21/01/2021 13:08 GMT+7

Bí ẩn COVID-19: Người bệnh bình phục nhưng thực sự chưa khỏi bệnh

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Chưa có câu trả lời vì sao nhiều bệnh nhân COVID-19 đã bình phục vẫn bị mệt mỏi, đau cơ, rụng tóc… Tỉ lệ này ở phụ nữ cao hơn nam giới.

Bí ẩn COVID-19: Người bệnh bình phục nhưng thực sự chưa khỏi bệnh - Ảnh 1.

Các triệu chứng còn kéo dài cho dù bệnh nhân COVID-19 đã bình phục. Trong ảnh: Người nhà thăm bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện Sparrow ở Lansing (bang Michigan) - Ảnh: wkar-org

Số liệu thống kê ghi nhận nhiều bệnh nhân COVID-19 đã bình phục nhưng thật ra nhiều người vẫn chưa khỏi bệnh hẳn vì tiếp tục bị các triệu chứng bệnh. Hiện tượng này được gọi là "tác dụng kéo dài của virus corona" (long COVID).

Ba nghiên cứu của Anh và Trung Quốc

Tạp chí The Lancet ngày 8-1 đã công bố nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc với đầu đề "Hậu quả sau 6 tháng nhiễm COVID-19 nơi các bệnh nhân xuất viện: nghiên cứu thuần tập" (nghiên cứu thuần tập là nghiên cứu theo dõi một hay nhiều nhóm có hoặc không có yếu tố phơi nhiễm tới khi xảy ra kết quả nghiên cứu). 

Nghiên cứu cho thấy 6 tháng sau khi xuất hiện các triệu chứng nhiễm COVID-19 đầu tiên, 76% bệnh nhân từng nhập viện vẫn tồn tại ít nhất 1 triệu chứng và tỉ lệ này ở phụ nữ cao hơn nam giới.

Các triệu chứng phổ biến gồm mệt mỏi và đau cơ (63%), rối loạn giấc ngủ (26%), rụng tóc (22%), không ngửi được mùi (11%), đau khớp (9%). Ngoài ra, từ 22%-56% có bất thường về phổi.

Bí ẩn COVID-19: Người bệnh bình phục nhưng thực sự chưa khỏi bệnh - Ảnh 2.

Rụng tóc là một trong các triệu chứng phổ biến đối với bệnh nhân COVID-19 đã bình phục - Ảnh: passeportsante.net

Một nghiên cứu của các nhà khoa học Anh đăng trên trang web khoa học MedRxiv ngày 19-12-2020 ghi nhận ước tính có 10% bệnh nhân từng nhiễm COVID-19 đã bộc lộ triệu chứng tối thiểu từ 3-4 tuần sau khi nhiễm.

May mắn thay, số người mắc các triệu chứng dai dẳng giảm dần theo thời gian. 4,5% số người tham gia nghiên cứu mắc các triệu chứng hơn 8 tuần sau khi có triệu chứng nhiễm đầu tiên. Hơn 12 tuần sau, tỉ lệ này giảm chỉ còn 2,3%.

Nghiên cứu của Anh nêu trên ghi nhận phụ nữ từng nhiễm COVID-19 mắc các triệu chứng dai dẳng lâu hơn nam giới. Ngoài ra, những người bộc lộ nhiều triệu chứng khi mới nhiễm có nguy cơ cao mắc di chứng kéo dài.

Trước đó, trang web MedRxiv cũng đã đăng một nghiên cứu của các nhà khoa học Anh ghi nhận 25% số bệnh nhân từng nhiễm COVID-19 tham gia nghiên cứu đã bị tổn thương nội tạng, trong đó có cả những người trẻ tuổi và những người chỉ mắc triệu chứng nhẹ.

Các bác sĩ thăm khám trực tiếp nói gì?

Bí ẩn COVID-19: Người bệnh bình phục nhưng thực sự chưa khỏi bệnh - Ảnh 3.

Áp phích kêu gọi mang khẩu trang và duy trì giãn cách ở Toronto (Canada) - Ảnh: TORONTO STAR

Nhận thức các vấn đề xảy ra với bệnh nhân COVID-19 bình phục, Canada đã mở 4 phòng khám ở Edmonton và Vancouver đồng thời dự kiến mở thêm 3 phòng khám ở Sherbrooke và Montréal.

Trong quá trình thăm khám, các bác sĩ xác nhận bệnh nhân thường bị mệt mỏi, khó thở, nhức đầu, mất khứu giác, đau cơ, đau khớp và rối loạn tinh thần. Bệnh nhân từng mắc bệnh nhẹ cũng không tránh khỏi.

Đôi khi các triệu chứng như mệt mỏi, đau nhức, khó thở xuất hiện trở lại chỉ vài ngày sau khi bình phục.

Trả lời Radio Canada, các bác sĩ trực tiếp thăm khám cho biết họ rất ngạc nhiên về mức độ phức tạp của bệnh COVID-19 và rất khó dự đoán ai có thể mắc các triệu chứng kéo dài.

Họ xác định vấn đề quan trọng là lắng nghe và hỗ trợ bệnh nhân vì nhiều người đã phải chịu đựng lo lắng, sợ hãi, trầm cảm và kỳ thị.

Ngoài ra, trải nghiệm của các bệnh nhân sẽ giúp giới nghiên cứu giải mã căn bệnh COVID-19. Ví dụ một bí ẩn cần xác định là liệu các triệu chứng kéo dài nêu trên do COVID-19 hay liên quan đến các bệnh khác?

Do các triệu chứng rất khác nhau giữa bệnh nhân này với bệnh nhân khác nên các phòng khám sau COVID đã quy tụ các chuyên gia nhiều lĩnh vực về tim mạch, huyết học, chuyên khoa phổi, dinh dưỡng, vật lý trị liệu…

Nói chung do không có giải pháp điều trị toàn diện các triệu chứng nên thông thường các bác sĩ chỉ cố kiểm soát triệu chứng, đồng thời khuyên bệnh nhân kiên nhẫn và giảm căng thẳng.

Các bác sĩ đánh giá với hiện tượng "tác dụng kéo dài của virus corona", điều quan trọng vẫn là mang khẩu trang, rửa tay thường xuyên và duy trì giãn cách để tránh nhiễm bệnh.

Thêm 4 ca COVID-19 mới, cao điểm 500 người nhập cảnh lậu một ngày Thêm 4 ca COVID-19 mới, cao điểm 500 người nhập cảnh lậu một ngày

TTO - Chiều tối 20-1, Bộ Y tế thông báo có thêm 4 ca mắc COVID-19 mới, đều là ca nhập cảnh được cách ly ngay, 50 ngày nay không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng. Tuy nhiên Bộ Y tế rất lo ngại dịch xâm nhập qua đường bộ.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên