là pin và các thiết bị điện tử. Tuy nhiên, có một mặt hàng đặc biệt luôn… hết sạch trên giá trưng bày siêu thị: giấy vệ sinh.
Không chỉ ở Úc mà các cửa hàng tại các quốc gia khác như Nhật, Mỹ, New Zealand cũng bị khoắng sạch giấy vệ sinh. Ở Hong Kong thậm chí các tên cướp còn đột nhập vào siêu thị để trộm giấy vệ sinh. Ở Nhật, người ta phải khóa lại để ngăn tình trạng ăn cắp giấy vệ sinh tại nhà vệ sinh công cộng.
Vì sao vậy? Câu hỏi này đã được không ít lần đề cập trong suốt một tháng qua, nhưng chúng ta dường như vẫn chưa nghe ý kiến từ các chuyên gia.
Theo Niki Edwards, Trường Sức khỏe cộng đồng và Công tác xã hội, ĐH Kỹ thuật Queensland:
“Giấy vệ sinh tượng trưng cho sự kiểm soát. Chúng ta sử dụng giấy vệ sinh để “làm sạch”.
Giấy vệ sinh liên quan tới một chức năng sinh lý ít nhiều còn mang tính cấm kỵ. Khi người ta nghe tới virus corona, người ta sợ mất kiểm soát.
Do đó, giấy vệ sinh duy trì một mức độ kiểm soát nhất định đối với sự vệ sinh, sạch sẽ.
Con người dường như không thích những sản phẩm thay thế. Kệ siêu thị vẫn còn đầy khăn giấy lớn nhỏ.
Truyền thông cần có vai trò quan trọng trong các thông điệp về virus đưa đến cho công chúng.
Dù sự chân thật là hết sức cần thiết, nhưng tạo ra kích động thái quá và cổ xúy các hành vi sai trái là hoàn toàn không nên."
Còn theo Brian Cook, dự án Kết nối cộng đồng giảm thiểu rủi ro thảm họa, ĐH Melbourne thì nghĩ rằng:
"Tôi cho rằng hiện tượng này liên quan tới cách con người đối phó trước stress: họ muốn một cái gì đó dễ chịu và an toàn.
Với nhiều người phương Tây, có một yếu tố “í ẹ” (thậm chí ghê tởm) gắn với việc lau rửa không bằng giấy vệ sinh.
Tôi nghĩ đây còn là yếu tố thực tế. Giấy vệ sinh là sản phẩm chiếm dụng nhiều không gian, và do đó không phải là món mà người ta thường hay tích trữ trong các tình huống thông thường.
Rất nhiều người có thể sử dụng giấy vệ sinh như một dạng khăn giấy, do đó họ tự mình tưởng tượng ra họ rất cần giấy vệ sinh khi bị cảm cúm hoặc tương tự.
Tích trữ giấy vệ sinh còn là một hành vi khá ít tốn kém về chi phí, và người ta dễ nghĩ họ “đang làm gì đó” khi đứng trước một nguy cơ."
Trong khi đó, theo David Savage, Trường Kinh tế Newcastle, ĐH Newcastle:
“Tôi nghĩ giấy vệ sinh là một sản phẩm hoàn hảo. Giấy không bị hao mòn hay hỏng hóc theo thời gian, và còn là một trong những sản phẩm ít ỏi có thể tích trữ mà chắc chắn rồi sẽ dùng tới.
Tôi không biết chắc chắn vì sao nhưng tôi cho rằng hầu hết người ta mua giấy vệ sinh chỉ khi họ sắp hết giấy, và đây sẽ là vấn đề lớn nếu ta phải cách ly khoảng chừng hai tuần.
Do đó, đây cũng chỉ đơn thuần là quá trình mang tính chuẩn bị, chỉ vì chúng ta đã thấy giấy vệ sinh bị thiếu hụt ở một nơi nào khác.”
Với Alex Russell, Trường Sức khỏe, Y dược và Khoa học ứntg dụng, ĐH Trung tâm Queensland:
"Ở đây có một vài yếu tố cần phải phân tích. Người ta không chỉ tích trữ giấy vệ sinh. Tất cả các món như khẩu trang hay thiết bị vệ sinh đều bán sạch.
Các món đóng hộp và thực phẩm có thể để lâu cũng bán rất chạy. Người ta sợ, thế là họ dự trữ. Họ mua những gì họ cần, và trong số đó chắc chắn có giấy vệ sinh.
Tôi nghĩ chúng ta để ý thấy giấy vệ sinh hết nhanh hơn các món khác là vì chúng chiếm không gian lớn trên kệ, trong khi những sản phẩm có kích thước nhỏ hơn và có nhiều sản phẩm khác xung quanh lại ít đập vào mắt hơn.
Nguyên nhân thứ hai khiến chúng ta để ý đến giấy vệ sinh chính là chúng không dễ dàng bị thay thế.
Nếu siêu thị bán hết nguyên liệu để chế biến thức ăn, bạn có thể mua một món khác, hoặc tự làm một bữa ăn hoàn toàn khác.
Nhưng nếu không còn các cuộn giấy vệ sinh, ai ai cũng thấy rất khó chịu. Khăn giấy vẫn là khăn giấy, không thể thay thế được, phải không nào?"
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận