Bảo vật quốc gia long đong
Đầu triều Minh Mạng, có người đào được "vạn cân đồng" đem dâng, vua cho đó là điềm lành nên sai đúc ba khẩu đại bác Uy phúc.
Sách Đại Nam thực lục viết: "Vua sai đúc ba khẩu đại bác, đều đặt tên là "Bảo quốc An dân đại tướng quân", thân chế bài minh khắc vào súng.
Khẩu một bài minh rằng: "Minh Mạng năm đầu, được vạn cân đồng, sai đúc súng Uy phúc, để bảo đời sau phúc đến có điềm hay, tiếng oai quét yêu quái, truyền con cháu ta, văn võ đều giỏi".
Khẩu hai: "Minh Mạng năm đầu, được vạn cân đồng, sai đúc súng Uy phúc để bảo đời sau phúc lan khắp trong nước, uy dậy cả bốn phương, ức muôn năm ấy, phát mãi điềm lành".
Khẩu ba: "Minh Mạng năm đầu, được vạn cân đồng, sai đúc súng Uy phúc để bảo đời sau uy để chống giặc, phúc ứng điềm lành, văn võ đều dùng, thọ khảo mãi mãi".
Vì tính chất đặc biệt ấy nên súng được đặt trang trọng trước một điện lớn trong hoàng cung.
Chiếm được kinh đô Huế, tháng 9-1885, quân Pháp đã dùng tàu gỗ bọc đồng chở bộ thần công này ra Bắc nhằm đưa về Pháp. Đến vùng biển Hà Tĩnh, tàu bị đắm ngay gần hòn Mắt, cách cửa Nhượng khoảng 35 hải lý, ở độ sâu khoảng 32m.
Tháng 8-2003, ngư dân Trần Văn Thiện, ở thôn 2, xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, đã phát hiện khi lặn xuống đáy gỡ lưới bị vướng. Ngày 2-9-2003, nhóm ngư dân đã thuê người bí mật ra biển trục vớt súng.
Sau đó, một khẩu vốn là "tiền công" của nhóm trục vớt, thương lái mua được đang trên đường chuyển ra Bắc thì bị Công an huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) phát hiện và thu giữ. Vụ việc vỡ lở.
Hai khẩu mà nhóm ngư dân đang chôn bí mật ngoài biển cũng được thu hồi, cả ba đều được giao cho Bảo tàng Hà Tĩnh cho đến nay.
Điều bất ngờ của hậu duệ
Trên mỗi khẩu thần công có khắc nội dung: thực hiện đúc súng là Trần Đăng Long ở Vũ khố.
Chúng tôi tìm về làng An Quán, thuộc Điện Bàn, Quảng Nam để tìm manh mối vị quan Trần Đăng Long theo ghi chép của sử sách triều Nguyễn.
Ông Nguyễn Xuân Chiến, trưởng thôn An Khương 1 thuộc xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, cho biết dân làng An Quán xưa gần như tứ tán, vì hầu hết đất làng đều bị cuốn xuống dòng sông Chợ Củi (một tên gọi xưa của sông Thu Bồn). Theo ông ngày trước dân làng An Quán đông đúc, là nơi tụ hội rất nhiều người thành danh, nhiều nhân vật lịch sử danh tiếng, trong đó có Nguyễn Hiển Dĩnh.
Đầu những năm 1970, sông Chợ Củi bắt đầu sạt lở nặng nề. Thỉnh thoảng, khi thì một vài nhà, khi thì cả xóm bị cuốn xuống sông. Không biết bao nhiêu là kiến trúc cổ tích, từ đình làng, chùa chiền, nhà thờ, hệ thống nhà thờ họ... hầu hết bị cuốn theo sông.
Dẫn tôi ra đình An Quán, một kiến trúc nhỏ nhìn ra sông Thu Bồn, ông Chiến cho biết năm 2009, sau khi được bầu làm thôn trưởng, ông đã vận động bà con đóng góp để xây dựng ngôi đình này.
"Chỗ ni đình mới. Còn đình làng An Quán nguyên xưa bị cuốn xuống sông mấy chục năm rồi, vị trí ngày trước nay nằm giữa sông, gần bờ phía bên kia, cách đây tới mấy trăm mét" - ông Chiến vừa nói chỉ tay ra giữa dòng sông Thu Bồn đang cuồn cuộn chảy...
Tiếp tục đi tìm manh mối, chúng tôi bất ngờ được phóng viên Nguyễn Quỳnh ở Quảng Nam báo tin: Lăng mộ cụ Trần Đăng Long đang ở núi Vân Trai, xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành. Tôi về ngay Tam Kỳ đón Quỳnh cùng lên đường.
Lăng Trần Đăng Long đầu tựa núi Vân Trai, chân hướng về phía biển gồm 2 nấm mộ của ông và người vợ; bia đá ghi rõ tiểu sử, các chức tước và công trạng lẫn việc xếp hạng di tích cấp tỉnh vào năm 2005.
Anh Võ Văn Quang, người tự nguyện trông lăng sống gần đó, giới thiệu tôi tìm gặp ông Trần Đăng Tường, hậu duệ đời thứ 10 của ngài Trần Đăng Long đang trú ở quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng.
Đón tiếp trong sự vui mừng, ông Tường cho hay chừng 30 năm trước, ông chính là người bất ngờ tìm được lăng mộ cụ tổ. Chuyện trong dòng họ Trần Đăng kể rằng cụ tổ Trần Đăng Long qua đời ở Huế, được đức Thánh tổ Minh Mạng cho thuyền bè đưa linh cữu về an táng tại địa điểm ngày nay thể theo di nguyện của ông lúc còn sống.
Đến sau 1945, vì nhiều lý do, nhất là các vị cao niên đều qua đời mà lăng mộ "thất lạc". Mấy chục năm trời, cả dòng tộc luôn trong nỗi buồn canh cánh...
Một ngày đầu thập niên 1990, khi đang đạp xe ở TP Đà Nẵng, ông Tường bất ngờ gặp người bạn cũ. Người này bảo từng đến núi Vân Trai, ghé mộ cổ và đọc tấm bia đá có những thông tin tương tự điều trăn trở của bạn mình.
Ông Tường dẫn vợ đến ngay Vân Trai, đọc xong thông tin trên phiến bia cổ, ông ôm vợ khóc nức nở vì xác định đây là nơi yên nằm của tổ tiên mình. Khu mộ sau đó được tu sửa, chỉnh trang, dựng bia đá, xây cổng, làm đường dẫn vào...
Làm tốt việc quan, được vua khen thưởng
Trần Đăng Long, sinh năm 1760, theo phò chúa Nguyễn từ năm 19 tuổi và được giao giữ nhiều chức vụ quan trọng từ thời chúa Nguyễn Phúc Ánh cho tới giai đoạn triều Nguyễn.
Sách sử triều Nguyễn chép khá nhiều về công việc ở triều đình của quan Trần Đăng Long. Đáng chú ý là góp phần kiến thiết và xây dựng kinh đô Huế giai đoạn đầu, làm quản lý kho quân nhu và tổ chức chế tạo súng ống, đạn dược...
Nhiều vị trí công việc ông đều làm rất tốt, được nhà vua trọng thưởng. Sử ghi, tháng 10 năm Minh Mạng thứ 1 (1820), vua sai ông quản lý Vũ khố - cơ quan quản lý xuất nhập vật liệu và vũ khí.
Ông góp phần chế tạo nhiều khí tài cho triều đình, đặc biệt là đúc thành công súng điểu thương theo mẫu nước ngoài.
Ngày 5-8 năm Minh Mạng thứ 4 (1823), nhà vua truyền dụ: "Súng điểu thương dùng thuốc đạn loại mạnh mới chế là súng do nước ngoài mới chế tạo được, mà thợ của Vũ khố cũng theo dụ chỉ làm được đúng theo kiểu đó, thật đáng khen thưởng.
Vậy truyền thưởng cho Vũ khố 100 quan tiền và giao cho Trần Đăng Long thưởng đến tận tay các thợ giỏi để tỏ rõ sự khen thưởng khuyến khích. Lại lệnh cho các thợ đều phải trau dồi nghề nghiệp làm cho kỹ nghệ tinh xảo, sẽ có ban thưởng, hãy kính theo dụ này".
Tháng 8 năm Minh Mạng thứ 8 (1827), vua sai Trần Đăng Long cùng Nguyễn Kim Bảng kiêm quản Tào chính - vận chuyển hàng hóa và vật liệu của triều đình bằng thuyền, kiểm soát và thu thuế tàu thuyền.
Vào tháng giêng năm sau, khi ông bàn giao công việc này cho người kế nhiệm là Trần Văn Năng, nhà vua đã sai trích 200 quan tiền thuế để thưởng cho Trần Đăng Long vì làm tốt chức trách.
Ông mất tháng 12 năm Minh Mạng thứ 9 (1828), sách Đại Nam thực lục viết: "Tặng chức Đô thống, cho 200 lạng bạc, 5 cây gấm Tống".
Sách Đại Nam liệt truyện ghi: "Mùa đông năm thứ 9, ốm chết, 69 tuổi, truy tặng Đô thống, lại gia thưởng 200 lạng bạc, 5 cây gấm tàu, có 6 người con trai là Tự, Phú, Xuân, Thu, Biện, Cận...".
****************
Trong số 27 hiện vật được Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia cuối tháng 1-2023 có tượng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tháng 5-1946, Bác Hồ đã làm mẫu để điêu khắc gia Nguyễn Thị Kim sáng tác bức tượng ấy.
>> Kỳ tới: Vinh dự người nặn tượng lãnh tụ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận