Nơi đây không chỉ có thạch thất thông với mạch nước ngầm - nơi nhà sư khai sơn tu tập mà còn là nơi có nhiều tác phẩm điêu khắc tượng Phật nổi tiếng, trong đó có tượng Phật nằm lập kỷ lục châu Á…
Chùa thiêng trên ngọn núi thiêng
Năm 1872, Nhà sư Trần Hữu Đức (1812-1887) lên lập tịnh thất tọa thiền trong một hang đá. Nhờ công chữa bệnh cho hoàng thái hậu, vua Tự Đức đã ban 4 chữ Linh Sơn Trường Thọ cho ngôi chùa trên núi Tà Cú, nơi nhà sư tu tập.
Khi nhà sư viên tịch (ngày 5-10 Âm lịch năm 1887), ngôi chùa bên dưới Linh Sơn Trường Thọ, gọi là Linh Sơn Long Đoàn (chùa Dưới) được thành lập như một nơi để thờ cúng và ghi nhớ công ơn của người khai sơn.
Mái chùa Linh Sơn Trường Thọ thấp thoáng trong không gian mây trời bàng bạc. Ảnh: instagram
Tương truyền, khi tọa thiền tại thạch thất (nay gọi là Hang Tổ), nhà sư dùng mạch nước ngầm thông với thạch thất để sinh hoạt hàng ngày, ăn rau rừng và không hề xuất sơn. Chính vì vậy, núi Tà Cú đến nay được xem là ngọn núi thiêng, có nhiều loại thuốc nam quý hiếm, là thắng cảnh của tỉnh Bình Thuận và danh lam thắng cảnh lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Khách thập phương đến đây để tận hưởng không khí trong lành, thanh tịnh của núi rừng, đồng thời, nơi đây cũng là "điểm hẹn" quen thuộc của khách hành hương.
Tượng Phật nằm lập kỷ lục châu Á
Tọa lạc tở độ cao 649m trên núi Tà Cú, tượng Phật Thích ca nhập niết bàn dài 49m, cao 7m trở thành điểm tham quan, chiêm bái của Phật tử gần xa. Tượng Phật nằm được xây dựng từ năm 1963 bởi điêu khắc gia Trương Đình Ý.
Điều đặc biệt, khi thực hiện công trình, điêu khắc gia này đã thọ trai, xuống tóc và không xuống núi đến khi hoàn thành tượng Phật vào năm 1966.
Tượng Phật Thích ca nhập niết bàn an nhiên, thoát tục được xác lập kỷ lục "Tượng Phật nằm trên đỉnh núi dài nhất châu Á" năm 2013.
Tượng Phật Thích ca nằm nghiêng được làm bằng xi măng cốt thép và quét vôi trắng bên ngoài. 49m chiều dài tượng Phật tượng trưng cho 49 năm từ khi Đức Thích ca thành đạo thuyết pháp độ đời đến khi nhập diệt. Đến bây giờ, câu hỏi về phương tiện thô sơ, sức người có hạn khi đó làm sao có thể vận chuyển hàng ngàn tấn thép, xi măng để hoàn thành tuyệt tác tượng Phật vẫn còn là điều bí ẩn.
Bên cạnh tượng Phật nằm là đường vào Hang Tổ với quần thể đá nhấp nhô. Hiện nay, trong quần thể đá này, nếu có duyên, du khách có thể tìm được "hòn đá chuông", khi dùng những viên đá nhỏ gõ vào sẽ phát ra tiếng kêu như tiếng gõ chuông.
Trước khi đến được tượng Phật nằm, khách thập phương có thể viếng tượng Phật Di Lạc được tạc từ đá bên vách núi; tượng Địa Tạng Vương Bồ Tát trắng toát uy nghi và tượng Di Đà Tam Tôn (A Di Đà, Quan Thế Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ Tát).
Bước qua hơn 100 bậc thang dốc thoai thoải phủ rong rêu đến với cụm các tượng Phật, du khách có thể cảm nhận được sự thanh sạch nơi tâm hồn, bao bụi trần tan biến khi trước mắt là mái chùa Linh Sơn Trường Thọ thấp thoáng; những thảm cây xanh ngút ngàn; mây trôi bàng bạc; tiếng chim hót líu lo và âm thanh của núi thiêng vang vọng…
Đón khách thập phương đến giỗ tổ
Những ngày gần đây, Phật tử gần chùa núi Tà Cú đã cùng nhau sơn lại những tượng Phật để đón khách thập phương đến viếng, cúng bái và tri ân vị tổ sư khai sơn vào dịp giỗ tổ Trần Hữu Đức vào ngày 11-11 (nhằm ngày 05 tháng 10 Âm lịch).
Du khách có thể lên chùa viếng Phật bằng cáp treo - một trong các hệ thống cáp treo hiện đại nhất Việt Nam được đưa vào vận hành từ năm 2003.
Núi Tà Cú với không gian nguyên sơ - thắng cảnh tiêu biểu của tỉnh Bình Thuận và cũng là danh lam thắng cảnh lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Trước khi lên cáp treo viếng chùa và đảnh lễ chư Phật, du khách có thể hòa mình vào không gian rừng núi thanh tịnh, an yên tại khuôn viên TTC World - Tà Cú.
Nơi đây có những thảm cỏ xanh mát, khu vườn hồng hạc và tượng 12 con giáp như những linh vật; vườn thuốc nam với nhiều loại cây thuốc chữa bệnh; cây ước nguyện chuyên chở những tâm nguyện của du khách qua những dây băng hồng/đỏ; hoặc đơn giản, du khách có thể đắm chìm vào không gian núi rừng nguyên sơ tại đây.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận