Bí ẩn chấn thương cột sống ở trẻ em Trung Quốc

NGUYỄN THÀNH TRUNG 31/05/2024 05:07 GMT+7

TTCT - Những chấn thương cột sống đột nhiên tăng mạnh ở trẻ em khi xã hội Trung Quốc giàu lên, vì một lý do bất ngờ...

Năm 2021, bộ phim truyền hình nhiều tập Tiểu Xá Đắc (tên tiếng Anh là A Love for Dilemma) làm mưa làm gió trên sóng các nhà đài Trung Quốc do đụng tới một vấn đề rất nhạy cảm của quốc gia tỉ dân: Câu chuyện tranh đua để con cái bằng bạn bằng bè của các "bà mẹ hổ".

Ảnh: scmp.com

Ảnh: scmp.com

Dĩ nhiên không có gì xấu khi phụ huynh mong muốn điều tốt nhất cho con mình, với đủ các lớp học ngoại khóa chẳng hạn. Tuy nhiên, đòi hỏi con cái quá mức có thể dẫn tới những hệ quả ngoài dự kiến, với cái giá mà từng gia đình, và có khi là cả xã hội, phải trả, là quá đắt.

Chuyện của Nhân Nhân và Thanh Thanh

Năm 2022, cô bé Nhân Nhân ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, bị ngã và chấn thương cột sống khi đang thực hiện động tác uốn dẻo gập lưng dưới trong một buổi tập múa. Dù được đưa đến bệnh viện kịp thời và điều trị toàn diện, Nhân Nhân, 8 tuổi, vẫn phải bắt đầu đeo đồ bảo hộ thắt lưng và bụng đến trường.

Đó không phải là một tai nạn hy hữu. Thanh Thanh, một bé gái 10 tuổi khác cũng ở Vũ Hán, bị liệt hai chân do chấn thương khi thực hiện các động tác lưng dưới lúc tập nhảy. Sau chấn thương, Thanh Thanh còn bị nhiều biến chứng khác như vẹo cột sống, tiểu tiện không tự chủ và nhiễm trùng hệ tiết niệu.

Theo tờ Bắc Kinh Thời báo, một cư dân mạng không nêu tên đã bình luận trên một video về chấn thương và liệt cột sống liên quan đến uốn dẻo trên TikTok cho biết cô hiện đã ngoài 20 tuổi và vẫn đau lưng do từng bị buộc phải tập động tác gập lưng trong lớp học múa lúc 7 tuổi. 

Cô viết: "Học múa giống như cuộc cạnh tranh giữa các bậc phụ huynh. Khi một số đứa trẻ khác có thể thực hiện động tác uốn cong lưng trong lớp, mẹ tôi sẽ thúc giục tôi luyện tập nhiều hơn và nói tôi có thể dễ dàng làm được vì trẻ con xương dẻo hơn".

Một nghiên cứu trong những năm gần đây từ nhiều bệnh viện khắp Trung Quốc cho thấy sự gia tăng đáng lo ngại các trường hợp chấn thương cột sống nghiêm trọng ở các bé gái do các động tác thường thấy tại các lớp dạy nhảy hay múa, đặc biệt là động tác uốn cong lưng.

Nhiều giáo viên và phụ huynh không nhận thức được hậu quả nghiêm trọng mà những bài tập này có thể gây ra. 

Từ năm 2015 đến 2019, dữ liệu của Hiệp hội Chỉnh hình Trung Quốc và nhiều bệnh viện cho thấy chấn thương cột sống do tư thế uốn ngửa lưng gây ra chiếm 33,9% tổng số chấn thương cột sống ở trẻ em - so với mức chỉ 4% từ năm 1992 đến năm 2002. Điều đáng nói là kể cả sau năm 2019, tỉ lệ này vẫn tiếp tục tăng.

Trong vòng ba tuần mùa hè 2023, chỉ riêng Bệnh viện Cổ Lâu Nam Kinh ở Giang Tô đã tiếp nhận 5 trẻ em chấn thương cột sống do tập múa. 

Theo bác sĩ Lưu Trân, phó trưởng khoa phẫu thuật cột sống của bệnh viện này, việc điều trị chấn thương và dị tật cột sống ở trẻ em do các chuyển động như gập lưng và lộn nhào vốn là thách thức toàn cầu trong hai thập niên qua. 

Nhưng dù đây đã là vấn đề lâu nay ở các học viện múa và khiêu vũ khắp thế giới, tình hình ở Trung Quốc đặc biệt đáng lo ngại do độ tuổi quá nhỏ của những nạn nhân.

Ảnh: Phys.org

Ảnh: Phys.org

Trong 5 em nhập viện nói trên, một bé gái 11 tuổi từng bị liệt từ thắt lưng trở xuống lúc mới 5 tuổi sau khi tập động tác gập lưng trong lớp học múa. Trong sáu năm tiếp theo, cô bé phải vật lộn với chứng vẹo cột sống.

Bác sĩ Lưu nói với nhật báo Kinh Tế Thành Đô: "Đây là biến chứng phổ biến của tình trạng tê liệt... Những đứa trẻ bị liệt dạng này thường sẽ phải ngồi xe lăn suốt quãng đời còn lại".

Đã có rất nhiều cảnh báo

Quách Hiểu Đông, giáo sư chủ nhiệm khoa xương khớp tại Bệnh viện Hiệp Hòa của Trường Y Đồng Tế, Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung, từng đứng đầu một nghiên cứu về vấn đề này. 

Số liệu thống kê của nhóm ông cho thấy kể từ năm 2005, hơn 1.000 trẻ em ở Trung Quốc đã bị liệt sau khi thực hiện các động tác uốn cong lưng, khiến đây là nguyên nhân hàng đầu gây chấn thương tủy sống ở trẻ em nước này.

Giáo sư Quách nói với Tân Hoa xã rằng các biến chứng còn bao gồm loãng xương nghiêm trọng, xương yếu và giòn, nhiễm trùng niệu đạo tái phát, lở loét khi nằm liệt giường và rối loạn tâm lý. 

Giáo sư Quách giải thích, tủy sống bị kéo căng khi uốn cong về phía sau và dù cột sống trẻ em quả thật linh hoạt hơn người lớn, tủy sống thường khó thích ứng với tình trạng bị kéo căng quá mức do thay đổi mạnh và đột ngột về tư thế, dẫn đến chấn thương cột sống.

Ngày 21-7-2023, Bộ Giáo dục và Hiệp hội Người tiêu dùng Trung Quốc cùng đưa ra cảnh báo khuyến cáo các bậc phụ huynh phải thận trọng khi lựa chọn lớp học múa cho con. Đặc biệt, thông báo nói các bậc cha mẹ phải nhận thức rõ ràng về nguy cơ chấn thương, thậm chí là liệt, do các động tác như uốn cong lưng trong quá trình luyện tập.

Tôn Hạo Lâm, bác sĩ chỉnh hình tại Bệnh viện Số 1, Đại học Bắc Kinh, giải thích với tờ Bắc Kinh Thời báo: "Chúng tôi không khuyến khích trẻ em dưới 8 tuổi tập tư thế ngửa lưng. Những động tác múa không phù hợp đã trở thành nguyên nhân chính gây chấn thương tủy sống ở trẻ em Trung Quốc". 

Ông khuyến nghị các bậc cha mẹ nên cho con mình kiểm tra sức khỏe trước khi tham gia tập: "Trẻ em có khuyết tật cột sống tiềm ẩn, chẳng hạn như chứng rối loạn cột sống, nên tránh tập các động tác uốn hay gập lưng. Ngoài ra, trẻ nên khởi động đầy đủ trước khi thực hiện các động tác này".

Ảnh: The New Yorker

Ảnh: The New Yorker

Đó không chỉ là lời khuyên của các bác sĩ. Trong một video đăng trên TikTok, Đổng Đại Nhi, giảng viên tại Học viện Múa Bắc Kinh, khuyến cáo: "Không nên để giáo viên múa tạo áp lực bên ngoài lên lưng dưới của trẻ, đặc biệt với trẻ từ 4 - 6 tuổi, độ tuổi dễ bị chấn thương liên quan đến múa nhất". 

Cô Đổng nhấn mạnh trẻ em phải luôn tập luyện dưới sự giám sát chuyên nghiệp. Trẻ dưới 10 tuổi cần tập trung nhiều hơn vào việc nuôi dưỡng niềm yêu thích và ý thức nghệ thuật trong môn này, và không nên tập các động tác khó như uốn dẻo gập lưng hoặc duỗi, tách, lộn nhào cột sống quá mức khi còn nhỏ.

Xã hội "nội quyển"

Tuy nhiên, mọi việc không đơn giản. Nhìn chung, các bậc cha mẹ Trung Quốc tin tưởng sâu sắc rằng thành tích của con cái là có thể lập trình. Do đó, việc lập kế hoạch chiến lược trở thành trọng tâm trong quá trình nuôi dạy con cái thành người ưu tú. 

Nhiều bà mẹ Trung Quốc lên lịch nghiêm ngặt mỗi ngày cho con tính từng 15 phút một. Họ lùng sục các diễn đàn trực tuyến và kháo nhau về các gia sư và huấn luyện viên thể thao giỏi nhất. Một số thậm chí còn mua căn nhà thứ hai ngay cạnh các trường công lập tốt để con cái học đúng tuyến.

Vấn đề ở chỗ đây không chỉ là nỗi ám ảnh về việc nuôi dạy con cái nghiêm khắc; mà là cả một cơ chế tự vệ cạnh tranh để đảm bảo con cái họ sẽ thăng tiến sau này. 

Sự cạnh tranh quá mức đó được mạng xã hội Trung Quốc gọi là "nội quyển" (neijuan), từ ẩn dụ để chỉ sự cạnh tranh căng thẳng đến mức những người tham gia mắc kẹt vào đó dù biết rõ là nó vô nghĩa. 

Một bà mẹ họ Trương nói với trang Think China: "Là cha mẹ, tôi không vui khi thấy con mình vật lộn mỗi ngày. Nhưng điều đó không thể tránh được vì sự cạnh tranh quá lớn".

Ước tính khoảng 3/4 học sinh Trung Quốc từ mẫu giáo đến lớp 12 tham gia các lớp học ngoại khóa. 

Một báo cáo gần đây của Công ty tư vấn Oliver Wyman cho biết doanh thu hằng năm của ngành dạy thêm và các lớp ngoại khóa ở Trung Quốc là hơn 800 tỉ nhân dân tệ (125 tỉ USD). Ngành này còn được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh chóng sau khi chựng lại những năm dịch, lên mức 1.400 tỉ nhân dân tệ (khoảng 200 tỉ USD) vào năm 2024.

Cả xã hội Trung Quốc bị cuốn vào quá trình cạnh tranh không hồi kết. Đứa con duy nhất không chỉ được đòi hỏi phải giỏi về học vấn, mà còn biết khiêu vũ hay chơi piano điêu luyện, bất chấp thiên hướng của chúng. Cứ như vậy, những tai nạn thương tâm không đáng có với trẻ em vẫn tiếp tục.■

Theo giáo sư Quách Hiểu Đông, khi thực hiện bài tập lưng dưới, cột sống ngực ở trạng thái duỗi quá mức, trong khi cột sống cổ và thắt lưng tương đối cố định, nên tủy sống sẽ bị kéo căng tương ứng.

Ngoài ra, quá trình cúi xuống nhiều lần có thể gây tổn thương hoặc tắc nghẽn các mạch máu nhỏ ở tủy sống, dẫn đến thiếu máu cục bộ và giãn tủy sống.

Giáo sư Quách cũng khuyến cáo về khoảng thời gian "giờ vàng" ngay sau chấn thương, khi điều trị nội khoa và phẫu thuật kịp thời sẽ ngăn ngừa thương tích nghiêm trọng, thậm chí tử vong, cho những trẻ không may bị thương.

Nếu trẻ cảm thấy khó chịu sau khi thực hiện động tác uốn gập lưng, phải lập tức tìm kiếm trợ giúp y tế trong vòng tám giờ để giảm thiểu tổn thương tủy sống. Do hiện không có phương pháp điều trị hiệu quả cho loại tê liệt này, phòng bệnh là cách duy nhất.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận