30/09/2006 14:52 GMT+7

BH Y Tế, BH Xã Hội có chi trả phí khám thai, sinh con?

THỂ HÀ thực hiện
THỂ HÀ thực hiện

TTO - Tôi hiện nay đang làm cho công ty tư nhân, có ký hợp đồng lao động trong 2 năm với lương 800.000 đồng/tháng. Tôi muốn biết Bảo hiểm xã hội trả cho người lao động khi nghỉ thai sản như thế nào? Khi tôi sinh con tại bệnh viện (được đăng ký trên thẻ BH Y tế) thì tôi có phải tốn tiền gì không ?

Tôi bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ tháng 7-2006 nhưng đến cuối tháng 11-2006 tôi sinh con. Vậy tôi có được hưởng trợ cấp BHXH không? Được hưởng như thế nào? Thủ tục để được hưởng BHXH sẽ bao gồm những gì? (Ngoc Nga)

- Tư vấn của luật sư Nguyễn Thị Diễm Phượng, đại diện Văn phòng luật sư J&J và Công ty cổ phần liên kết doanh nhân Elink:

Câu hỏi của bạn gồm 3 vấn đề: (1) mức trợ cấp thai sản; (2) bảo hiểm y tế có được sử dụng cho trường hợp sinh con hay không; và (3) tham gia bảo hiểm xã hội bao lâu thì được hưởng trợ cấp thai sản. Tôi sẽ lần lượt trả lời các thắc mắc của bạn như sau:

1. Mức trợ cấp thai sản

Theo Điều 14 - Nghị định số 12/CP của Chính phủ ngày 26-1-1995 về việc ban hành điều lệ bảo hiểm xã hội (“Nghị Định 12”) thì mức trợ cấp thai sản là: 100% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ. Ngoài ra, khi sinh con được trợ cấp 1 lần bằng 1 tháng tiền lương đóng bảo hiểm xã hội.

Và Điều 12 - Nghị Định 12 quy định về thời gian nghỉ việc trước và sau khi sinh con như sau:

- 4 tháng đối với người làm việc trong điều kiện bình thường;

- 5 tháng đối với người làm các nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại; làm việc theo chế độ 3 ca; làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,5 và 0,7;

- 6 tháng đối với người làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 1; người làm nghề hoặc công việc đặc biệt theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.

Như vậy, tùy thuộc công việc bạn đang làm thuộc diện nào theo Điều 12 nêu trên, bạn sẽ được hưởng mức trợ cấp thai sản bằng 100% lương mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ, nhân cho số tháng bạn được nghỉ việc trước và sau khi sinh con. Ngoài ra, bạn còn được hưởng trợ cấp 1 lần bằng 1 tháng tiền lương đóng bảo hiểm xã hội.

2. Bảo hiểm y tế

Theo Điều 7 - Nghị định số 36/2005/NĐ-CP ngày 16-5-2005 của Chính phủ về việc ban hành Điều lệ bảo hiểm xã hội, thì người có thẻ bảo hiểm y tế bắt buộc sẽ được hưởng chế độ bảo hiểm y tế cho các chi phí khám thai, sinh con.

Do vậy, nếu bạn có thẻ bảo hiểm y tế bắt buộc, bạn sẽ được hưởng chi phí khám thai và sinh con.

3. Tham gia bảo hiểm xã hội bao lâu thì được hưởng trợ cấp thai sản

Pháp luật hiện hành về BHXH không minh thị quy định thời gian đóng BHXH tối thiểu bắt buộc phải là bao lâu thì mới được hưởng chế độ trợ cấp thai sản; và theo quan điểm của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tại Công văn số 4317/LĐTBXH-BHXH ngày 2-12-2003 thì:

“Về trợ cấp thai sản: Chính sách Bảo hiểm xã hội hiện hành chưa quy định thời gian tối thiểu đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng chế độ thai sản. Vì vậy, trường hợp người lao động nữ mới đóng BHXH được 2-3 tháng thì nghỉ thai sản, được hưởng chế độ thai sản là đúng quy định”.

Như vậy, trường hợp của bạn sẽ được hưởng chế độ trợ cấp thai sản.

Về thủ tục để hưởng bảo hiểm xã hội, bạn nên liên hệ với cơ quan bảo hiểm xã hội nơi bạn tham gia đóng bảo hiểm xã hội để được hướng dẫn một cách cụ thể nhất về vấn đề này.

Mọi thắc mắc liên quan đến vấn đề lao động việc làm, kỹ năng nghề nghiệp, quyền lợi của người lao động... bạn đọc có thể gửi về chương trình "Tư vấn việc làm" tại địa chỉ: [email protected]

Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, xin bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ unicode). Xin chân thành cảm ơn!

THỂ HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên