Ông Võ Ngọc Thi là người “ngoại đạo” nhưng có nhiều trăn trở về võ Gò Công - Ảnh: GIA TIẾN
Nhưng thời cuộc đẩy đưa khiến dòng võ mai một và đối mặt với nguy cơ thất truyền...
Cảnh cũ, còn đâu
Ông Phạm Nguyễn Cương Trường - con trai út cố võ sĩ Hồng Long (Bảy Thời), trưởng võ đường Triệu Tử Long - dẫn chúng tôi vào căn nhà của gia đình nằm trên đường Nguyễn Huệ (phường 2, thị xã Gò Công). Hơn nửa thế kỷ, ngôi nhà là nơi tập luyện chính của võ đường Triệu Tử Long từ buổi đầu Quản Chí lập ra đến khi Hồng Long tiếp quản.
Đã có lúc võ đường đông trên 1.000 môn sinh, chia thành nhiều buổi học trong ngày. Đến năm 1992, võ đường chuyển địa điểm do quy định các hoạt động thể dục, thể thao phải diễn ra tại Trung tâm Văn hóa - thông tin.
Gần 30 năm sau, vẫn là ngôi nhà ấy, bình yên bên cạnh di tích Ao Trường Đua. Mặt tiền ngôi nhà được cho thuê. Trên tầng một vẫn còn treo những bức ảnh kỷ niệm của võ sư Hồng Long từ thời trẻ đến lúc làm huấn luyện viên, đi học các khóa trọng tài...
Cạnh đó là huy chương các giải võ cổ truyền, quyền anh mà học trò ông Hồng Long gửi tặng lại. Đặc biệt, chiếc áo choàng trắng, phía sau thêu hình con "rồng đỏ" vẫn được giữ gìn nguyên vẹn dù đã ngả màu năm tháng.
Ông Trường cho tôi xem biển hiệu "Triệu Tử Long" bằng chữ Hán có từ những ngày đầu lập võ đường. Ông lấy thêm thanh đao bằng kim loại, cán gỗ được Quản Chí đặt làm cho võ sĩ theo học. "Ông nội ngày trước rất đam mê, từng món vũ khí đều đặt làm riêng chỉn chu", ông Trường nói.
Sau năm 1975, võ đường Triệu Tử Long phải dừng hoạt động. Và không chỉ võ đường nổi tiếng này, những lò khác cũng tương tự. Võ đường dòng Phan Thành Sự ở Tân Thành (Gò Công Đông) đóng cửa suốt nhiều năm. Những lớp võ của "hậu bối" như Trần Bình Long, Sơn Long, Phan Thành Sơn... cũng tạm ngưng.
Đến năm 1982, hoạt động võ thuật dần trở lại ở Tiền Giang, một số võ đường hồi sinh. Tuy nhiên cũng chỉ vài năm, cùng với khó khăn chung của cả nước về kinh tế, các võ sư phải từ bỏ đam mê để tìm kế mưu sinh. Ông Trần Bình Long, Phan Thành Sơn ra làm lò ấp vịt. Ông Phan Thành Công làm tài xế.
Ngay cả Hồng Đức - tay đấm từng 2 năm liền giành huy chương vàng nội dung đối kháng võ cổ truyền (1991, 1992) - cũng ngậm ngùi: "Giành huy chương rồi cảm thấy trống trải. Hơn 10 năm luyện võ, chẳng có bằng cấp hay nghề gì". Ít lâu sau, Hồng Đức rẽ hướng sang lái xe đường trường.
Ông Phạm Văn Chơi (áo trắng giữa) là người duy nhất của võ đường Triệu Tử Long còn đứng lớp, dù năm nay đã 70 tuổi
Những võ sĩ cuối...
Ông Phạm Văn Chơi (sinh năm 1950, tên võ là Sơn Long, thường gọi Hai Chơi) là võ sĩ duy nhất của võ đường Triệu Tử Long từ những buổi đầu còn đứng lớp hiện nay. Ông Hai Chơi thường được anh em võ đường xem là "đại sư huynh" bởi thời gian gắn bó với sư phụ Quản Chí lâu nhất.
Khi võ đài được cho phép hoạt động trở lại tại Tiền Giang sau năm 1975, ông Hai Chơi lúc này về Tân Hòa (Gò Công Đông) mở lớp võ riêng và từng có thời gian làm ủy viên ban chấp hành Liên đoàn Võ thuật tỉnh Tiền Giang. Từ đó đến nay, ông mở lớp ở nhiều nơi thuộc huyện Gò Công Đông, huyện Gò Công Tây, thị xã Gò Công, cứ mỗi nơi khoảng 3-5 năm.
Từ tháng 8-2020, lớp võ của ông rời phố thị mà chuyển về xã Bình Nghị, huyện Gò Công Đông. Lớp chỉ khoảng 20 môn sinh, hầu hết đều ở tuổi ăn học nên thường không gắn bó lâu dài. Cách đây 3 năm khi mới mở lớp tại trung tâm thị xã Gò Công, có gần 50 em nhưng đến nay số lượng tổng chỉ còn 15 em.
Trong các anh em, ông Hai Chơi là người nắm được nhiều quyền thế nhất của lò võ Triệu Tử Long nhưng chưa có duyên tìm người tiếp nối. "Người có khả năng thì không đam mê, còn người muốn nối nghiệp lại không đủ tài. Vả lại, các bạn trẻ cũng có rất nhiều hướng đi đại học, học nghề. Bây giờ theo dạy võ, mà là võ cổ truyền chứ không phải các môn thời thượng như vovinam, taewondo, karate thì quá khó", ông Hai Chơi tâm sự.
Với võ đường Phan Thành Sự, mọi chuyện dường như khép lại sớm hơn. Năm 1986, ông Phan Thành Sự qua đời, cháu ông là Phan Thành Công (Sáu Công) đứng lên nắm võ đường đến khoảng năm 2010 thì ngưng hẳn. Những dòng võ cổ truyền khác như Nguyễn Hai (Bình Nghị, Gò Công Đông), Mười Lửa (thị xã Gò Công), Tô Văn Gấm (Gò Công Tây) hiện gần như không còn người "đứng mũi chịu sào" gánh vác.
Tấm lòng những người "ngoại đạo"
Ông Lê Bá Tùng, phó giám đốc Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể dục - thể thao Tiền Giang, từng là đệ tử của võ sư Phan Thành Sự. Ông chia sẻ một trong những lý do mà các dòng võ ở Gò Công "đìu hiu" hiện tại là vì quan niệm của những người đứng đầu thời gian trước: võ đường Triệu Tử Long chỉ nên quy về một mối để tránh những biến tấu, dị bản làm mất đi cái gốc.
"Nhìn một mặt thì tư tưởng này có vẻ hợp lý, nhưng ở góc độ khác thì dòng võ bị co cụm, không thể hòa nhập theo xu hướng chung của võ cổ truyền trên cả nước", ông Tùng nói.
Ông Tùng cho biết tỉnh sẽ có thêm những giải đấu võ cổ truyền ở Gò Công, hi vọng phong trào phát triển trở lại. Tháng 8-2020, Giải võ cổ truyền tỉnh Tiền Giang được đưa về tổ chức ở gần đền thờ anh hùng dân tộc Trương Định (Gò Công) như một tiếng chuông đầu tiên khơi lại phong trào võ cổ truyền.
Là người "ngoại đạo" võ Gò Công, ông Võ Ngọc Thi (sinh năm 1977) - trưởng võ đường Tinh Anh, Chợ Gạo (Tiền Giang) - vẫn bày tỏ niềm xót xa: "Mình thấy môn võ Gò Công gắn liền với lịch sử, với quê hương Tiền Giang mà không tiếc sao được. Ngay cả mình không phải là người theo học võ Gò Công nhưng vẫn thấy chạnh lòng".
Không dừng lại ở chuyện thương cảm, ông Thi tìm cách tiếp cận với các "tiền bối" của võ đường Triệu Tử Long như Sơn Long, Trần Bình Long để... học thêm võ dù hiện ông còn quản nhiều lớp võ ở Chợ Gạo.
"Mình nói với chú Hai Chơi hãy truyền hết cho mình, giờ chưa có ai giữ thì mình sẽ giữ giúp, khi nào có người Gò Công đam mê muốn gầy dựng lại thì mình sẽ trả về hết" - ông Thi tha thiết. Thậm chí, ông Thi cũng lên kế hoạch sau khi học xong từ ông Hai Chơi sẽ xin phép mở lớp võ Gò Công ở Chợ Gạo, nơi võ cổ truyền dưới bàn tay của ông Thi đang hoạt động mạnh.
Lỡ cơ hội thành di sản?
TS Phạm Đình Phong - viện trưởng Viện Nghiên cứu, phát triển và quảng bá võ học Việt Nam - điểm lại ngày 21-2-2017, Cục Di sản văn hóa có văn bản gửi đến các Sở văn hóa, thể thao và du lịch Hà Nội, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Bình Dương và Tiền Giang đề nghị xem xét, nghiên cứu phối hợp với viện để kiểm kê, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể võ cổ truyền trên địa bàn để đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi thể quốc gia.
Văn bản có đoạn: "Năm 2012, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch đã ghi danh võ cổ truyền Bình Định vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Theo khảo sát, hiện nay di sản văn hóa phi vật thể võ cổ truyền phân bố đa dạng và rộng khắp ở nhiều địa phương trong toàn quốc, trong đó tập trung đậm nét ở các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Bình Dương, Tiền Giang...".
Nhờ cơ hội đó, ông Phong cũng đã dẫn các chuyên gia đến nghiên cứu, làm phim tư liệu cho dòng võ Gò Công ở Tiền Giang, nhưng việc lập hồ sơ từ phía địa phương không rõ thế nào. Trong khi đó, Bình Dương đã tiến hành nhanh chóng cho võ Tân Khánh Bà Trà, và tháng 2-2021 dòng võ này đã được công nhận di sản phi vật thể cấp quốc gia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận