Các võ sĩ Gò Công trong một lần thượng đài quyết liệt ở Sài Gòn trước năm 1975 - Ảnh: GIA TIẾN chụp lại
Gò Công trước năm 1975, người dân có một niềm đam mê cuồng nhiệt như bóng đá ngày nay - đó là xem đấu võ. Mỗi khi võ đài sáng đèn là hàng ngàn người nô nức quây tụ, cảnh tượng chẳng kém gì những trận so găng rực lửa bên trời Tây.
Nô nức xem đấu võ
Ông Bùi Minh Lợi (65 tuổi), tức Tư Quốc, người từng tháp tùng những võ sĩ Gò Công đến các sàn đấu. Thi thoảng ông còn làm săn sóc viên cho những màn tỉ thí. Ông kể nghe tới võ đài thời đó, người ta thường nghĩ chỉ người giàu mới bỏ tiền mua vé xem. Trái lại, không ít gia đình làm nông vẫn dành dụm tiền để mỗi khi có dịp là vào tỉnh lỵ xem đấu võ.
"Vậy mà lần nào cũng cháy vé. Có nhà còn biểu con cái đi học gần đó tới mua vé trước cho chắc" - ông Tư Quốc kể. Những người không có tiền, nhất là trẻ em thì trèo rào, tìm lỗ tường chui vào.
Võ đài xứ Gò trước năm 1975 "dậy sóng" quanh năm, đặc biệt vào những lễ hội như Kỳ Yên, lễ đình Trung (rằm tháng 2 âm lịch). Những buổi giao lưu, những màn khiêu chiến, thách đấu giữa các đấu sĩ tứ phương ở nhiều lò võ Gò Công vô cùng nhộn nhịp. Bên những bàn cà phê sáng, thanh niên bàn tán sôi nổi trận võ hôm qua...
Khoảng đầu những năm 1960, Gò Công bắt đầu tổ chức hội chợ tết diễn ra từ trước giao thừa một hai ngày cho tới mùng 6, mùng 7. Ngoài những trò vui chơi ném lon, thảy vòng, lô tô, trong ký ức nhiều người dân xứ Gò Công bấy giờ vẫn còn nhớ như in những trận đấu võ đài long trời lở đất.
Ông Phan Văn Nam, 70 tuổi, nhà gần dinh tỉnh trưởng Gò Công ngày ấy, kể các sàn đấu diễn ra từ 2-4 đêm, mỗi đêm có khi tới 6 cặp võ sĩ tranh tài. Sàn đấu dựng trong sân vận động bóng đá, đối diện Trường THPT Trương Định. Cách mặt đất khoảng 3m, sàn dựng bằng các tấm ván. Mặt trời lặn, những bóng đèn vàng thắp sáng sàn đấu, đứng xa cũng nhìn thấy rõ mồn một từng pha tung đòn của võ sĩ.
Ông Nam kể hễ có võ đài là người đi hội chợ đông gấp ba, có tối chật kín cả sân vận động, ước chừng đến mấy ngàn người. Những khán giả từ ven biển Vàm Láng, Tân Thành hay khu giáp với tỉnh Định Tường (Mỹ Tho ngày nay) xa tới 40km cũng bắt xe lam, xe ngựa đi xem đấu võ. Có người ở nhờ cả nhà người thân mấy bữa để coi cho đã.
"Nói đâu xa, như ông anh bà con tôi ở ven biển Tân Điền, tết nào cũng dẫn vợ con tới nhà tôi chơi, nằm sát ngay chợ Gò Công bây giờ, chỉ để coi đánh võ. Vé bán không xuể, giá vé lúc ấy chừng tầm 50.000 đồng bây giờ nhưng khán giả vẫn coi đen kín", ông Nam nhớ lại.
Hai chiếc quan tài cạnh sàn đấu
Thông thường, "ông bầu" cáp độ cho những lần thượng đài chính quy là Ty Thanh niên, bộ phận phụ trách hoạt động thể dục thể thao trong tỉnh. Tùy mối quan hệ và ý đồ ngoại giao mà ty này sẽ lựa chọn đối thủ cho phù hợp, thường là "gà chiến" từ những lò võ có tiếng như ở Phong Dinh (Cần Thơ), Gò Vấp (Sài Gòn), Nha Trang (Khánh Hòa)...
Tuy nhiên, tất cả đều phải qua Tổng cuộc Quyền thuật để công nhận và tính điểm, một phần cũng để phân biệt với các giải phong trào hay những màn tỉ thí tự phát. Tổng cuộc thường cử chuyên gia hỗ trợ chuyên môn và công tác trọng tài cho một số trận đấu quan trọng.
Ông Lê Tấn Long (65 tuổi), một trong những tay đấm nổi tiếng ở võ đường Triệu Tử Long, Gò Công trước năm 1975, cho rằng cái hay trước hết nằm ở tính chân thực đến trần trụi trong các trận đấu.
Võ sĩ mặc duy nhất chiếc quần ngắn, không áo giáp, không bảo hộ đầu, đôi găng tay mỏng như không. Những pha ra đòn tay, những cú đá chân, những chiêu chỏ, đầu gối vun vút trước mặt khán giả một cách tự nhiên. Võ sĩ hoặc là hò reo ăn mừng chiến thắng, hoặc ngất lịm trên sàn đấu chịu thua knock-out.
Những năm 1960 - 1970, ban tổ chức muốn làm không khí sàn đấu thêm phần "tử chiến" rùng rợn nên đặt hai chiếc hàng (quan tài) mỗi bên khi chào sân.
Các võ sĩ trước khi giao đấu sẽ đến quỳ lạy hoặc sờ vào chiếc hàng này. Không ít trẻ em cùng ba mẹ đi xem đánh võ bị ám ảnh mãi chiếc hàng đến nỗi đêm về phải bật đèn mới ngủ được.
"Để vậy thôi chứ có ai chết thiệt trên sàn đấu đâu. Chiêu của ban tổ chức muốn tăng kịch tính để kéo khán giả tới xem", ông Long nói.
Theo học võ đường Triệu Tử Long, võ sĩ Tấn Long bắt đầu thượng đài khoảng năm 1973, và trước năm 1975 ông đấu ở Gò Công được 4 trận, chưa kể những trận thách đấu không chính thức. Thời gian còn lại trong năm, ông tập dượt hoặc đi giao đấu ở những địa phương khác.
Ông cho rằng hiếm đâu người ta đi xem võ đài đông bằng xứ Gò Công. Ông nhớ lại: "Có bữa khán giả coi đông quá nên đánh bị khớp lúc đầu, sau đó mới hăng máu trở lại. Hay có bữa người ta chen chúc áp sát muốn sập sàn đài, cảnh sát phải vô bảo vệ võ sĩ".
Đông vui như thế, những trận đấu võ đài khiến Gò Công như có hội và nhất định không thể thiếu các... cô gái đẹp. Họ ăn vận xinh đẹp, chỉ mong được cầm tay võ sĩ sau trận đấu, có điều kiện thì mua tặng cho các anh chai nước, bó hoa hay trao một chiếc thiệp nhỏ. Điều thú vị là những võ đường nổi tiếng lúc bấy giờ như võ đường Triệu Tử Long có số võ sinh nữ cũng đông chẳng kém gì nam nhi.
Quyết đấu nơi đô thành
Không ít võ sĩ khi ấy đã vượt ra khỏi Gò Công để lên so tài cao thấp cùng các tay đấm tứ phương nơi đô thành và để lại nhiều ấn tượng. Một trong số những trận thách đấu ấn tượng tại Sài Gòn là giữa võ sĩ Nguyễn Văn Đoàn (Phong Dinh, Cần Thơ ngày nay) và Nguyễn Phi Long (Gò Công).
Báo Sinh Hoạt Thể Thao trước năm 1975, số ngày 28-10-1974 có đoạn tường thuật trận tỉ thí này như sau: "Ngày 27-10 độ đáng lưu ý nhất là độ quyền tự do 3 hiệp x 3 phút giữa hai võ sĩ địa phương: Nguyễn Văn Đoàn 52kg của Phong Dinh và Nguyễn Phi Long 51kg của Gò Công.
Ngay hiệp đầu võ sĩ Phong Dinh áp dụng ngay chiến thuật tốc chiến tốc thắng mưu toan áp đảo võ sĩ Nguyễn Phi Long của Gò Công. Nhưng Long đã rất bình tĩnh ăn miếng trả miếng và khôn ngoan lựa đòn rồi trong một hồi phản công thần tốc tung ra một loạt chỏ gối, anh đã đưa Nguyễn Văn Đoàn xuống sàn đài không dậy nổi. Khán giả hơi tiếc vì võ sĩ Gò Công đã dứt điểm quá sớm chỉ 1 phút 25 sau hiệp 1".
Các lò võ đua nhau khiêu chiến, võ sĩ lên đường du đấu khắp nơi. Nổi bật làng võ Gò Công bấy giờ là hai võ đường Triệu Tử Long và Phan Thành Sự.
Tin trận đánh của võ sĩ Nguyễn Văn Đoàn và Nguyễn Phi Long tháng 10-1974 - Ảnh: GIA TIẾN chụp lại
Thượng đài vì danh dự võ đường
Đến với võ thuật bằng tinh thần say mê trong sáng, nhưng cũng phải mất mấy năm ông Lê Tấn Long mới dần thuyết phục được cha mẹ chấp nhận cái nghề của mình. Với võ sĩ Tấn Long, võ đài máu lửa là nơi người ta đánh hết sức mình vì danh dự võ đường của mình.
Mỗi trận đấu "xoàng xoàng" thời đó được khoảng 6.000 đồng. "Nhưng người ta thượng đài vì danh dự của võ đường mình. Mỗi lần ra trận đều xưng danh và tên võ đường là đã tự hào và quyết chiến thắng", ông Long nói.
___________________________________
Kỳ tới: Đi tìm khởi thủy dòng võ xứ Gò
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận