11/07/2005 20:40 GMT+7

Bí ẩn của hơi thở

Lương y MINH CHÁNH, Sức Khỏe & Đời Sống
Lương y MINH CHÁNH, Sức Khỏe & Đời Sống

Rất nhiều người hay để cho sự tức giận chi phối mình, hoặc dễ gây gổ, đánh nhau mà không biết rằng mỗi lần giận dữ là mỗi lần tự đầu độc. Lúc đó, trong hơi thở của họ sẽ có nhiều chất độc với hàm lượng cao.

8oZBdk4G.jpgPhóng to
Kiểm soát hơi thở giúp phòng tránh bệnh tật
Rất nhiều người hay để cho sự tức giận chi phối mình, hoặc dễ gây gổ, đánh nhau mà không biết rằng mỗi lần giận dữ là mỗi lần tự đầu độc. Lúc đó, trong hơi thở của họ sẽ có nhiều chất độc với hàm lượng cao.

Pantajali, một đạo sư Ấn Độ, người thầy vĩ đại của môn phái Yoga ở thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên nói rằng, từng kiểu hơi thở và nhịp điệu riêng của nó thích ứng với từng trạng thái khác nhau của tư tưởng.

Bạn có thể chiêm nghiệm điều này. Khi nào bạn hân hoan, vui cười thì nhịp thở kéo dài, nét mặt rạng rỡ; khi gặp người yêu thì hơi thở ngắn, dồn dập, bạn trở nên bẽn lẽn, rạo rực; khi bạn tĩnh lặng không làm việc gì thì hơi thở điều hòa, sâu, chậm.

Lúc nào bạn thấy yên tĩnh, hân hoan, hạnh phúc, vui vẻ, bạn hãy ghi nhớ kỹ nhịp thở lúc đó. Lúc cơn giận đến, bạn hãy dùng ý chí để không cho phép thay đổi nhịp điệu, mà phải giữ nhịp thở như khi hạnh phúc hân hoan; nhất định cơn giận không thể kéo đến được.

Ngày nay có nhiều người, nhất là bạn trẻ, hay tức giận, gây gổ, đánh nhau. Các bạn ấy không biết rằng mỗi lần tức giận là mỗi lần làm cơ thể mình bị nhiễm độc, gây hậu quả xấu không chỉ về mặt tư tưởng, tính cách mà còn về thể xác nữa.

Bác sĩ Gate (Mỹ) đã làm thí nghiệm: hứng hơi thở của người bình thường vào ống nghiệm ướp lạnh, để hơi đó ngưng tụ và không thấy có cặn bã nào đáng kể. Năm phút sau, ông làm người này tức giận, nổi nóng, và hơi thở trong ống nghiệm ngưng tụ một chất cặn bã màu nâu nhạt. Đem chất này chích vào con vật, nó gây nên sự co giật lớn. Điều đó chứng tỏ trong cơn nóng giận, cơ thể tạo chất độc hại gây căng cứng, co giật, có thể làm bế tắc hoặc co hẹp mạch máu, tổn hại thần kinh, tim, huyết áp... Khi giận dữ, độc tố từ các hạch nội tiết chảy vào huyết quản, số lượng bạch cầu giảm sút nhanh chóng.

Khi lòng ham muốn, thèm khát, dục vọng bốc cao, nếu bạn lập tức điều hòa hơi thở thì dục vọng chấm dứt. Lúc nào tư tưởng tán loạn, nhảy nhót lung tung, bồn chồn, lo sợ, căng thẳng, việc đầu tiên bạn cần làm hít vào sâu, nín thở vài ba giây, bụng phình, sau đó thở ra từ từ và cũng nín thở vài ba giây. Nhịp nín thở khi hít vào và thở ra là tùy sức mỗi người.

Đây là cách thở bụng 4 thì của các nhà luyện dưỡng sinh khí công, Yoga. Cụ thể như sau:

Pha 1: Bắt đầu từ thở ra, nhẹ, sâu, dài cho hết CO2 để không có không gian tích tụ, ôxy có thể vào tận cùng các phế nang ở đáy phổi. Nếu không ở đáy phổi sẽ thiếu ôxy triền miên.

Pha 2: Nín thở tùy sức.

Pha 3: Hít vào bằng mũi, êm, nhẹ, để mũi kịp điều chỉnh nhiệt độ và ngăn bụi, vi khuẩn. Lưỡi sát hàm răng trên, mặt tươi tỉnh, lắng nghe hơi thở ra vào. Chủ động hạ cơ hoành tự nhiên, ép bụng dưới làm bụng phình lên; hít vào đến khi nào không hít được nữa; thư giãn toàn thân, mắt lim dim, dần dần chuyển vào trạng thái anpha (sóng não dao động 4-10 héc/giây).

Pha 4: Nín thở tùy sức. Sau đó trở lại pha 1 (thở ra...).

Mỗi ngày, nên tập thở dưỡng sinh 1-2 lần vào tối trước khi ngủ và sáng lúc thức dậy. Tập ngoài trời hoặc ngồi tập ngay trên giường đều được. Tập lâu sẽ thành thói quen, có thể hóa giải được bệnh thông thường, nâng cao sức khỏe, làm chậm sự lão hóa cơ thể.

Khi thở ra và nín thở, bạn đã tống độc ra ngoài và cơ thể có một khoảng trống. Những độc tố như nitơ, CO2 tích tụ ở tim. Khi bạn hít vào và ngưng lại thì khí độc lại hòa trộn vào hơi thở, vào máu để thải theo hơi thở ra, cùng với chúng là cả nỗi sầu muộn.

Hơi thở được duy trì sâu, đều, thường xuyên thì cơ thể bạn sinh sôi nảy nở, thay cũ, đổi mới, người vui vẻ khỏe mạnh. Các nhà Yoga đã tìm ra điều cơ bản sâu sắc là hơi thở quan trọng hơn tư tưởng. Nó có thể đẩy đi những chướng ngại xấu xa đã ăn sâu vào tiềm thức; cấy vào bạn hạt mầm Chân - Thiện - Mỹ, vốn là bản tính của con người, nhiều khi bị che lấp đi do những âu lo của cuộc sống. Nếu thay đổi được nhịp điệu hơi thở, bạn sẽ thay đổi được trạng thái tư tưởng, suy nghĩ và lối sống của mình. Thay đổi hơi thở cũng có nghĩa là thay đổi hướng nhìn, “nhìn” vào bên trong, lắng nghe nội tâm.

Sau một thời gian luyện tập thở bụng 4 thì, bạn sẽ thấy lúc nào cũng dễ chịu, sảng khoái, đầy tính năng động. Điều đó chứng tỏ thở bụng đã tác động đến sinh lý nội tạng, đến ổn định và điều hòa hoạt động thần kinh. Nếu bạn kiên trì tập thở đều đặn, thường xuyên, có ý thức, tự tin và quyết tâm tạo thành thói quen, xóa bỏ cách thở ngắn, nông cạn như thói quen hiện nay thì một cảm nhận, trực quan kỳ lạ sẽ xảy ra, hào quang tỏa sáng trước ấn đường, mắt bạn tinh anh hơn, bạn nhìn thế giới xung quanh mới mẻ, tươi đẹp hơn.

Lương y MINH CHÁNH, Sức Khỏe & Đời Sống
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên