Do vậy, Bộ Y tế đang thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao tỷ lệ người nhiễm HIV có thẻ BHYT.
Theo số liệu thống kê, tính đến tháng 9-2017, 45/63 tỉnh, thành phố đã có tỷ lệ bao phủ BHYT trong bệnh nhân điều trị thuốc kháng virus ARV, đạt trên 80%, trong đó 23 tỉnh có tỷ lệ bao phủ trên 90%, còn lại một số tỉnh/thành phố khác tỷ lệ bao phủ BHYT vẫn thấp.
Theo phân tích của các chuyên gia y tế, hiện chi phí thấp nhất cho việc điều trị thuốc của bệnh nhân HIV/AIDS khoảng hơn 4 triệu đồng/năm/người đối với bệnh nhân theo phác đồ 1. Nhưng đối với bệnh nhân kháng thuốc, phải điều trị phác đồ 2 thì chi phí điều trị tăng lên gấp 7-8 lần.
Điều đáng nói, tỷ lệ kháng thuốc đang có xu hướng tăng lên, chiếm khoảng 4,5% bệnh nhân HIV/AIDS đang điều trị. Như vậy, nếu không có thẻ BHYT, người nhiễm HIV sẽ phải bỏ ra một số tiền khá lớn để điều trị bằng thuốc ARV.
Tại một số tỉnh, thành phố độ bao phủ BHYT cho đối tượng này còn thấp do tâm lý sợ lộ thông tin của người bị bệnh. Nhiều người nhiễm HIV/AIDS có tâm lý lo sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử nên không muốn cung cấp thông tin để tham gia BHYT.
Đặc biệt, có một số bệnh nhân tuy có thẻ BHYT nhưng sẵn sàng bỏ tiền túi ra khám chữa bệnh, hoặc đến nơi không được hưởng BHYT để che giấu tình trạng bệnh. Bên cạnh đó, cũng có nhiều người nhiễm HIV chưa sẵn sàng mua thẻ BHYT do còn trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước hoặc các dự án.
Để khuyến khích người nhiễm HIV tham gia BHYT, ông Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho rằng, trước mắt cần hoàn thiện hệ thống thanh toán BHYT tại các cơ sở điều trị trên cả nước.
Đồng thời, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cũng đang rà soát nhu cầu BHYT cho người nhiễm HIV của một số tỉnh khó khăn để dùng nguồn kinh phí viện trợ quốc tế hỗ trợ trong thời gian đầu mới chuyển đổi nguồn lực.
Bộ Y tế sẽ tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ y tá, bác sĩ tại các trung tâm y tế, bệnh viện các tuyến có chức năng khám, chữa bệnh cho người bệnh HIV/AIDS. Cán bộ y tế phải hiểu, thông cảm và đồng cảm với người bệnh.
Quy định về giấy tờ, hồ sơ phải được mã hóa, bảo đảm bảo mật bệnh tật của người bệnh; bảo đảm thông tin về HIV không tiết lộ ra ngoài, chỉ hạn chế trong các cơ sở điều trị và cơ quan BHYT. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là người bệnh nhiễm HIV/AIDS phải vượt qua được sự kỳ thị bởi đây là cuộc chiến đấu lâu dài, cho nên không thể giấu suốt đời.
Tính đến nay, cả nước phát hiện trên 208.000 người nhiễm HIV, tập trung chủ yếu ở các khu vực miền Tây Nghệ An, Tây Thanh Hóa và các tỉnh khu vực Tây Bắc. Trong đó nam giới nhiễm HIV chiếm 70%, nữ giới là 30%, tập trung ở độ tuổi từ 30-40 tuổi.
Trong 9 tháng đầu năm 2017, cả nước phát hiện trên 6.800 trường hợp nhiễm HIV (giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái), gần 3.500 bệnh nhân AIDS (giảm 39% so với cùng kỳ năm 2016). Số người nhiễm HIV đã tử vong là 1.260 trường hợp (giảm 35%).
Phần lớn người nhiễm HIV được phát hiện muộn trong quá trình khám, chữa bệnh... Nguy cơ lây chính là từ các nhóm nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm và nhóm quan hệ tình dục đồng tính nam (MSM).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận