Phóng to |
Cựu chủ tịch IOR Ettore Gotti Tedeschi - Ảnh: AFP |
Theo AFP, chủ tịch Gotti Tedeschi buộc phải từ chức do “không thực hiện được các nhiệm vụ quan trọng hàng đầu” trước bao lời khuyến cáo đã được nhắc đi nhắc lại trong khi tình hình lại cứ “ngày càng tồi tệ hơn”. Ban quản trị IOR cho biết ông Gotti Tedeschi chỉ xuất hiện ở IOR hai ngày/tuần và chủ yếu tập trung vào công việc lãnh đạo chi nhánh Ý của Ngân hàng Tây Ban Nha Banco Santander. Nguồn tin từ Vatican tiết lộ ông Gotti Tedeschi còn tuồn tài liệu mật từ IOR ra ngoài để “phục vụ ý đồ cá nhân và chính trị”.
Ông Gotti Tedeschi, một chuyên gia về đạo đức tài chính, được bổ nhiệm làm chủ tịch IOR từ năm 2009 nhằm giúp IOR cải thiện hình ảnh sau nhiều bê bối tài chính. Tuy nhiên, đến năm 2010, cảnh sát Ý tuyên bố điều tra ông Gotti Tedeschi vì tội rửa tiền.
Hoạt động rửa tiền
Vụ sa thải chủ tịch IOR diễn ra một vài tuần trước khi Ủy ban chuyên gia đánh giá các biện pháp chống rửa tiền của Hội đồng châu Âu (Moneyval) quyết định, vào đầu tháng 7, liệu IOR có tuân thủ các quy định quốc tế về chống rửa tiền và cung cấp tiền cho khủng bố hay không. Tuần trước, đại diện Vatican đã gặp các quan chức Moneyval để thảo luận về kết quả điều tra. Giới quan sát nhận định việc sa thải ông Gotti Tedeschi là tín hiệu mà Vatican muốn gửi đến Moneyval.
Tháng 12-2009, tạp chí Ý Panorama gây chấn động khi đưa tin Cơ quan tình báo tài chính thuộc Ngân hàng Trung ương Ý và Bộ Kinh tế & tài chính đã điều tra IOR về tội “tẩy trắng” 180 triệu euro (218 triệu USD) thông qua chi nhánh của Tổ chức tài chính quốc tế UniCredit trên phố Via della Conciliazione, ngay gần nhà thờ Thánh Peter. Trước đó, nhà chức trách Ý đã kiểm tra toàn bộ giao dịch của IOR từ năm 2006-2008.
Tạp chí này khẳng định giám đốc chi nhánh UniCredit phố Via della Conciliazione có quan hệ rất thân cận với ông Lelio Scaletti, cựu giám đốc IOR, người đã rời khỏi ngân hàng này hồi tháng 10-2007. Khi đó, dư luận và truyền thông Ý nghi ngờ IOR đã rửa tiền cho các chính trị gia Mỹ, thậm chí cả các bố già mafia.
Trước khi lên nắm tay hòm chìa khóa của IOR, ông Gotti Tedeschi từng nhiều lần viết bài trên báo L’Osservatore Romano của Vatican, kêu gọi xây dựng một hệ thống tài chính dựa trên luân lý, đạo đức. Tuy nhiên đến tháng 10-2010, cảnh sát Ý đã tuyên bố điều tra ông Gotti Tedeschi và một giám đốc IOR khác cũng vì tội rửa tiền. Trước đó, một chi nhánh của Ngân hàng Ý đã báo động cảnh sát về hai giao dịch đáng ngờ của IOR.
Cảnh sát Ý đã thu giữ 23 triệu euro (30 triệu USD) từ tài khoản Ngân hàng Ý Credito Artigianato chuyển đến Ngân hàng JP Morgan Chase và một ngân hàng Ý khác là Banca del Fucino. IOR kiểm soát cả tài khoản gốc và tài khoản chuyển đến của số tiền này nhưng lại không thể giải thích được nguồn gốc của số tiền.
Ngày 30-12-2010, Giáo hoàng Benedict XVI đã đưa việc công khai và kỷ luật tài chính lên thành ưu tiên hàng đầu khi cho thành lập Cơ quan Thông tin tài chính, một cơ quan độc lập, nhằm giám sát các hoạt động tiền tệ và thương mại của mọi tổ chức có liên quan đến Vatican, bao gồm cả IOR, nhằm chống các hoạt động rửa tiền.
Ngân hàng bí ẩn
IOR thường được biết đến qua tên gọi “Ngân hàng của Vatican”, đã dính đến nhiều vụ bê bối đình đám trong lịch sử hoạt động của mình.
Được thành lập ngày 27-6-1942 theo lệnh của Giáo hoàng Píe XII, IOR có nhiệm vụ chính thức là quản lý tài khoản của các dòng tu và các tổ chức công giáo. Tổng tài sản của IOR ước tính khoảng 5 tỉ euro và khách hàng của nó là các linh mục, nữ tu, các tổ chức và các cơ quan giáo vụ khắp thế giới. Các hoạt động của IOR diễn ra bí mật. Không ai biết IOR hoạt động như thế nào đằng sau bức tường bao quanh Vatican.
Vụ bê bối nghiêm trọng nhất là vào năm 1982, với sự sụp đổ của Ngân hàng Ambrosiano. Ngân hàng này, mà IOR là cổ đông lớn nhất, đã cho một số công ty ma ở Mỹ Latin vay tới 1,4 tỉ USD. Số tiền trên đã biến mất. Đây là một trong những vụ lừa đảo lớn nhất nước Ý. Chính IOR đã bảo lãnh cho các khoản vay này.
Điều tra đã cho thấy Ngân hàng Ambrosiano đã rửa tiền cho mafia Sicile, Ý. Tháng 6-1982, cảnh sát Anh phát hiện chủ tịch Ngân hàng Ambrosiano là Roberto Calvi bị treo cổ lủng lẳng trên cầu Blackfriars ở London. Đến nay vẫn chưa rõ ông này đã tự tử hay bị sát hại. Dù phủ nhận mọi liên quan, song IOR vẫn đồng ý trả cho các chủ nợ của Ngân hàng Ambrosiano 250 triệu USD.
Vài năm sau lại nổ ra “vụ Sindona”. Một cuộc điều tra đã cho thấy IOR đã hợp tác với Michele Sindona, “trùm ngân hàng” của Cosa Nostra, băng đảng mafia Sicile, từ năm 1957. Sindona đã rửa tiền buôn bán ma túy của gia đình tội phạm Gambino bằng cách chuyển tiền từ các ngân hàng do ông ta kiểm soát qua IOR tới các ngân hàng Thụy Sĩ.
Theo báo Le Monde, dù bị nghi ngờ có dính líu trực tiếp vào các vụ bê bối tày đình này, song tổng giám mục Mỹ Paul Marcinkus vẫn là chủ tịch của Ngân hàng Vatican suốt 18 năm, từ năm 1971-1989. Nhờ vào sự “đỡ đầu” của Giáo hoàng Paul VI và Jean Paul II, vị giáo hoàng sau này chống lại mọi cuộc điều tra của chính quyền Ý khi muốn phỏng vấn tổng giám mục Marcinkus, người đã qua đời vào năm 2006.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận