Nghệ sĩ từng 20 lần nhận giải Grammy đề cao giá trị của người da màu trong hầu hết các sản phẩm nghệ thuật của mình - Ảnh: Daniela Vesco |
Trong buổi diễn ở Glasgow (Scotland), nữ ca sĩ yêu cầu người hâm mộ dành vài phút yên lặng để tưởng niệm hai nạn nhân xấu số (trong đoạn clip cảnh sát xả súng ở Louisiana và Minnesota gây sốc trên mạng xã hội tuần trước). Tên của họ xuất hiện trong màn hình sân khấu, kèm dòng chữ “và hàng loạt những nạn nhân khác…”.
Các vũ công của Beyoncé đứng yên, trong khi giọng ca 35 tuổi cất giọng hát bản Freedom (Tự do) theo phong cách a cappella (hát không nhạc đệm). Ca từ ca khúc mô tả nỗi tuyệt vọng của sự tự do không được tìm thấy.
Từ nhiều năm trước, Beyoncé đã khởi xướng phong trào nữ quyền cả trong âm nhạc lẫn tiếng nói. Nghệ sĩ từng 20 lần nhận giải Grammy đề cao giá trị của người da màu (kể cả đồng tính), gốc Phi… trong hầu hết các sản phẩm nghệ thuật của mình.
Dù có thể vấp phải khoảng cách vô hình trong kỹ nghệ giải trí, nhưng cuộc cách mạng của Beyoncé đối với người da màu nhận nhiều phản ứng tích cực của những người làm giáo dục.
James Braxton Peterson - giám đốc Trường ĐH Lehigh - cho biết: “Nghệ sĩ thường thờ ơ với các vấn nạn xã hội, trong khi hành động của Beyoncé phản ánh ngược lại”.
Jason Nichols (giáo sư của Trường ĐH Maryland) và James Braxton Peterson cho rằng Beyoncé tiếp tục đi theo những nghệ sĩ tiên phong dùng âm nhạc để nói lên quan điểm sống như Sam Cooke, James Brown, Bob Dylan, Bob Marley…
Nichols tiếp lời: “Tất cả âm nhạc là chính trị, đặc biệt hip-hop. Ngày nay nếu một nghệ sĩ không có bất kỳ tiếng nói nhân quyền nào thì chắc họ phải mù hay điếc”.
Cần nói thêm rằng Beyoncé đang ủng hộ Black lives matter (Vấn đề cuộc sống người da đen) - một tổ chức phản đối hành động bạo lực của cảnh sát đối với người da màu, đang lan rộng khắp nước Mỹ và nhận những phản ứng trái chiều từ dư luận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận