Toàn cảnh khu lăng mộ vua Gia Long, nằm giữa quần sơn Thiên Thọ - Ảnh: NGUYỄN PHONG
Phóng viên Tuổi Trẻ đã trở lại khu lăng mộ bí ẩn ấy để tiếp tục khám phá những giá trị lịch sử, văn hóa vẫn đang giấu kín ở nơi này.
Từ trung tâm thành phố Huế, chúng tôi theo QL49 đi về phía tây nam rồi men theo con đường ven sông Tả Trạch đi ngược lên phía thượng nguồn sông Hương, khoảng 16 cây số là đã thấy như lạc vào miền sơn cước.
Dòng sông sâu, hai bờ dựng đứng, cây cối rậm rạp. Nhìn về phía tây là một quần sơn với hàng chục ngọn núi lớn nhỏ điệp trùng.
Nơi sơn triều thủy tụ
Chiếc flycam đã cho chúng tôi một cái nhìn toàn cảnh của vùng rừng núi Thiên Thọ, vừa mang vẻ đẹp hữu tình vốn dĩ của đất trời xứ Huế vừa chứa đựng một sức mạnh hùng tráng của núi rừng Trường Sơn. Lăng mộ vua Gia Long và quần thể Thiên Thọ lăng nằm ở đó, giữa ba bên khe suối bao bọc và bốn bề là 42 ngọn núi chầu về.
Sách Đại Nam nhất thống chí (ĐNNTC), cuốn địa chí nước Việt biên soạn dưới thời Nguyễn, cho hay núi Thiên Thụ nguyên danh là Thụ Sơn, năm Gia Long thứ 14 (1815) vua phong tên là Thiên Thụ Sơn (Thụ và Thọ cùng một chữ Hán, cùng nghĩa, về sau này người ta thường dùng âm Thọ để gọi tên núi Thiên Thọ, lăng Thiên Thọ; Thiên Thọ có nghĩa là "trời ban cho").
Năm 1814, vua đã cho khởi công xây dựng lăng Thiên Thọ để an táng Thừa Thiên Cao hoàng hậu. Tả hữu, tiền hậu của lăng có 34 ngọn núi chầu về (sơn triều), ngoài ra còn có thêm 8 ngọn núi khác cũng nằm trong vùng trọng địa lăng tẩm (tổng cộng là 42 ngọn).
Các ngọn núi đều được vua đặt tên: Thanh Sơn, Bạch Sơn, Thúy Sơn, Chánh Trung Sơn... và khắc vào bia đá đặt trên mỗi đỉnh núi. Việc này cũng được chép vào bộ chính sử Đại Nam thực lục (ĐNTL).
Bao bọc quanh vùng sơn thủy Thiên Thọ là hai nhánh sông Tả Trạch và Hữu Trạch từ Trường Sơn đổ về, trước khi hợp lưu thành sông Hương ở ngã ba Tuần cách đó chừng năm cây số.
Trong khi đó, bao bọc quanh khu lăng lại là hai dòng suối. Dòng thứ nhất tụ hợp tất cả các dòng nước chảy từ các núi bên trái lăng xuống rồi mở rộng thành một cái hồ nằm trước khu lăng mộ, gọi là hồ Dài.
Dòng nước từ hồ Dài tiếp tục chảy ra đến lăng Thiên Thọ Hữu (của Thuận Thiên Cao hoàng hậu) và kết nối một hồ nằm trước lăng Thoại Thánh (của thân mẫu vua) gọi là hồ Vuông, rồi chảy tiếp đến lăng Hoàng Cô (lăng chị ruột vua).
Dòng thứ hai là suối Trường Phong - phát nguyên từ núi Duệ chảy quanh núi Thiên Thọ, chảy về trước lăng Trường Phong (của chúa Nguyễn Phúc Chú) rồi hợp lưu vào hồ Dài.
Toàn cảnh quần thể Thiên Thọ lăng, với sơn triều thủy tụ - Ảnh: NGUYỄN PHONG
Cuộc đất "vạn niên cát địa"
Nhà nghiên cứu Trần Viết Điền cho biết vua Gia Long giao cho nhà địa lý Lê Duy Thanh đi tìm cuộc đất "vạn niên cát địa" để chọn nơi yên nghỉ vĩnh hằng cho mình. Địa cuộc đó phải có phong thủy và long mạch vượng phát, để giữ trường tồn cho vương triều của mình. Sách ĐNTL đã chép rõ diễn biến của việc này.
Vào năm Gia Long thứ 13, ngày 22-3 Giáp Tuất (nhằm 11-5-1814), vua cho dựng thọ lăng ở Thọ Sơn, làng Định Môn, để an táng chánh phi của mình là Thừa Thiên Cao hoàng hậu vừa băng hà gần ba tháng trước đó.
Vua sai hai vị quan Tống Phước Lương (Đô sát ngự sử) và Phạm Như Đăng (thượng thư bộ Hình) lãnh chức sơn lăng sứ (cai quản lăng mộ vua và hoàng hậu), cùng nhà địa lý danh tiếng Lê Duy Thanh đi xem các núi để tìm đất.
Bảy lần bói, chỉ có núi Thọ Sơn là tốt. Vua đích thân đến xem thấy đất ấy là "vượng khí chung đúc", các núi quanh chầu về, đúng là "vạn niên cát địa" (đất tốt vạn năm).
Vua liền sai hoàng tử thứ tư (sau này là vua Minh Mạng) bói lại lần nữa, được quẻ Dự. Quan thượng thư bộ Lễ Nguyễn Hữu Thận xem quẻ rồi nói: "Tốt lắm", bèn lấy quân dân để làm lăng. Một năm sau, tháng 3-1815, hoàng hậu được an táng tại đây.
Cũng theo ĐNTL, khi hoàng hậu vừa băng hà, vua đã bàn với các đại thần, muốn hợp lăng cả vua và hoàng hậu vào cùng một lăng. Đích thân vua đến tận nơi để chọn chỗ đặt huyền cung (huyệt mộ) cho hoàng hậu và cho mình về sau. Vua tổ chức thiết kế và theo dõi thi công "ngôi nhà vĩnh hằng" của mình trong suốt sáu năm.
Đến cuối tháng 12 Kỷ Mão (tháng 2-1820) thì vua băng hà.
Trước đó, vua Gia Long đã hai lần đến thị sát vùng đất này. Đó là lần sửa chữa lăng các chúa Nguyễn và các hoàng hậu của chúa vào năm 1808. Lần thứ hai là tìm nơi an táng cho thân mẫu là Hiếu Khang hoàng hậu, cũng do nhà địa lý Lê Duy Thanh thực hiện, đích thân vua chọn huyệt mộ và theo dõi thi công (năm 1811).
Vì sao vua và các nhà địa lý không nhìn thấy huyệt mộ đắc địa ở cách đó chỉ vài trăm thước?
Nhà nghiên cứu Trần Viết Điền, chuyên gia về địa lý - phong thủy ở Huế, cho rằng những lần trước việc tìm kiếm chỉ trong tầm nhìn hẹp nên không thể thấy toàn bộ cả vùng sông núi Thiên Thọ. Còn lần này là tìm đất cho đế vương, quyết định sự trường tồn của cả vương triều, nên việc tìm kiếm phải công phu hơn, không chỉ lên núi cao để nhìn toàn cảnh mà còn dùng cả thiết bị "thiên lý kính".
"Vì công phu như thế nên vua Gia Long đi tìm "vạn niên cát địa" - đất tốt lành vạn năm, và đã gặp được "vạn niên đại cát địa" là đất không thể tốt hơn được nữa!" - ông Điền nói.
Nhà bia lăng vua Gia Long rất nhỏ và giản dị - Ảnh tư liệu
Giản dị mà hùng tráng
"Khác với lăng tẩm các vị vua chúa ở Việt Nam, lăng Gia Long không có nhiều công trình lầu, điện, đình, tạ. Cũng vì nhà Nguyễn mới bắt đầu xây dựng vương triều với biết bao khó khăn.
Nhưng cái chính là vua Gia Long muốn lấy sự hùng tráng của thiên nhiên để làm nên sự hùng tráng của mình, theo cách "nhân sơn chế lăng" - dựa vào núi mà xây dựng lăng. Vì vậy, Thiên Thọ lăng không phải chỉ là lăng mộ với tẩm điện và nhà bia, mà bao gồm cả quần thể Thiên Thọ sơn với rừng núi suối khe trùng điệp" - nhà nghiên cứu Phạm Đức Thành Dũng cho hay.
Sách ĐNNTC (bản đời Duy Tân) cho biết lăng mộ vua nằm trên ngọn núi có tên Chánh Trung Sơn, ở vị trí trung tâm. Bên tả là Thanh Sơn, bên hữu là Bạch Sơn, theo phong thủy đó là yếu tố "tả thanh long", "hữu bạch hổ".
Bức bình phong tiền án là năm ngọn núi cao dần trước mặt, mà ngọn thứ năm chính là núi Thiên Thọ mà vua đặt là Đại Thiên Thọ. Hai trụ biểu trước lăng được dựng trên ngọn Tiểu Thiên Thọ. 14 ngọn bên trái, 14 ngọn bên phải làm tả phù - hữu bật. Phía sau có 6 ngọn là "hậu chẩm" che chắn và là chỗ tựa gối cho nhà vua ngủ giấc thiên thu bình yên.
Lăng vua Gia Long nhìn từ phía trước, hai trụ lớn ở tiền ảnh là hai trụ biểu của lăng - Ảnh: NGUYỄN PHONG
Hơn một trăm năm trước (1918), có một vị du khách từ Hà Nội vào kinh đô Huế để "xem những cảnh tượng cũ của nước nhà". Đó là học giả Phạm Quỳnh - chủ bút tạp chí Nam Phong và sau đó đã trở thành quan Ngự tiền Văn phòng, thượng thư bộ Học và thượng thư bộ Lại của triều Nguyễn.
Sau khi chiêm bái các lăng vua Nguyễn, học giả Phạm Quỳnh đã để lại lời bình ngắn gọn mà chân xác, lưu truyền đến tận hôm nay: "Sánh với các lăng kia thì lăng Thiên Thụ là giản dị hơn cả, nhưng có vẻ gì hùng tráng, thực là biểu hiện được cái chí to tát của ông vua sáng nghiệp!".
63 năm sau (1981), một người khách quốc tế đến Huế với sứ mệnh cứu vãn quần thể di sản cố đô Huế tan hoang sau chiến tranh, đó là giám đốc UNESCO Amadou Mahtar M’Bow. Dù chưa hề đọc đến những lời bình năm xưa, vị khách đặc biệt này vẫn có chung cảm nhận như học giả Phạm Quỳnh. Ông viết: "Lăng Gia Long ở giữa khu vườn thiên nhiên bao la, gợi một ấn tượng hùng tráng và thanh thản".
____________________________________________
Thái y viện triều Nguyễn đã huy động hết thầy và thuốc tốt trong nước. Vua cũng đã bí mật nhờ các bác sĩ tây y điều trị, nhưng không qua khỏi. Nguyên nhân nào khiến vị vua xuất thân võ tướng không vượt qua được tuổi 58?
Kỳ tới: Cái chết của vị vua xuất thân võ tướng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận