Hồng Long hạ gục đối thủ ở võ đài Sài Gòn trước 1975 (người phải ở hình trên, người trái ở hình dưới) - Ảnh: GIA TIẾN chụp lại
Võ sĩ "vạn người mê"
Hồng Long là tên võ của Phạm Văn Thời, tức Bảy Thời, người con thứ bảy của Quản Chí. Ông Hồng Long nhiều năm làm việc tại Ty Thanh niên ở Sài Gòn trước 1975. Khi Quản Chí mất năm 1972, Hồng Long xin về làm việc Ty Thanh niên Gò Công và tiếp quản võ đường Triệu Tử Long.
Chỉ tấm hình thời còn trẻ của ba mình là võ sư Hồng Long, ông Phạm Nguyễn Cương Trường (sinh năm 1977, con trai út) kể ngày ấy ba thường được gọi là "võ sĩ đẹp trai nhất Gò Công".
Ông cao gần 1,8m, thân hình rắn chắc, trắng trẻo. Làng võ bấy giờ thường ghẹo ông là "người đẹp Gò Công".
Không chỉ đẹp trai, Hồng Long còn có tài ăn nói. Con trai ông Hồng Long kể nhà có tủ sách hơn 200 cuốn, từ chuyện đông tây kim cổ, chuyện võ, chuyện văn, Hồng Long đều nghiền ngẫm hết.
Nhờ vậy, mỗi lời ông nói đều hút người nghe. Và mỗi đòn thế, bài quyền ông truyền dạy là một câu chuyện, ông kể lại tường tận gốc tích và những ai đánh giỏi chiêu đó.
Đẹp trai, văn võ toàn tài như thế khiến nhiều cô mê Hồng Long như điếu đổ. Trận nào ông đánh thì khán giả nữ đông hơn ngày thường. Nhiều ông chủ hãng đánh tiếng gả con gái cho.
Ông Lê Minh Trang, người từng giảng dạy ở thao đường Nguyễn Trãi, nay là Đại học Sư phạm thể dục thể thao TP.HCM, hồi tưởng: Với ngoại hình, tài ăn nói như vậy, các trận đấu có Hồng Long thì khán giả lấp đầy cả sân vận động Cộng Hòa, nay là sân Thống Nhất (Q.10, TP.HCM).
Chiến lược gia của võ Gò Công
Tuy nhiên, thế mạnh và đóng góp lớn nhất của Hồng Long nằm ở tư duy chiến thuật và tài cầm quân. Ông Trường ví von: "Ông nội Quản Chí mở đường cục bộ thì ba Hồng Long đem thứ võ quê hương đi xa".
Khi về công tác tại Ty Thanh niên Gò Công năm 1972, ông Hồng Long đưa vào chương trình huấn luyện cho võ đường Triệu Tử Long các quy chuẩn chung của toàn quốc lúc bấy giờ, đồng thời luyện "gà" dự các giải vô địch chính quy thay cho những trận tỉ thí tự phát.
Giải vô địch quyền anh và quyền tự do toàn quốc năm 1974, Gò Công đưa đi 3 võ sĩ là Trần Bình Long, Nguyễn Phi Long và Lại Quang Long. Kết quả, Trần Bình Long vô địch quyền tự do hạng ruồi sau chuỗi 5 trận thắng knock-out.
Trần Bình Long nhớ lại: "Anh Bảy, tức Hồng Long, có cái tài nhìn ra điểm yếu của đối thủ chỉ sau vài chục giây quan sát thi đấu. Anh Bảy khuyên tôi phải đánh sao để knock-out đối thủ sớm. Anh không muốn tôi dây dưa thắng điểm vì rất mất sức".
Sau chức vô địch của Trần Bình Long, võ đường Triệu Tử Long nói riêng và võ Gò Công nói chung nổi tiếng ở miền Nam. Nhiều tay đấm cả nước nghe danh liền nhờ Tổng cuộc Quyền thuật lên tiếng thách đấu.
Vừa là sư huynh cũng là sư phụ của Trần Bình Long, Hồng Long nghiên cứu rất kỹ từng đối thủ và chỉ chấp nhận "chơi" với những người nổi tiếng hoặc tỉ lệ thắng của học trò cao.
Với đối thủ "vô danh tiểu tốt", Hồng Long thẳng thừng thay Trần Bình Long từ chối thách đấu để tránh những rủi ro ảnh hưởng danh tiếng.
Từ tháng 9-1974, Hồng Long bắt đầu định hướng cho Trần Bình Long thi đấu các giải quốc tế và giảm dần số trận nhận thách đấu.
Nhờ tài thương thảo và mối quan hệ tốt với Tổng cuộc Quyền thuật, Hồng Long đưa học trò tham gia những độ then chốt để vừa tích lũy kinh nghiệm, vừa khuếch trương thanh thế, trong đó đỉnh cao nhất là hai trận gặp Boonpeng Malai (Thái Lan) và Lý Diệu Quang (Hong Kong, đệ tử của Lý Tiểu Long).
Giải "Người cày có ruộng", tháng 3-1975 tại Phong Dinh (Cần Thơ), Bình Long tham gia. Trong các võ sĩ tham dự, Nguyễn Hoàng Điểm mang đai tứ đẳng thái cực đạo, được mệnh danh là "cây trụ đồng" của võ đường Tần Hớn (Phong Dinh) và là niềm kiêu hãnh của khán giả nhà. Do bốc thăm ngẫu nhiên, Hoàng Điểm và Bình Long không gặp nhau.
Hồng Long đề xuất ban tổ chức cho thêm một trận đặc biệt. Trận đấu giữa hai võ sĩ toàn thắng các trận trước là Bình Long và Hoàng Điểm thu hút người xem chật kín khán đài. Lúc đầu Bình Long hơi ngần ngại, nhưng Hồng Long khẳng định: "Cứ đánh, sẽ ăn".
Trận đấu diễn ra nóng bỏng khi Hoàng Điểm tung các cú đá mạnh mẽ, tầm xa, ngăn chặn đòn của Bình Long. Tuy nhiên, Bình Long cũng không nôn nóng, ra đòn nhử, lộ vẻ sơ hở để dụ Hoàng Điểm chủ động tiến gần.
Cơ hội đến, Bình Long tung cú chỏ lật sở trường hạ knock-out Hoàng Điểm ngay tức khắc ở hiệp đấu thứ 2. Khán giả ở Phong Dinh kinh hãi vì "cây trụ đồng" đã ngã.
Bấy giờ, Hồng Long bước lên sàn đài chỉ vào Bình Long dõng dạc giới thiệu: "Đây là Trần Bình Long, đương kiêm vô địch quyền tự do năm 1974". Cả khán đài lập tức vỗ tay vang dậy.
Võ sĩ “mỹ nam Gò Công” Hồng Long - Ảnh: GIA TIẾN chụp lại
Huấn luyện viên đầu tiên của võ sĩ Tiền Giang
Võ sư Long Phi Phượng (ở thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây) - cháu của võ sư Tô Văn Gấm (một trong 12 cao đồ của sư phụ Bảy Bổn) - từng tham gia huấn luyện cho Đoàn võ thuật cổ truyền Tiền Giang tham dự các giải đấu từ năm 1993 - 2002.
Ông Phượng kể khi các giải đấu võ cổ truyền chính quy bắt đầu được tổ chức trở lại sau năm 1975, Hồng Long là một trong những huấn luyện viên đầu tiên cho các đoàn võ sĩ Tiền Giang, bên cạnh trách nhiệm đào tạo ở địa phương, cung cấp 5 vận động viên mỗi năm cho tỉnh.
"Thời gian Hồng Long nắm chính, đoàn Tiền Giang luôn là đối thủ đáng gờm mỗi kỳ đại hội khu vực hay toàn quốc. Từ năm 1988-1992, đoàn Tiền Giang đều có huy chương vàng nội dung đối kháng, cạnh tranh sòng phẳng với gốc võ cổ truyền như Bình Định hay Quảng Ngãi. Đệ tử nổi tiếng nhất của ông lúc đó là hai em Hồng Đức và Hồng Nhật" - ông Phượng kể.
Chúng tôi liên lạc được Hồng Đức (sinh năm 1972) - người giành huy chương vàng nội dung đối kháng hạng cân 52kg ở Đại hội võ cổ truyền toàn quốc 2 năm liền 1991-1992.
Ông kể mình là một trong những đệ tử ruột của thầy Hồng Long và theo thầy chinh chiến khắp các võ đài. Trước mỗi trận đấu, thầy trò ngồi với nhau, phân tích chiến thuật, chỉ ra một số yếu điểm của đối phương và đề xuất cách đánh cho mình.
Cái hay của Hồng Long là luôn nghĩ cho đệ tử. Với những võ sĩ còn non, ông bao giờ cũng để các em thoải mái nhưng luôn dặn không được "thua out" (knock-out). Còn "gà chiến", ông thúc ép "thắng out" càng sớm càng tốt để tiết kiệm sức ...
Người vợ hậu phương
Năm 2002, tai biến ập đến làm ông Hồng Long phải nằm một chỗ hơn 10 năm. Hoạt động võ đường ngưng lại, ông sống khép mình và dần hạn chế giao thiệp với người ngoài.
Ông Trường kể nhiều học trò hay tin ông bệnh đến khóc than: "Sư phụ ơi, sao lại thế này?". Ông Hồng Long không thích nghe những lời ủy mị đó nên cũng hạn chế người đến thăm. Đến năm 2013, ông qua đời.
Ông Trường nói thêm sở dĩ ba Hồng Long có thể chuyên tâm lo võ đường và sự nghiệp đấu đài, huấn luyện là nhờ... vợ. Đẹp trai, nhiều người mê nhưng ông chọn ở bên người vợ mà ông đã quen khi đi học và làm việc ở Sài Gòn.
"Mẹ tôi biết tính toán, làm ăn, quen ba khi mới 16 tuổi ở Sài Gòn rồi theo về Gò Công. Những năm khó khăn về đời sống sau 1975, sở dĩ ba có thể duy trì võ đường và hết lòng dẫn học trò thi đấu là nhờ có mẹ lo rất vững về kinh tế, thậm chí còn hỗ trợ tiền cho những hoạt động của ba" - ông Trường kể.
****************
Trải qua thời kỳ oanh liệt, ngày nay võ Gò Công gần như chỉ còn trong hoài niệm. Thời cuộc đẩy đưa khiến dòng võ mai một và nguy cơ thất truyền.
>> Kỳ tới: Trước cú knock-out của thời cuộc
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận